(vhds.baothanhhoa.vn) - Có hai điều con người không chọn được trước khi sinh ra, là người mẹ và bản quán. Đó là “vùng thương nhớ”. Nhà thơ Nga, R.G. Gamzatov (1923-2003) từng nói rằng, “chẳng có mảnh đất nào thân quý với tôi hơn mảnh đất mà ở đó tôi đã sinh ra”. Vì thế, cả sự nghiệp của ông tôn vinh Đaghextan và tiếng Avar của cộng đồng dân tộc mình.

Huy Trụ, vui buồn treo ở đầu bông

Có hai điều con người không chọn được trước khi sinh ra, là người mẹ và bản quán. Đó là “vùng thương nhớ”. Nhà thơ Nga, R.G. Gamzatov (1923-2003) từng nói rằng, “chẳng có mảnh đất nào thân quý với tôi hơn mảnh đất mà ở đó tôi đã sinh ra”. Vì thế, cả sự nghiệp của ông tôn vinh Đaghextan và tiếng Avar của cộng đồng dân tộc mình.

Huy Trụ, vui buồn treo ở đầu bông

Huy Trụ cũng vậy. Ai đọc thơ ông, chưa cần tìm hiểu lý lịch đã biết ông sinh ra ở một làng quê thuộc xứ Thanh, biết cụ thể hơn, làng Bồng Thượng là nơi ông cất tiếng khóc chào đời. “Bồng Thượng ơi, Bồng Thượng/ Núi Mông - Cù sau lưng/ Hón Thác tung trước mặt/ Chiều chuông ngân xứ Bền”, (làng Bồng Thượng). Đó là một làng quê thanh bình, ven sông Mã.

Huy Trụ viết về nhiều đề tài, nhưng tôi thích “vân chữ” của ông ở mảng thơ về cố thổ, bao gồm làng, cánh đồng... và tất cả những gì làm nên “căn cước” nhà thơ. Không ai “bứng” được Huy Trụ ra khỏi cố hương, dẫu từ lâu ông sống và viết ở TP Thanh Hóa.

*

Huy Trụ đã in 8 tập thơ (không tính in chung). Gần đây nhất, năm 2024, ông xuất bản tập Buồn vui con chữ (NXB Hội Nhà văn). Tôi thích tập thơ vì trong đó có “tôn giáo tình yêu” của ông với làng quê. Đề tài về bản quán, trở thành đề tài lời thề, đề tài khẩn cầu trong thơ Huy Trụ.

Thư tịch cổ để lại cho biết, từ hơn 2000 năm trước công nguyên, các bộ tộc người Việt từ hang hốc men theo sông suối để đến vùng đồng bằng phì nhiêu. Hạt gạo trở thành lương thực chính của người Việt. Trải qua mấy ngàn năm mà hình thành nên nền văn minh lúa nước.

Ở bài Chuyện cây lúa, Huy Trụ có một tứ thơ vừa đời sống, vừa thân phận, vừa lịch sử, khi ông viết: “Đời con đi tiếp đời cha/ Chưa đi hết nghĩa câu ca tháng ngày/ Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Súng gươm dựng dọc đường cày mồ hôi”. Thi ảnh cây lúa và thi ảnh người nông dân, chủ nhân của cánh đồng lồng vào nhau: “Mùa đông ngậm lá trầu cay/ Mùa hè cởi áo vắt vai ra đồng/ Vui buồn neo ở đầu bông/ Sợi rơm ràng buộc, vợ chồng thương nhau”.

“Nghìn năm trước với mai sau/ Chuyện cây lúa, vẫn là câu chuyện Người...”, Huy Trụ chốt lại bằng hai câu thơ như gắn một “ngòi nổ”, đẩy bài thơ bay lên. Cây lúa với con người mãi mãi đi cùng nhau, không chỉ một kiếp người mà là những đời sống, những hy vọng.

“Chỉ là con ốc con cua/ Đất đồng chiêm đã bốn mùa nuôi tôi/ Núm rau vùi giữa đất trời/ Nửa cho đất, nửa thành tôi bây giờ”; “Đi cùng trời đất núi non/ Câu thơ vớt giữa đồng chiêm tặng người” (Đồng chiêm). Lúc đọc bài thơ này, tôi nhớ bài hát “Tình cây và đất” của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng. Cánh đồng mang lại “mạch sống” cho đời, cho người nên đối xử với cánh đồng trong thơ Huy Trụ trở thành đạo lý, tri ân.

