(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm qua, huyện vùng cao biên giới Mường Lát nhận được nhiều sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ của Trung ương và tỉnh đối với giáo dục, đào tạo. Song thực tế, cho đến thời điểm hiện tại, Mường Lát vẫn là huyện có chất lượng giáo dục còn thấp.

Khi cái khó vẫn “bó” con chữ

Những năm qua, huyện vùng cao biên giới Mường Lát nhận được nhiều sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ của Trung ương và tỉnh đối với giáo dục, đào tạo. Song thực tế, cho đến thời điểm hiện tại, Mường Lát vẫn là huyện có chất lượng giáo dục còn thấp.

Khi cái khó vẫn “bó” con chữNhiều khó khăn, thiếu thốn khiến cho chất lượng dạy và học ở Mường Lát còn thấp.

Đường đến trường... xa ngái

Từ thị trấn huyện Mường Lát “xuôi” xuống gần 30 km là trung tâm xã Trung Lý - đây cũng là xã “cửa ngõ” huyện vùng biên Mường Lát. Do địa bàn rộng, lại bị chia cắt bởi sông Mã, Trung Lý có 2 trường tiểu học (TH) Trung Lý 1; Trung Lý 2. Trường TH Trung Lý 1 đóng ở trung tâm xã Trung Lý với 8 điểm trường (1 trường chính, 7 điểm trường lẻ). Điểm trường lẻ Suối Tung cách trường chính 15 km.

Từ trung tâm xã, đi thêm khoảng 25 km với nhiều cung đường quanh co, khúc khuỷu, rồi lại qua đò sang bờ bên kia sông Mã chúng tôi mới đến được Trường TH Trung Lý 2 đóng ở bản Co Cài (Cò Cài). Vậy nhưng, từ Trường TH Trung Lý 2 ở Co Cài, phải đi thêm hàng chục cây số nữa mới lại đến được những bản còn lại như Cá Giáng, Cánh Cộng, Pa Búa... Trong đó, bản xa nhất là Tà Cóm - cách Trường TH Trung Lý 2 hơn 20 km. Như vậy, cung đường từ bản xa nhất của Trung Lý là Tà Cóm ra trung tâm xã Trung Lý là gần 50 km đường rừng núi, giao thông cách trở. Và hành trình vào bản, đến các điểm trường lẻ ở Trung Lý của chúng tôi dù với sự giúp sức dẫn đường nhiệt tình của các thầy cô bám bản lâu năm cũng đã mất gần một ngày.

Cũng bởi địa hình chia cắt, xa xôi mà Trường TH Trung Lý 2 năm học này dù có chưa đầy 400 học sinh nhưng có đến 6 điểm trường (1 điểm trường chính, 5 điểm trường lẻ). Trong đó, học sinh người dân tộc Mông chiếm đa số (328 em). Hầu hết gia đình các em đều thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. “Chưa nói đến đảm bảo chất lượng dạy và học, chỉ riêng việc hằng năm vận động học sinh đến tuổi ra lớp học đầy đủ là nhiệm vụ không dễ dàng với các thầy cô giáo Trường TH Trung Lý 2 suốt bao năm qua”, thầy giáo Nguyễn Tiến Hiệp, Hiệu trưởng Trường TH Trung Lý 2, người thầy gắn bó với việc dạy học ở hầu khắp các điểm trường Trung Lý suốt 23 năm qua cho biết. Khó khăn là thế, nên khi lên THCS, số lượng học sinh ở các bản xa của Trung Lý vì thế mà cứ rơi rớt, “vơi” dần.

Phàng Thị Gua - nữ sinh người dân tộc Mông đang học lớp 9a Trường PTDT bán trú THCS Trung Lý, chia sẻ: “Nhà em ở bản Pa Búa, gia đình khó khăn lắm, đường đến trường lại xa xôi, hơn một lần em có ý định nghỉ học. Nhờ sự động viên của các thầy cô đã tiếp cho em thêm quyết tâm và hy vọng. Em mong sau khi tốt nghiệp THCS sẽ thi đỗ vào THPT và cả vào đại học nữa”.

Câu chuyện đến trường cách trở, nhiều gian khó không chỉ của riêng học sinh ở xã Trung Lý. Với địa bàn chia cắt, núi cao hiểm trở, đó là thử thách với hầu hết học sinh ở Mường Lát trên hành trình đi tìm con chữ.

Năm học 2023-2024, Trường THPT Mường Lát chỉ tiêu tuyển 378 học sinh. Đáng nói, học sinh có điểm thấp nhất vào trường chỉ đạt 7,9 điểm tính ra cho 5 môn (Toán, Văn nhân hệ số 2). Và điểm trung bình đầu vào chỉ đạt 14,4 điểm. Nhiều năm liên tục, điểm đầu vào của học sinh Trường THPT Mường Lát thường xuyên ở mức thấp, dù đã tuyển đến thí sinh cuối cùng song vẫn không đủ chỉ tiêu, thầy giáo Trần Anh Văn, Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát, cho biết.

Để tạo thuận lợi cho việc đến trường của học sinh trên địa bàn huyện Mường Lát, ở các địa phương, bên cạnh điểm trường chính là các điểm trường lẻ ở các bản xa. Dù chỉ có 8 xã, thị trấn nhưng chỉ với riêng bậc học mầm non và TH, huyện Mường Lát hiện có 124 điểm trường (chính và lẻ) trong đó có 102 điểm trường lẻ. Tuy nhiên, việc có nhiều điểm trường lẻ cũng dẫn đến khó khăn trong sắp xếp, bố trí giáo viên ở các trường học. Bên cạnh đó, khoảng cách từ các bản quá xa dẫn đến việc dồn khu, dồn lớp khó thực hiện, ở nhiều điểm trường vẫn phải duy trì lớp ghép. Và đó cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học ở các trường trên địa bàn huyện Mường Lát, đặc biệt là ở các điểm trường lẻ.

