(vhds.baothanhhoa.vn) - Tục ngữ Việt Nam có câu "Ăn chân sau, cho nhau chân trước". Hầu hết các cuốn từ điển thống nhất về cách hiểu:

Cho nhau chân nào?

Tục ngữ Việt Nam có câu “Ăn chân sau, cho nhau chân trước”. Hầu hết các cuốn từ điển thống nhất về cách hiểu:

Cho nhau chân nào?

- Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam (Nhóm Vũ Dung) giải thích: “Một kinh nghiệm chọn chân giò: chân giò sau nhiều thịt hơn chân giò trước”.

- Từ điển tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương) giảng: “(Để lại) ăn thì nên chọn cặp chân giò sau (vì lắm nạc hơn); đem cho nhau thì nên chọn cặp chân giò trước (vì đều là chân giò nhưng lại ít nạc hơn)”.

Bài “Ăn chân sau, cho nhau chân trước” trên báo Lao Động Cuối tuần (15/2/2009), PGS.TS Phạm Văn Tình đưa ra hai cách hiểu:

- “Chân trước của lợn ít thịt và không ngon bằng chân sau. Nhưng chân trước nom có dáng, đẹp hơn. Vậy đem biếu chân trước vừa đẹp lòng người được biếu, giữ lại cái chân sau, xấu mã song thực chất lại có giá trị hơn. Đúng là “nhất cử lưỡng tiện”. Quả là một cách ứng xử từng trải, khôn ngoan (Của tốt phải dành cho mình dùng chứ!)”.

- Cách hiểu thứ 2, “... nếu chỉ tính phần chân giò (từ khớp gối trở xuống) thì chân trước lại mập và có phần bì với thịt mỡ dày hơn. Chân sau chỉ có da bọc xương thôi. Cho hay biếu ai mà dùng chân sau thì rất khó coi (...). Chân trước chính là “chân giò” thứ thiệt”.

Và “... cũng còn một lý do nữa. Ấy là theo quan niệm dân gian, hai chân trước luôn luôn được chọn là vật tiêu biểu của con lợn (...). Với lợn, hai chân trước không chỉ là thành phần làm nên “tứ chi” mà còn là “vũ khí chủ lực” trong việc đào bới, chạy, chống lại đối phương... Khi bắt lợn, người ta thường trói chặt hai chân trước, lợn hết đường chạy (...). Chân trước còn là vật xem bói lấy “khước” mà các ông thầy hay làm”.

Phân tích của PGS.TS Phạm Văn Tình như vậy tưởng cũng đã hết nhẽ rồi. Thế nhưng ngay sau đó (22/5/2009) Lao Động cuối tuần lại có bài “Xin cho tôi cái chân sau” của nhà văn Trần Thị Thường, đại ý, đã “hỏi mấy nữ đồng nghiệp, sau đó hỏi cả mấy người làm nghề thịt lợn, tất cả đều nhất trí với nhau rằng bác Tình nói chưa chính xác”. Theo nhà văn, “Ăn chân sau, cho nhau chân trước” là một kinh nghiệm dân gian truyền từ đời này sang đời khác từ bà mẹ đẻ đến bà mẹ chồng người nào cũng dạy con điều ấy, ở thời nào thì cũng “nhất cử lưỡng tiện”, đẹp mắt người được biếu lại giữ được cái ngon cho chính mình cũng là tâm lý thông thường”.

Nhận xét của chúng tôi:

- Kẻ khen ngon, người lại chê dở, chứng tỏ về giá trị thực dụng, chân giò trước hay giò sau còn phụ thuộc vào sở thích, thói quen ăn uống (thích mỡ hay nạc), mục đích sử dụng, cách chặt/xẻ thịt của mỗi người (cắt chân giò dài tới đâu). Đem chuyện nhiều nạc, ít nạc; chân to, chân nhỏ, giò đẹp, giò xấu... ra so đo hơn thiệt, tranh cãi sẽ trở nên bất tận.