Huy Trụ còn có nhiều bài về cánh đồng, làng quê như Gió đồng; Bắt đầu từ đất; Hạt gạo quê; Vùng đất bão; Người ơi, cánh đồng ơi; Giọt nắng; Lời của gió; Định nghĩa làng; Gieo và gặt; Ngọn cỏ; Mô đất ấy; Lục bát làng Cò... Gần như làng quê, cánh đồng đi cả vào giấc mơ ông, thơ về đề tài này cứ bật lên từ vô thức.

Tất cả những gì thuộc về nhà quê gom lại thành một không gian nghệ thuật trong thơ Huy Trụ. Ông viết về nắng, về mưa sa, gió táp, về lam lũ đầy thân phận nhà nông; viết về cánh đồng, bông lúa, cây đa, bến nước, cây rau má... với tấm lòng thành kính.

“Thân mềm lá mỏng như không/ Cây rau ấy mọc lẫn cùng cỏ hoang/ Nào ai chăm chút sớm hôm/ Tự mình sống tự mình vươn giữa đời” (Cây rau ấy). Bài thơ có hiện thực của thảo mộc và hiện thực ẩn dụ. “Cả khi nát dưới chân người/ Mà cây vẫn chẳng mọc gai bao giờ/ Sức bền tự gốc sâu xa/ Lại nuôi mầm biếc kết mùa dọc ngang”. Rau má có phẩm chất nhẫn nhịn, cương cường, thảo thơm, cứu độ... vì thế nó là hiện thân của người nông dân. “Ơi cây rau má đất này/ Nói điều chi với tháng ngày mà xanh”. Bài thơ không có câu từ, hình ảnh mới, lạ nhưng tứ bài thơ là mới.

Rau má (vật thể) cũng như tiếng huầy dô (phi vật thể) đã trở thành thi ảnh trong sáng tác của khá nhiều nhà thơ xứ Thanh. Tuy nhiên, nếu chọn bài thơ viết về rau má hay nhất, tôi tin rằng Cây rau ấy của Huy Trụ là một đề cử.

*

Huy Trụ mạnh về thể lục bát. Là người chân thành, nên thơ Huy Trụ trước hết là tấm lòng chân thành, với thơ và cuộc đời. Chỉ riêng hình thức câu thơ, khổ thơ, Huy Trụ giữ nguyên “truyền thống”; các bài thơ lục bát, rất ít khi “ngắt câu, bẻ dòng” - như một thứ “mốt về thi pháp”.

Chắc chắn rằng, lục bát hay không phải ở “ngắt câu, bẻ dòng”. Muôn năm, câu thơ chạm đến tâm hồn người đọc, mới “sống”. Nói như cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, “ông già thời gian” sàng lọc là chính xác nhất.

Những người thế hệ 5X, 6X kể cả 7X sinh ra ở các tỉnh Bắc miền Trung chắc hẳn vẫn còn nhớ thành ngữ “Tháng ba, ngày tám”. Đó là thời gian giáp hạt trong năm, trước mỗi vụ mùa mới. Huy Trụ là nhà thơ thế hệ 5X, càng thấm thía. “Con về giỗ mẹ tháng ba/ Khi cây lúa mới mưa sa trổ đòng/ Giữa ngày tiền hết, gạo đong/ Con lên núi, cháu ra đồng bắt cua” (Giỗ mẹ tháng ba). Vì thế nên “Chúng con thầm ước như nhau/ Giá mà mẹ mất đừng vào tháng ba”.

Tháng ba mẹ về miền mây trắng trở thành ký ức của ông. “Chiều nghiêng dáng mẹ trên sông/ Như cây lúa trổ lép bông héo gầy/ Sao trời tiếc cả bóng mây/ Một mê nón đội một ngày chang chang” (Dáng mẹ chiều nay).

Mảng thơ lục bát của ông có nhiều câu thơ, bài thơ hay, những thi ảnh mới lạ. “Thế là lại một tháng ba/ Hoa xoan lặn tím vào ta với mình/ Mắt người như tiết thanh minh/ Như sương như khói hữu tình tìm nhau” (Tháng ba ơi). “Mắt người như tiết thanh minh” trở thành “đơn vị câu” đi vào và ở lại cùng tâm hồn người đọc không dễ chút nào. Huy Trụ có nhiều câu thơ tài hoa như thế.

Bài và ảnh: Ngô Đức Hành (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]