Khắc đi... Khắc đến - Bản lĩnh vững vàng của một người từng trải
Khắc đi... Khắc đến tưởng như là tinh thần khởi nghiệp của các bạn trẻ chứ ít ai nghĩ đó là quan điểm của một người đã ở tuổi ngoài 90. Người dành cả cuộc đời mình theo đuổi phương châm ấy, chẳng phải một ai khác ngoài đạo diễn - nhà văn Xuân Phượng.
Ở tuổi ngoài 70, bà Xuân Phượng “khởi nghiệp” viết văn kể lại đời mình với cuốn hồi ký viết bằng tiếng Pháp có tựa đề “Ao dai” (Áo dài). 19 năm sau, bà chuyển ngữ cuốn “Ao dai” sang tiếng Việt, lấy tên là Gánh gánh... gồng gồng. Và gần đây nhất bà lại tiếp tục cho ra mắt cuốn sách Khắc đi... Khắc đến (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2024).
Vốn xuất thân từ một gia đình trí thức tư sản có cha là quan Đốc học thời Pháp thuộc, khi còn nhỏ đã từng theo học trường Pháp Couvent Oiseaux, Xuân Phượng đã quyết định vượt qua tất cả để đến với cách mạng.
“Gánh gánh gồng gồng” ghi lại những ngày tháng gian khổ thiếu thốn trăm bề ăn bờ ngủ bụi ở Quân Y vụ liên khu Bốn trong buổi đầu tham gia kháng chiến; là ở Nha nghiên cứu kỹ thuật chế tạo thuốc nổ đóng trên vùng cao heo hút, giá rét ở Việt Bắc, đặc biệt là lần vượt cạn sinh con một mình lúc nửa đêm ngay trên con thuyền vượt sông Lô... Là những ngày làm báo vất vả ngược xuôi ở Tuyên Quang... theo bố cục trình tự thời gian gồm 27 chương và xen kẽ những tiểu mục. Trong sự trải nghiệm va đập của những thời khắc nghiệt ngã ấy, tác giả đã nhận ra một chân lý sống đơn giản: “Mình hết lòng yêu thương ai thì bù lại nhận được rất nhiều. Nên sống tử tế là một cách sống khôn ngoan nhất”.
Vẫn tinh thần ấy, Khắc đi... Khắc đến kể về “những bước đầu tiên vác chuông đi đánh xứ người đầy vấp váp, thiếu kinh nghiệm”, để qua thời gian, trong 20 năm đi triển lãm tranh ở một số nước từ châu Á, châu Âu, châu Úc đến châu Mỹ càng dày dặn kinh nghiệm bà càng có thêm nhiều thành tựu.
Lựa chọn cái tên Khắc đi... Khắc đến, với Xuân Phượng do có thời gian sinh sống và làm việc ở chiến khu Việt Bắc, bà thấy những người dân tộc Mông, Tày, Cao Lan... không có khái niệm cây số hay kilomet. Hỏi đi từ nhà này đến nhà kia bao xa, họ chỉ đơn giản đáp rằng lấy con dao ném vào thân cây, nó cách mặt đất bao nhiêu thì quãng đường dài cũng cỡ chừng đấy. Bà Xuân Phượng cho rằng đây là cách nhìn chứa nhiều chiêm nghiệm, qua đó cho thấy đường đi là vô cùng. Dẫu xa hay gần, nếu quyết tâm ai ai cũng sẽ đến được với mục đích của mình.
Từ câu chuyện đó, bà chia sẻ cuốn sách lần này được viết cho hai đối tượng: là những người đã đi qua quãng đời đầu tiên năng động và nhiều năng lượng, như bà; và cho những người trẻ đang chênh vênh với nhiều ước mơ, hoài bão. Bà chia sẻ mình nhận thấy những người trẻ thời nay tuy cố gắng hơn và năng động hơn thế hệ của mình rất nhiều, nhưng họ cũng nhanh nản lòng hơn bao giờ hết. Bà hy vọng biết đâu những gì mình viết sẽ là điểm tựa cho số ít người, như những đối thoại của người đi trước và đã trải qua rất nhiều thăng trầm, từ đó mà họ được xoa dịu và cố gắng hơn?
Khắc đi... Khắc đến gồm nhiều trải nghiệm “xương máu” trong một lối rẽ khác của cuộc đời. “Phía sau những nụ cười, những thành công ấy là những chông gai, cạm bẫy luôn rình rập. Gai nhọn hoắt bất ngờ đâm thẳng vào người, cạm bẫy ngụy trang khéo léo đưa mình vào tròng”. Tuy vậy, chính bà cũng không ngại thừa nhận những câu chuyện trong tập sách này đã được kể lại uyển chuyển sao cho nhẹ nhàng hơn, bớt đau đớn hơn so với những gì mà bản thân bà thật sự trải qua.