- Với con vật hiến tế, phần đầu hoặc thân trước bao giờ cũng quan trọng hơn thân sau (Nhất thủ, nhì vĩ là vậy). Riêng con lợn, một trong những lý do người ta chỉ cúng chân giò trước vì dân gian quan niệm chân sau nằm phía dưới chỗ thải phân, nên ô uế. Thế nhưng, PGS.TS Phạm Văn Tình lại gán cho cái chân giò trước một số “phẩm chất” khá hoang đường. Vì, con lợn “đào bới”, dũi đất ăn củ, rễ bằng mõm và nanh sắc, đồng thời cũng dùng cặp nanh này để tự vệ, tấn công kẻ thù, chứ không dùng chân trước làm “vũ khí chủ lực” trong việc đào bới, chạy, chống lại đối phương...” như TS Phạm Văn Tình viết. Dân gian có câu “Bắt lợn tóm giò, bắt bò túm mũi”, cặp giò nào bị trói thì con vật cũng “hết đường chạy”. Tuy nhiên nên nhớ, khi bắt lợn trong chuồng, nếu chúng hướng đầu ra ngoài thủ thế, thì người ta phải xua đuổi và lừa cho nó chạy để tóm được cái giò sau, rồi nhanh chóng vật ngửa nó ra, chứ không ai dại dột đối diện xông vào để mà tóm giò trước (lợn sẽ quay đầu chạy, hoặc có thể cắn lại). Cuối cùng, không hiểu các ông thầy “xem bói” bằng chân giò lợn là theo sách nào? PGS.TS Phạm Văn Tình nhầm chân giò lợn với chân giò gà chăng? Mà xem bói là đoán sự lành dữ, tốt xấu, sao lại là xem để lấy “khước”, lấy may?

Xin trở lại câu chuyện.

Sự quý - tiện trong lễ nghĩa phụ thuộc rất nhiều vào phong tục, tín ngưỡng, quan niệm dân gian. Như trên đã nói, người ta chỉ cúng chân giò trước, bởi cái lý của người sống cũng chính là cái lý của người chết. Lễ đối với thánh thần cũng là do người trần mắt thịt quy định ra mà thôi. Một khi phẩm vật dâng cúng khiến thánh thần hài lòng, hỏi sao người trần mắt thịt không quý chuộng? Nải chuối rất ngon nhưng có trái “lẹo nhau” (dính nhau), dân gian kiêng không cúng, cũng không dám đem biếu ai vì e rằng khiếm nhã. Thịt mông con lợn thơm ngon, nhiều nạc, nhưng nó đâu được lựa chọn dâng cúng thay cho thủ lợn? Thế nên, Nguyễn Biểu trong bài thơ “Cỗ đầu người” mới khen: “Kìa kìa ngon ngọt tày vai lợn”; và rồi “Mẹ sinh con gái như tôi/Đầu gà, má lợn mẹ ngồi mẹ nhai”... Nếu đem đùi gà, đùi lợn ra mà ví von, thì còn gì là sang trọng nữa!.

- Cần lưu ý, dân gian không nói “đem cho chân trước” mà là “cho nhau chân trước”. “Cho nhau” ở đây chính là vun đắp tình cảm, sự đối đãi giữa hai bên, có đi có lại, gắn bó mật thiết dài lâu. “Bánh ú đi, bánh dì lại”, “Có đi có lại mới toại lòng nhau” là vậy. Thế nên cho, giúp kẻ ăn mày hoặc người xa lạ không ai gọi là “cho nhau”. Nếu câu tục ngữ đang xét dạy người ta tính toán theo kiểu khôn lỏi “đẹp mắt người được biếu lại giữ được cái ngon cho chính mình”, thì lần sau người biếu lại mình cũng dùng tuyệt chiêu “nhất cử lưỡng tiện” như nhà văn Trần Thị Thường giải thích, thì đây là chuyện “ăn miếng trả miếng”, chứ đâu phải văn hóa biếu tặng?

Nếu câu tục ngữ tổng kết: “(Để lại) ăn thì nên chọn cặp chân giò sau (vì lắm nạc hơn); đem cho nhau thì nên chọn cặp chân giò trước (vì đều là chân giò nhưng lại ít nạc hơn)”, như cách giải thích của Nguyễn Đức Dương, chắc hẳn chẳng ai còn dám muối mặt đem cái chân giò trước đi biếu, một khi đôi bên đều biết tỏng: của ngon lành, thực chất, “nó” đã giữ lại ăn mất rồi, còn phần xương xẩu, đẹp đẽ mẽ ngoài mới đem cho mình! Tục ngữ mà lại khuyên cách sống khôn lỏi, đem cái kém ra để đối đãi với nhau vậy sao?

Như vậy, theo chúng tôi, chân giò trước vẫn là cái thân giò ngon lành, đẹp mắt, lại sang trọng, hợp với lễ. Theo đây, cho nhau chân giò trước hay chân giò sau vốn xuất phát từ quan niệm quý - tiện trong lễ nghĩa. Bởi vậy, câu tục ngữ là kinh nghiệm trong ứng xử, sự tinh tế trong văn hóa biếu tặng: của để mình ăn thì sao cũng được, nhưng nếu đem biếu tặng nhau thì phải chọn vật phẩm ngon nhất, đẹp nhất. Về sau, quan niệm này trở nên mờ nhạt trong đời sống và chỉ còn dấu vết ở nghi lễ dành cho thánh thần, đó là người ta chỉ dùng chân giò trước để dâng cúng, chứ không bao giờ dùng chân giò sau.

Mẫn Nông (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]