Hoằng Hóa - điểm sáng trong giáo dục lịch sử địa phương
Tuyên truyền, giáo dục lịch sử có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy truyền thống cách mạng của dân tộc và địa phương. Vì vậy, huyện Hoằng Hóa đã triển khai nghiêm túc, bài bản với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Các em học sinh tham quan, nghe giới thiệu về di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Bảng Môn Đình, xã Hoằng Lộc.
Không chỉ là địa phương nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất tỉnh Thanh Hóa trong Cách mạng Tháng Tám, năm 1945 (ngày 24/7/1945), Hoằng Hóa còn là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân với những chiến công vang dội như: Chiến thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam; các cụ lão dân quân Hoằng Trường, các trung đội nữ dân quân Hoằng Hải bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Tự hào về truyền thống vẻ vang của địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy Hoằng Hóa đã ban hành kế hoạch và các văn bản chỉ đạo nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng để các đảng bộ, chi bộ trực thuộc, các ban, ngành, đoàn thể chủ động triển khai thực hiện.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, sâu sát của Ban Thường vụ Huyện ủy, công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ các địa phương ở Hoằng Hóa đã mang lại kết quả tích cực. Nhiều cuốn lịch sử có giá trị đã được phát hành như: Lịch sử đảng bộ và phong trào cách mạng của Nhân dân Hoằng Hóa giai đoạn 1930-2045; Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa, tập 1; Địa chí Văn hóa Hoằng Hóa; Lịch sử giáo dục huyện Hoằng Hóa; Lịch sử HĐND - UBND huyện Hoằng Hóa giai đoạn 1945-2020; Lịch sử Ủy ban MTTQ và các đoàn thể huyện Hoằng Hóa... 100% đảng bộ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng đã hoàn thành biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ (trong đó có 8/37 xã, thị trấn đã tái bản), 17 đơn vị cơ quan đã sưu tầm, biên soạn, xuất bản kỷ yếu truyền thống. Ngoài ra, huyện Hoằng Hóa cũng đã phối hợp với thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (đơn vị kết nghĩa) xuất bản đặc san “Hoằng Hóa - Điện Bàn, nghĩa nặng, tình sâu” nhân kỷ niệm 60 năm kết nghĩa Hoằng Hóa - Điện Bàn (1963-2023).
Để tăng cường giáo dục truyền thống và nhân lên niềm tự hào trong mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, huyện Hoằng Hóa luôn quan tâm tới việc quản lý, sử dụng và phát huy giá trị các công trình lịch sử, văn hóa. Những năm qua, huyện đã đầu tư kinh phí và huy động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng, tôn tạo, chỉnh trang nhà truyền thống, các di tích lịch sử - văn hóa, nghĩa trang liệt sĩ, đền thờ các anh hùng liệt sĩ... để phục vụ hoạt động tham quan, giáo dục truyền thống. Cùng với đó, hằng năm huyện định hướng, hướng dẫn nội dung tuyên truyền gắn với chào mừng các sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước. Cổng thông tin điện tử huyện mở chuyên mục giới thiệu lịch sử Đảng bộ huyện, phục vụ việc tìm hiểu và nghiên cứu của các tầng lớp Nhân dân. Các ban, phòng, ngành cấp huyện và cấp ủy, các tổ chức cơ sở đảng đa dạng hóa công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông... Năm 2023, có 12 xã tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng bộ, qua đó giáo dục sâu sắc về truyền thống lịch sử của mỗi địa phương. Các ban, phòng, ngành, đoàn thể thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động phong trào, các cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống địa phương như: “Tự hào quê hương Hoằng Hóa”, “Tìm hiểu lịch sử truyền thống 60 năm Hoằng Hóa - Điện Bàn kết nghĩa”..., thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên, thanh niên, giáo viên, học sinh và Nhân dân tham gia.
Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa phối hợp với UBND xã Hoằng Sơn tổ chức hội thảo khoa học “Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu và vùng đất Băng Sơn”.
Định kỳ hằng tháng, Ban Tuyên giáo Huyện ủy biên tập, phát hành 1.000 cuốn Thông tin nội bộ phục vụ sinh hoạt chi bộ ở cơ sở với những chuyên trang, chuyên mục, tin, bài tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; lịch sử đảng bộ địa phương... Ban Tuyên giáo Huyện ủy cũng đã phối hợp với Trung tâm Chính trị huyện, Phòng Giáo dục - Đào tạo biên soạn tài liệu lịch sử Đảng bộ huyện Hoằng Hóa để giảng dạy tại các lớp đào tạo, bồi dưỡng ở Trung tâm Chính trị huyện và tiết học lịch sử địa phương ở các trường THCS, THPT. Hiện nay, 5 trường THPT, 1 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 40 trường THCS trên địa bàn huyện đã bố trí từ 1 đến 2 tiết học về lịch sử địa phương. 100% các trường trên địa bàn huyện đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan địa chỉ đỏ, các di tích văn hóa, giúp các em học sinh hiểu sâu sắc về những trang sử vẻ vang của quê hương. Các nhà trường cũng thường xuyên tổ chức tham quan, báo công với Bác tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thủ đô Hà Nội và quê Bác ở Nghệ An; phối hợp với Hội Cựu chiến binh tổ chức các buổi nói chuyện truyền thống tại các di tích cách mạng nhân kỷ niệm những ngày lễ lớn, những sự kiện trọng đại của địa phương.
Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hoằng Hóa Lê Anh Tuấn cho biết: “Lịch sử địa phương là một bộ phận quan trọng của lịch sử dân tộc. Vì vậy, Hoằng Hóa rất coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương, giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu sâu về những giá trị lịch sử của quê hương, của đất nước để có lòng tin vững chắc vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Những kết quả đạt được trong giáo dục lịch sử thời gian qua đã góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, nâng cao bản lĩnh chính trị, phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ mới”.
Bài và ảnh: Tố Phương
- 2024-09-13 15:00:00
Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch tại “Vịnh Hạ Long trên cạn của xứ Thanh”
- 2024-09-13 13:22:00
Khắc đi... Khắc đến - Bản lĩnh vững vàng của một người từng trải
- 2024-06-03 15:15:00
Cận cảnh Bảo vật Quốc gia Bộ chân đèn và lư hương gốm men thời Mạc
Liên hoan phim hoạt hình quốc tế Trung Quốc thu hút hơn 9 triệu lượt khách
Nhà của Mén
Bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái
Lối về ấu thơ
Hành trình tìm lại chính mình trong thế giới nội tâm
Bảo tồn và phát huy giá trị hát ru của đồng bào các dân tộc Thanh Hóa
Phát triển du lịch cộng đồng ở Thành Lâm
“Chung đỉnh” là gì?
Đánh thức tiềm năng, lợi thế từ rừng để phát triển du lịch cộng đồng