(vhds.baothanhhoa.vn) - Ở mảnh đất biên cương được xem là nghèo và khó khăn nhất tỉnh, câu chuyện về khao khát vươn xa và khám phá, đã lần hồi theo từng bước chân của cô gái người Mông Thao Thị Dua.

“Hoa” của núi

Ở mảnh đất biên cương được xem là nghèo và khó khăn nhất tỉnh, câu chuyện về khao khát vươn xa và khám phá, đã lần hồi theo từng bước chân của cô gái người Mông Thao Thị Dua.

“Hoa” của núiChị Thao Thị Dua và phụ nữ dân tộc Mông gìn giữ và phát huy những nét đẹp trong văn hóa dân tộc mình. Ảnh: Tăng Thúy

Nảy mầm từ đá

Đi, gặp gỡ và viết, có những con người, vấn đề xuất hiện bất ngờ, tự nhiên, cuốn hút đến mức người cầm bút phải nhớ và ngẫm rất lâu. Lần đó liên hệ để viết bài “Những đứa trẻ lớn lên trong “tổ ấm rất lạnh”, tôi gặp Dua - thành viên nòng cốt của mô hình câu lạc bộ “mẹ đỡ đầu” nhằm giúp đỡ, chở che cho những đứa trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế. Khi ấy, Dua đang là Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Pù Nhi. Tuổi 30, Dua - một người phụ nữ vùng cao, sống trong những ràng buộc của tục lệ, mang nét chững chạc trên khuôn mặt, vóc dáng. Nhưng, Dua vẫn đủ để người ta nhận thấy sự nhiệt huyết và tự tin toát ra từ cách nói chuyện, đôi má núng đồng tiền duyên dáng.

Tôi và Dua sàn sàn tuổi nhau nên suốt chặng đường vào bản, hai chị em cứ rủ rỉ đủ thứ chuyện trên trời, dưới biển. Hết chuyện về những đứa trẻ, đến chuyện cá nhân, chuyện tập thể... Trời hôm ấy, nắng đến cháy mặt. Chúng tôi ngồi xe rồi đi bộ, leo dốc lại lội suối. Đi, tôi mới thấm sự bền bỉ, dẻo dai của những người phụ nữ sinh ra và lớn lên trên vùng đất gian khó này.

Dua kể, vào những năm 2000, việc đến trường học chữ đối với những đứa trẻ đồng bào dân tộc Mông là một điều khó khăn. Sinh ra trong một cộng đồng không nói tiếng Kinh, không hiểu tiếng Việt và có văn hóa hoàn toàn khác biệt, Dua và các bạn đến trường đầy sợ hãi và xa lạ. Hơn nữa để đến trường, Dua phải đi trên con đường đầy bùn đất, trơn trượt xuống núi. Trời mưa có những đoạn không đi được phải bò, bấm ngón chân vào đất cho khỏi ngã. Những tưởng con đường lầy lội, tối tăm này là hiện thân của những rào cản vô hình ngăn bước chân trẻ tới trường. Nhưng hóa ra, hành trình thuyết phục những ông bố, bà mẹ đồng ý cho con em đến trường còn khó hơn. Nhiều phụ huynh kiên quyết không cho các bạn đến lớp, vì là con gái nên ở nhà phụ chăm em, làm việc nhà.

Bố mẹ Dua là một người như thế, nhà có 7 anh chị em nên bố mẹ chỉ đủ sức nuôi các con trai ăn học. Dua dù ham học, học giỏi nhưng vì là con gái nên bố bắt Dua bỏ học ở nhà. “Cái Dua học lắm làm cái gì, cái chữ có làm no cái bụng đâu! Lên rẫy trồng cây ngô, cây sắn lấy cái ăn. Lớn rồi đi lấy chồng, làm ma nhà người ta chứ có làm ma nhà mình đâu mà học cho phí” - cái sự “phí” mà bố nói làm Dua khóc rất nhiều vì uất ức. May mắn, Dua có một người anh trai tiến bộ và thương em gái. Anh Thao Văn Dính, hiện đang làm công chức văn hóa bên xã Na Mèo (Quan Sơn) đã cãi lời bố, quyết tâm cho em gái đi học. Anh Dính nói với Dua: “Con gái lại càng phải học, mình có công việc, có kiến thức thì sau này về nhà chồng đời mới đỡ khổ”.

Có anh trai hậu thuẫn, Dua tự tin xách đồ xuống xã học cấp 2. Dua và bạn học dựng lán gần trường. 11 tuổi, Dua bắt đầu cuộc sống tự lập. Hằng ngày sau giờ học, Dua về nấu ăn, ăn xong ngồi vào bàn học bài. Dua chỉ về nhà anh vào cuối tuần để lấy gạo, khi gia đình có việc hoặc nghỉ lễ. Học hết lớp 12, bằng sự nỗ lực cùng chút may mắn, Dua đỗ vào Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật (nay là Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa) và đã vượt qua khoảng cách từ vùng quê đến thành phố để học, khám phá những thứ mà trên quê không có.

