(vhds.baothanhhoa.vn) - Tuyển sinh đầu cấp, nhiều phụ huynh bắt đầu lên kế hoạch tìm trường cho con. Một ngôi trường tốt là tiêu chí hàng đầu để người lớn lựa chọn. Và tất nhiên, khi bố mẹ đã “chấm” thì con cái khó có thể thay đổi…

Khi cha mẹ chọn trường cho con

Tuyển sinh đầu cấp, nhiều phụ huynh bắt đầu lên kế hoạch tìm trường cho con. Một ngôi trường tốt là tiêu chí hàng đầu để người lớn lựa chọn. Và tất nhiên, khi bố mẹ đã “chấm” thì con cái khó có thể thay đổi…

Khi cha mẹ chọn trường cho conGiờ ra chơi của học sinh Trường TH&THCS Lương Chí (thị xã Nghi Sơn).

Lựa chọn và quyết định

Còn nhớ năm học 2021-2022, tuyển sinh đầu cấp tại Trường THCS Tân Sơn, phường Tân Sơn và Trường THCS Cù Chính Lan, phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) chỉ đạt khoảng 30% kế hoạch giao. Nguyên nhân, do tỷ lệ học sinh các trường này đỗ vào các trường THPT công lập luôn đứng ở tốp cuối so với các trường khác. Vì vậy, nhiều phụ huynh đã không cho con theo học tại 2 trường này mà đăng ký con học ở các trường khác, ngoài phường.

Tuy nhiên, sau khi 2 trường này thực hiện Đề án nâng cao chất lượng dạy và học thì chất lượng đã được nâng lên, tuyển sinh đầu cấp có bước đột phá. Đơn cử, năm học 2022-2023, Trường THCS Cù Chính Lan đã tuyển được 200 học sinh, đạt 166,6% kế hoạch.

Khi chất lượng giáo dục của nhà trường khiến phụ huynh lo lắng thì đồng nghĩa với việc, họ cũng không thể yên tâm cho con theo học. Sự lựa chọn nào cũng có nguyên nhân. Trong câu chuyện tuyển sinh đầu cấp ở 2 trường nói trên cho thấy, khi môi trường giáo dục chưa tạo đủ niềm tin thì khó được đón nhận và ngược lại.

Một ngôi trường tốt, trong quan niệm của đa số phụ huynh, đó là nơi có nhiều giáo viên tốt, có cơ sở vật chất tốt, có nhiều học sinh theo học… Phụ huynh tìm đến một môi trường như vậy có nghĩa họ đã yên tâm, bằng lòng với sự lựa chọn của mình. Tuy nhiên, sự lựa chọn đấy không hẳn lúc nào cũng đúng.

Con vào lớp 1, chị N.T.V ở phường An Hoạch (TP Thanh Hóa) cho con học tại một trường mầm non công lập trong thành phố nhưng khác phường. Nơi con chị học cách nhà gần 4km. Theo chị N.T.V, do nhiều bạn bè cho con theo học trường này giới thiệu nên chị cũng gửi gắm con vào học tại đây. Vẫn biết khoảng cách đi lại khó khăn hơn nhưng vì muốn con “bằng bạn bằng bè” nên chị V không ngần ngại đưa ra quyết định. Tuy nhiên, con học được vài tháng, chị phải chuyển trường cho con về học gần nhà. “Nhà chỉ có xe máy nên việc chở con đi học trên quãng đường xa, ngày nắng, ngày mưa rất vất vả. Điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con. Về học trường gần nhà, tôi thấy môi trường cũng rất tốt. Hiện con chuẩn bị vào lớp 3 và vẫn theo học ở đây”, chị V cho biết.

Ở câu chuyện của anh L.T.B ở phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) thì việc chọn trường của phụ huynh lại mang đến nỗi buồn không chỉ cho bố mẹ mà cho chính cả con của họ. Khi con anh B hoàn thành chương trình tiểu học (TH), anh đã chọn một trường THCS khác phường cho con. Ở cấp TH, con anh là học sinh xuất sắc. Nhưng cấp THCS, suốt 4 năm học, kết quả học tập chỉ ở mức Đạt. Bất ngờ hơn, thi tuyển sinh vào lớp 10, con không đủ điểm vào trường công lập, vì vậy, phải vào trường tư thục . Anh B ngậm ngùi, kể lại: “Khi con chuyển cấp, từ cấp TH lên THCS, tôi đã rất sốt sắng để xin cho con học ở trường ngoài phường với rất nhiều hy vọng. Cứ nghĩ, con học giỏi ở nơi này thì sang nơi khác cũng vậy. Nhưng ở ngôi trường mà tôi xin cho con, lực học của con chưa thấm vào đâu so với các bạn trong lớp. Con đã có những mặc cảm và học đuối dần…”.

Không có trường tốt hay không tốt mà chỉ có trường phù hợp

Khi con chuyển cấp học, việc lựa chọn trường cho con, phần lớn bố mẹ là người quyết định. Có thể, con thích trường này nhưng bố mẹ lại hướng con sang trường khác. Việc giải thích để con hiểu, cũng có thể chỉ xoay quanh vài câu, như học ở đấy con sẽ có sự tiến bộ và học giỏi hoặc học ở đấy con mới có thể đậu trường này, trường kia…Trên thực tế, đã có những sự lựa chọn đúng. Con phát huy được khả năng và có sự cầu tiến. Nhưng ngược lại, cũng không ít nỗi buồn từ việc lựa chọn trường cho con của phụ huynh.

Khi cha mẹ chọn trường cho conHọc sinh Trường Mầm non Vĩnh Hưng (Vĩnh Lộc) với góc trải nghiệm trong sân trường.

Theo Chuyên gia tư vấn tâm lý Tô Thị Hoàng Lan, giảng viên Trường Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh thì không có tiêu chí rõ ràng nào cho một trường học tốt. Vì mỗi người sẽ có những định nghĩa “tốt” khác nhau. Nếu tìm được một trường tốt cho đa số mọi người thì liệu nó có tốt cho chính cá nhân từng đứa trẻ?

Trong cuốn sách “Dưỡng trí não con tinh” (NXB Phụ nữ Việt Nam, Saigonbooks phát hành) của mình, quan điểm về chọn trường cho con của Chuyên gia tư vấn tâm lý Tô Thị Hoàng Lan, đã được chia sẻ qua cuốn sách này. Chị viết: “Với tôi, không có trường tốt hay không tốt mà chỉ có trường phù hợp với mỗi gia đình. Vì mỗi gia đình khác nhau nên sự phù hợp đó cũng khác nhau. Điều này tùy thuộc vào mục tiêu giáo dục của gia đình, tức cha mẹ muốn con được giáo dục ra sao. Gia đình sẽ tìm đến những nơi có khả năng đáp ứng mục tiêu đó cao nhất, nhưng vẫn phải xét đến mối quan hệ lẫn nhau giữa các điều kiện của gia đình, ví dụ tài chính, khoảng cách địa lý…

Có một điều chắc chắn là không có ngôi trường nào có thể đáp ứng hoàn toàn mọi mong muốn của chúng ta cả. Trường nào cũng có cái được và cái không được. Vấn đề là chúng ta có chấp nhận được điểm chưa hoàn thiện để có được điểm mạnh của trường đó hay không mà thôi. Giáo dục ở trường học có những giới hạn của nó. Vì vậy, các bạn đừng trông đợi hết vào giáo viên và nhà trường. Mỗi thành viên của gia đình cần học để trở thành một nhà giáo dục suốt đời khi có một đứa trẻ chuẩn bị ra đời".

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]