(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng tập trung nhằm tăng năng suất, chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa bền vững.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hiệu quả kinh tế từ những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng tập trung nhằm tăng năng suất, chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa bền vững.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện đã tích tụ được 35.612 ha đất để sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn. Từ đó, hình thành và phát triển được 17 vùng sản xuất tập trung cấp tỉnh và hơn 55 vùng sản xuất tập trung cấp huyện, xã với diện tích 444,3 ha. Các mô hình sản xuất tập trung, quy mô lớn có liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm ngày càng nhiều; đồng thời, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Điển hình, như: Vùng sản xuất giống lúa thuần, lúa lai F1; sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh tại các huyện Thọ Xuân, Đông Sơn, Vĩnh Lộc, Quảng Xương; vùng sản xuất chuyên canh các loại cây rau màu, như: Ngô ngọt, bí, đậu tương rau, cải chân vịt, hành lá tại các huyện Thọ Xuân, Hậu Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa...

Các địa phương đang tích cực đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp theo mô hình tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cùng với việc phát triển các “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết”, Thanh Hóa đang tích cực nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Đồng thời, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng chuyển dần từ nuôi quảng canh sang thâm canh, hình thành các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, ngao... tập trung ở các huyện ven biển với quy trình nuôi được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP...

Có dịp về xã Thọ Trường (Thọ Xuân), ghé qua khu Đồng Xốn, vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn của xã hiện nay, chắc hẳn ít ai biết rằng, khoảng 10 năm trước, khu này vốn là khu đồng sâu trũng, năm nào cũng ngập lụt, sản xuất chỉ được 1 vụ lúa nhưng năng suất cũng bấp bênh.

Và việc vận động hơn 800 hộ dân tích tụ đất đai lại để 13 hộ tổ chức sản xuất lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao như hiện nay là thành công lớn của xã Thọ Trường. Trao đổi với ông Trịnh Bá Lập - Chủ tịch UBND xã Thọ Trường, ông cho biết: Khi ấy, chưa có mô hình thành công nên người dân ngại đổi mới, thậm chí ruộng bỏ hoang mà không muốn cho hộ khác thu gom dồn đất. Chúng tôi phải nhiều lần đưa ra vấn đề, để dân bàn thoải mái mà không áp đặt. Dần dần, một số người nhận thức được việc tích tụ đất, đầu tư sản xuất quy mô lớn là cần thiết. Xã đứng ra làm trung gian, vận động các hộ có ruộng đổi đất để các chủ khác vào đầu tư trang trại, đào ao; đồng thời hỗ trợ làm đường bê tông ra tận khu đồng và nhiều khuyến khích khác. Đến năm 2013, khi những hộ ban đầu làm ăn hiệu quả kinh tế, những hộ khác đua nhau vào tích tụ đất, đầu tư thành khu sản xuất khang trang như ngày nay.

Đến thời điểm hiện tại, xã Thọ Trường đã có tổng cộng 209 ha đất nông nghiệp trồng cây hàng năm được tích tụ để sản xuất quy mô lớn, cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi ha/ năm.

Không chỉ xã Thọ Trường mà trên địa bàn huyện Thọ Xuân hiện nay, việc hình thành các mô hình sản xuất tập trung đã được thực hiện ở nhiều xã. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Thọ Cường - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thọ Xuân, cho biết: Để tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp, huyện đã ban hành một số chính sách khuyến khích tích tụ đất đai, như: Hỗ trợ máy sấy lúa cho các HTX liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ 500 triệu đồng đầu tư hệ thống điện cho các khu trang trại tổng hợp có diện tích từ 20 ha trở lên; hỗ trợ từ 400 đến 500 triệu đồng đối với mô hình trồng rau, quả trong nhà lưới có quy mô từ 1 đến dưới 5 ha và đối với mô hình có quy mô từ 5 ha trở lên sẽ được hỗ trợ 1 tỷ đồng/mô hình.

Tại huyện Vĩnh Lộc việc hình thành các mô hình sản xuất tâp trung với quy mô lớn hiện đang mang lại hiệu quả rất cao cho người dân. Theo thông tin của Phòng NN&PTNT huyện, tính đến nay đã có 5 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, như: Vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, với tổng diện tích mỗi năm đạt 2.500 ha; vùng sản xuất ngô ngọt, quy mô 25 ha/vụ; vùng sản xuất ớt, có diện tích gần 125 ha/năm; vùng sản xuất mía, diện tích 400 ha/niên vụ và vùng sản xuất rau an toàn tập trung, diện tích 23 ha.

Từ thành công bước đầu trong việc tích tụ ruộng đất đã tạo bước đột phá nhằm phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững có giá trị gia tăng cao, đồng thời từng bước thay đổi tư duy, tập quán canh tác truyền thống sang sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ CNH, HĐH.

Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất tập trung có quy mô lớn, dần hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, sản xuất theo hướng công nghệ cao. Thực tế, ở một số địa phương đã có rất nhiều trang trại tổng hợp đem lại thu nhập hàng trăm triệu đến tiền tỷ cho nông dân.

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao hơn, thời gian tới các địa phương nên tiếp tục chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp để gia tăng thu nhập trên đơn vị canh tác; tăng cường thu hút doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu hàng hóa. Bên cạnh đó, thúc đẩy việc hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đây là giải pháp trọng tâm để bảo đảm cho nông dân yên tâm sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa, bền vững và hiện đại.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]