Vươn mình đón nắng

Ra trường, Dua tự tin mang kỹ năng, kiến thức học được trở về quê hương phục vụ cuộc sống của bản thân và dân bản. Dua nói: “Trở về, mình chỉ muốn chứng minh rằng dù là con gái nhưng vẫn có thể đi học, lao động, đóng góp tích cực cho xã hội”. Với tinh thần nhiệt huyết và những nổi bật trong các hoạt động phong trào của bản, năm 2018 Dua được đứng vào hàng ngũ của Đảng và sinh hoạt tại bản Pù Toong. Sau đó, Dua sang công tác tại Hội LHPN xã Pù Nhi, rồi làm Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Pù Nhi. Dua được đánh giá là một trong những nữ đảng viên trẻ năng nổ, có nhiều thành tích trong hoạt động. Đặc biệt, trong hoạt động của Câu lạc bộ “mẹ đỡ đầu” xã Pù Nhi, Dua là một trong những thành viên nòng cốt. Chương trình đã tạo ra được những hiệu ứng xã hội tích cực, giúp đỡ được cho nhiều hoàn cảnh éo le.

Được biết, chỉ tính riêng xã Pù Nhi hiện đang có hơn 20 trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Nguyên nhân một phần dẫn đến những hệ quả trên là tình trạng tảo hôn, hôn nhân không hạnh phúc. Muốn giải quyết căn cơ của vấn đề, chính là công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật trong hôn nhân đến với người dân. Đây là một trong những điểm mạnh của Dua. Bởi, tiếng nói của một người trong cộng đồng, sẽ dễ dàng đến với cộng đồng bản, cũng là những người thân thuộc với Dua. Dua nói với những người phụ nữ ở bản: “Cuộc sống hiện đại rồi, mình phải suy nghĩ tiến bộ lên, yêu bản thân nhiều hơn. Cái nào hay, cái nào tốt thì mình gìn giữ, phát huy, thậm chí học hỏi. Nhưng cái nào xấu, lạc hậu thì mình xóa bỏ dần”. Được biết, cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, hủ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, trọng nam khinh nữ... đã và đang có những chuyển biến tích cực, chị em phụ nữ đã đóng góp tiếng nói trong việc tự bảo vệ quyền lợi cho mình và trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Không chỉ tuyên truyền miệng, để dân bản tin tưởng và làm theo, Dua luôn gương mẫu đi đầu trong đời sống, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ. Dua tiên phong vận động những đảng viên, đoàn viên, thanh niên trẻ trong bản Pù Toong gây dựng phong trào phục hồi cây đào, cây mận - được xem là loại cây trồng chủ lực, là “cây thoát nghèo” của bà con dân bản. Hiện tại, ngoài việc duy trì hơn 60 gốc mận, 30 gốc đào có tuổi thọ cả chục năm tuổi đang cho thu hoạch thì Dua cũng đã mạnh dạn trồng mới thêm 300 gốc mới. Vụ mận, đào vừa qua, riêng gia đình Dua bán được hơn 20 triệu đồng tiền quả nhờ biết cách quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok... Thấy được hiệu quả, xã, huyện cũng tổ chức các lớp tập huấn, tìm kiếm thị trường, khuyến khích người dân mở rộng diện tích và xây dựng theo hướng sản phẩm OCOP nhằm khôi phục loại cây trồng hiệu quả này.

Hơn 1 năm trước, Thao Thị Dua nhận quyết định chuyển công tác lên Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Mường Lát. Sự xuất hiện của cô gái người Mông đã và đang mang một “làn gió mới” vào hành trình giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc nói chung và văn học dân tộc Mông nói riêng ở vùng đất này. Điều làm tôi nhớ nhất khi viết về Dua là ánh mắt toát lên từ người phụ nữ biết yêu bản thân, chủ động với hạnh phúc của cuộc đời mình. Dua khoe, chiều nào mình và các chị em trong bản cũng tập trung đánh bóng chuyền. Có chị dù con còn nhỏ nhưng vẫn nhiệt tình địu con đến tham gia, mẹ đánh bóng, con vui đùa trong vòng tay các cô, các bác. Đó là khoảng không gian mà những người phụ nữ dành riêng cho mình, được làm những điều họ thích. Có thể chỉ là những thay đổi nhỏ thôi, chậm thôi, nhưng họ đã thay đổi, họ không đứng im, đôi mắt cũng không nhìn xuống như cả nghìn năm qua nữa, hạnh phúc đôi khi đơn giản lắm.

Với những gì đã làm, “bông hoa” xinh đẹp của bản Mông được toàn thể cử tri huyện Mường Lát gửi gắm, tiến cử vào vị trí đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026. Sẽ là một bình minh rất khác ở miền núi cao này khi những “hạt giống đỏ” bắt đầu nảy mầm, đón nắng. Dua bảo, tương lai là chuyện của ngày mai, còn hôm nay mình cứ sống, làm việc và tận hưởng trọn vẹn. Có như thế, nụ cười mới lấp lánh, tâm hồn mới tươi trẻ và nội lực mới dồi dào.

Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]