Từ một người chỉ biết làm phim, khi quyết định mở phòng tranh bà nghĩ rất đơn giản ai thích tranh, yêu tranh... cũng sẽ tử tế. Nhưng với 2 lần cháy xưởng tranh, 7 lần chuyển phòng tranh vì khó khăn về kinh phí, điều kiện vật chất, rồi thì bị lừa mất một số tiền bán tranh không nhỏ... đến lúc khánh kiệt, gần như đứng trên bờ vực phá sản... nhưng bà không hề gục ngã.
Bởi trong cái đớn đau ấy bà nhận ra những niềm hạnh phúc. Bên cạnh những sự lừa gạt là biết bao sự giúp đỡ và nhờ thế mà bà không thể bỏ cuộc. Bà cho biết sở dĩ bản thân lấy tên Lotus Gallery cho phòng tranh là vì hoa sen tuy mọc trong bùn nhưng vẫn thơm ngát, mưa to gió lớn dù cho thế nào thì những lá sen cũng không thể ướt. Kinh qua những khó khăn ấy, khi nhìn lại, bà trân trọng cảm ơn những con người xấu xí đã cho mình bài học kinh nghiệm đắt giá, từ đó có những bước đi kiên trì và không bỏ cuộc.
Đặc biệt qua hơn 200 trang sách ta nhận thấy Xuân Phượng không bao giờ lựa chọn con đường dễ đi. Nếu là một người ở vùng an toàn, chắc chắn bà phải lựa chọn trưng bày tác phẩm của những danh họa nổi tiếng như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng... nhưng bà luôn chọn lối đi riêng bằng cách tìm đến những người họa sĩ có tài mà chưa được biết đến rộng rãi. Việc mua tranh của họa sĩ Trương Đình Hào, Đinh Quân, hay tranh sơn mài với chủ đề cá của họa sĩ Đào Minh Trí, nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm, tranh của Ngô Quế Anh... là một ví dụ. Người được bà mua tranh nhiều nhất là họa sĩ Trương Đình Hào với 4.200 bức. “Khi tin vào bản thân mình, thì không có khó khăn nào không thể vượt qua”, trực giác và mắt thẩm mỹ đã giúp bà tổ chức triển lãm và bán tranh ở rất nhiều nước với số lượng không nhỏ.
Sau Khắc đi... Khắc đến, đạo diễn Xuân Phượng tiết lộ, năm 2025, bà sẽ cho ra cuốn sách Ai nói làm phim là khổ? viết về trải nghiệm trong quãng đời làm phim của mình. Và tiếp theo đó, nếu sức khỏe cho phép, thì sẽ là một tuyển tập chân dung gương mặt cùng thời với bà, những người thân quen, ảnh hưởng rất lớn.
Khi Khắc đi... Khắc đến ra đời là lúc bà Xuân Phượng vừa tròn 95 tuổi. Thế nhưng lật giở từng trang văn của bà, độc giả dễ bị hút vào. Bởi từ những trang viết này, nguồn năng lượng dồi dào của một người luôn có lý tưởng và ước mơ đời mình; một trí tuệ bản lĩnh vững vàng của người đi qua nhiều biến cố, và trên hết là tinh thần luôn dám bắt đầu lại, trong veo như thuở ban đầu được thể hiện. Phải khẳng định, nếu không tin vào bản thân, tin vào giá trị mình theo đuổi, Xuân Phượng không bao giờ có năng lượng để làm phim, làm tranh... như vậy đâu!
Vẫn là giọng thủ thỉ tâm tình theo một cách rất riêng, cuốn hồi ký Khắc đi... Khắc đến đã mang đến cho người đọc sự thú vị về tinh thần nhập thế, không lùi bước, sẵn lòng đối mặt, hướng về phía trước, không né tránh.
Bài và ảnh: Thư Nguyễn (CTV)
- 2024-10-11 20:33:00
Du lịch biển mùa đông có gì?
- 2024-10-11 15:22:00
Ðất làng Long Linh
- 2024-09-12 14:16:00
Những người con của bản Mông góp phần xóa bỏ hủ tục trong tang ma
Khai mạc Hội nghị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO châu Á-Thái Bình Dương
Lễ hội Chá Mùn đón nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia trong tháng 10/2024
“Mai” của Trấn Thành vượt “Đào, phở và piano” giành giải Cánh diều Vàng 2024
Thực hành gieo trồng hạnh phúc
Cho nhau chân nào?
Công viên địa chất Lạng Sơn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO
Trao tình yêu, niềm tự hào tiếng Việt và văn hóa Việt tới các thế hệ kiều bào
Hậu Lộc đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa
“Tôi thấy mình may mắn”