Đến “điệp khúc” thiếu giáo viên

Cùng với đường đến trường xa xôi thì câu chuyện thiếu giáo viên ở các trường học trên địa bàn huyện Mường Lát là vấn đề chưa bao giờ cũ, diễn ra suốt nhiều năm qua.

Năm học 2023-2024, Trường TH Quang Chiểu 1 có 267 học sinh. Nhà trường hiện có 22 cán bộ, giáo viên. Theo định biên, trường thiếu 2 giáo viên.

Còn tại Trường TH Trung Lý 1, năm học này có 510 học sinh với 28 lớp. Nhà trường hiện có 34 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Theo quy định, Trường TH Trung Lý 1 hiện còn thiếu 5 giáo viên. Thầy giáo Lê Quang Tùng, Hiệu trưởng cho biết: “Tình trạng thiếu giáo viên chủ yếu diễn ra ở các điểm trường lẻ. Để khắc phục thì có những thầy cô buộc phải đứng 2 lớp (sáng, chiều). Với Trường TH Trung Lý 1, gần như năm học nào cũng thiếu giáo viên do các thầy cô xin chuyển công tác”. Tương tự, Trường TH Trung Lý 2 hiện cũng đang thiếu 5 giáo viên.

Việc thiếu giáo viên trên địa bàn huyện Mường Lát không chỉ diễn ra đối với các trường học ở bậc mầm non và TH do có nhiều điểm trường lẻ, mà ở ngay cấp THCS. Thầy giáo Nguyễn Duy Thủy, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Trung Lý, chia sẻ: “Nhà trường hiện có 513 học sinh với 13 lớp, trong đó có 453 học sinh bán trú. So với định biên, nhà trường hiện còn thiếu 4 giáo viên. Hầu như năm học nào trường cũng có giáo viên xin chuyển trường về xuôi. Tình trạng thiếu và thường xuyên thay đổi giáo viên, chủ yếu ở các môn Toán, Văn, Anh là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của nhà trường”.

Là trường THPT duy nhất trên địa bàn huyện Mường Lát, song Trường THPT Mường Lát cũng không tránh khỏi “bài toán” thiếu giáo viên. Năm học này, nhà trường có 1.018 học sinh ở 3 khối lớp. Tuy nhiên hiện nay, trường hiện đang thiếu 7 giáo viên ở 3 môn Tiếng Anh, Sử, Địa. “Nếu sang năm học tới việc tăng lớp được thực hiện, trong khi số lượng giáo viên không được bổ sung thì tình trạng thiếu giáo viên sẽ nghiêm trọng hơn”, ông Lê Văn Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát, cho biết.

Khi cái khó vẫn “bó” con chữCon đường đến trường của nhiều học sinh trên địa bàn huyện Mường Lát gặp nhiều khó khăn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học trên địa bàn huyện Mường Lát. Một trong những nguyên nhân là việc giáo viên xin chuyển công tác. Theo số liệu thống kê của Phòng Nội vụ huyện Mường Lát, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện Mường Lát có 78 cán bộ, công chức, viên chức xin chuyển công tác. Trong số đó, có tới 67 công chức, viên chức trong ngành giáo dục. Điều này đã dẫn đến thực tế thiếu cán bộ quản lý và giáo viên ở các trường học. Ông Cao Văn Công, Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện, cho biết: “Căn cứ trên thực tế thiếu cán bộ, giáo viên ở các trường học, sau khi được UBND tỉnh cho phép, đầu tháng 10/2023 huyện Mường Lát đã tổ chức tuyển dụng với 24 chỉ tiêu (giáo viên). Tuy nhiên chỉ tuyển được 22 người. Trong thời gian tới, những người trúng tuyển sẽ được sắp xếp về các trường để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên”.

Cơ sở vật chất trường học thiếu thốn, xuống cấp; đường đến trường xa xôi; tình trạng thiếu giáo viên diễn ra thường xuyên và cả chất lượng giáo viên chưa đồng đều... Bên cạnh những kết quả đạt được thì chất lượng dạy và học ở Mường Lát cho đến nay vẫn là câu chuyện nhiều trăn trở, suy ngẫm với những con số “biết nói”.

Theo thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát, hiện trên địa bàn huyện mới chỉ có 4/23 giáo viên dạy ngoại ngữ đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ. Và đến thời điểm hiện tại, Mường Lát vẫn là huyện “trắng bảng”, chưa có học sinh đạt giải các môn văn hóa trong các kỳ thi học sinh giỏi THCS cấp tỉnh hằng năm; có nhiều trường THCS chưa từng có học sinh thi đỗ vào Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh.

Mường Lát là huyện miền núi cao biên giới xa nhất của tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây là địa bàn sinh sống của đa số đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người Mông, Thái chiếm số đông, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cho đến nay, Mường Lát vẫn là huyện nghèo nhất của Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Để đời sống người dân được nâng lên, Mường Lát từng bước thoát nghèo, vươn lên phát triển nâng cao chất lượng giáo dục - “tiền đề” để thay đổi chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số là yếu tố quan trọng. Và nâng cao chất lượng giáo dục cũng là một trong những nhiệm vụ Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 22/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]