(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Dưới sự dẫn dắt của HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng, chúng ta đang được chứng kiến một đội tuyển Việt Nam “lấy công làm thủ” - chiến thuật có thể làm hài lòng những ai yêu bóng đá đẹp nhưng vẫn còn sớm nếu xem đó là điều kiện “cần” và “đủ” để giành “vàng” tại SEA Games 29.

Tin liên quan

Đọc nhiều

HLV Hữu Thắng và sách lược ‘chơi tất tay’!

(VH&ĐS) Dưới sự dẫn dắt của HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng, chúng ta đang được chứng kiến một đội tuyển Việt Nam “lấy công làm thủ” - chiến thuật có thể làm hài lòng những ai yêu bóng đá đẹp nhưng vẫn còn sớm nếu xem đó là điều kiện “cần” và “đủ” để giành “vàng” tại SEA Games 29.

Bằng chứng rõ nhất cho tư duy lấy công làm thủ mà HLV Hữu Thắng đang triệt để áp dụng chính là cuộc đối đầu U22 Việt Nam - U22 Hàn Quốc trong khuôn khổ vòng loại giải U23 châu Á 2018 vừa diễn ra cách đây không lâu. Trong bối cảnh chỉ cần chơi “cò cưa” kiếm 1 điểm là có thể giành ngôi nhất bảng, đồng nghĩa với việc sở hữu tấm vé vào thẳng Vòng chung kết thì nhà cầm quân xứ Nghệ đã chỉ đạo học trò “chơi tất tay”. Cách nhập cuộc táo bạo này khiến đối phương có phần lúng túng và chúng ta đã thiết lập được một thế trận tương đối cân bằng, thậm chí có thời điểm U22 Việt Nam còn lấn lướt, kiểm soát hoàn toàn khu trung tuyến. Nếu cần thêm dẫn chứng thì có thể nhắc đến trận giao hữu với U20 Argentina cách đây chưa lâu. Trước giờ bóng lăn, ông Thắng đã khiến mọi người sửng sốt khi tuyên bố: Đá sòng phẳng! Một chiến thuật mà theo nhận định của các chuyên gia là “chẳng khác gì tự sát” bởi đối phương ở đẳng cấp cao hơn hẳn.

Hai lần chơi sòng phẳng với 2 đối thủ ở đẳng cấp cao hơn cũng là 2 lần U22 Việt Nam phải hứng chịu thất bại.

Không khó để tìm đáp án cho việc nhà cầm quân gốc Nghệ chấp nhận “hy sinh” cả 2 trận đấu nói trên. Cái đích của Nguyễn Hữu Thắng, không gì khác ngoài chiến dịch “săn vàng” sẽ diễn ra tại SEA Games 29 tới đây. Sân chơi mà các đối thủ tương đối “đồng cân đồng lạng” và khi ấy, những “bài, miếng” tấn công đã được luyện đi luyện lại chắc chắn sẽ phát huy tác dụng. Chưa hết, với “bộ khung” đội tuyển được xây nên từ những gì “tinh túy” nhất của lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai JMG thì việc áp triết lý tấn công xem ra rất phù hợp. Hợp với yếu tố con người và hợp cả với quan điểm chỉ đạo của ông bầu, cũng là Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam - nhân vật duy nhất ở thời điểm này công khai ủng hộ và sát cánh cùng Nguyễn Hữu Thắng. Bởi vậy, người hâm mộ có thể tin rằng ở Đại hội Thể thao khu vực sắp tới, U22 Việt Nam sẽ trình diễn lối đá tấn công đẹp mắt.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý SEA Games 29 là tập hợp của hơn mười nền bóng đá trong khu vực mà các đối thủ của chúng ta hoàn toàn không giống nhau. Để có thể hoàn thành mục tiêu “vào chung kết” và cao hơn là “đổi màu huy chương”, bên cạnh thứ vũ khí sở trưởng, thầy trò HLV Hữu Thắng cần phải có những phương án dự phòng khác.

Ở góc độ này thì nhà cầm quân sinh năm 1971 chưa đem lại cảm giác an tâm cho khán giả bởi thời gian gần đây, người hâm mộ bóng đá cả nước có cảm giác đội tuyển của chúng ta chỉ chơi với một “bài” duy nhất. Lối chơi tấn công dẫu được “mài sắc” nhưng nhiều khả năng sẽ phản tác dụng trong tình huống đội tuyển gặp phải đối thủ “thích” hay giỏi phòng ngự nhiều tầng.

Hy vọng rằng những gì mà khán giả cả nước đã được chứng kiến ở hai trận đấu với U20 Argentina và U22 Hàn Quốc chỉ là “phần nổi” của tảng băng trôi trong hệ thống chiến thuật mà HLV Nguyễn Hữu Thắng đang thi triển. Nói cách khác, chúng ta hy vọng HLV Hữu Thắng vẫn đang “giấu bài”, “giấu” lối đá phòng ngự khoa học, hợp lý để khi cần có thể áp dụng linh hoạt trên sân cỏ SEA Games vốn rất đa dạng về đối thủ, phong cách chơi bóng.

Thanh Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]