Khôi phục, gìn giữ để Lễ hội Đền Đồng Cổ sớm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Lễ hội truyền thống Đền Đồng Cổ làng Đan Nê, xã Yên Thọ (Yên Định) được cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân dày công phục dựng, bảo tồn và đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Lễ hội diễn ra từ ngày 13 đến 15/3 âm lịch hằng năm, nhằm tưởng nhớ vị thần “Hộ dân bảo quốc” - thần Đồng Cổ.
Ông Phạm Doãn Hoàn cùng đội bát âm chia sẻ với học sinh trường THCS Yên Thọ về truyền thống của Lễ hội Đền Đồng Cổ.
Đã ở tuổi cao niên, nhưng các ông bà ở làng Đan Nê - nơi có ngôi đền Đồng Cổ vẫn như những bông hoa một thời xuân sắc, tràn đầy nhiệt huyết. Các ông, các bà đang miệt mài tập luyện những nghi thức để trình diễn trong lễ hội.
Ông Phạm Doãn Hoàn (Đội bát âm) cho biết: "Nơi đây vẫn lưu truyền câu chuyện về thần Đồng Cổ - một vị thần “Hộ dân bảo quốc”. Truyền thuyết về thần Đồng Cổ được người dân bao đời của xã Yên Thọ kể mãi. Tôi và 7 thành viên đội bát âm đã luyện tập thường xuyên từ ngày 22/2 âm lịch với mong muốn lễ hội sẽ trao truyền cho thế hệ trẻ gìn giữ, để lễ hội sống mãi trong đời sống văn hóa tinh thần của không chỉ con em địa phương, con em xa quê mà còn cả du khách thập phương về với lễ hội".
Đội tế lễ say sưa luyện tập chuẩn bị lễ khai hội Đền Đồng cổ năm 2024.
Tham gia lễ hội có các đội bát âm, tế lễ, đội làm hoa, khiêng kiệu... Trong trí nhớ của các bậc cao niên và cuốn cẩm nang của làng, tế lễ được xem là linh hồn của lễ hội. Thực hiện các nghi thức tế lễ là Đội tế. Đội có 18 người là nam giới được lựa chọn kỹ lưỡng về mọi mặt, phải là công dân gương mẫu trong cuộc sống mới được tham gia và luyện tập công phu nhiều ngày.
Ông Hà Văn Thanh có 20 năm tham gia đội tế, chia sẻ: "Đội luyện tập rất tích cực. Từng nghi thức tế phải khớp với nhạc; trang phục, đi đứng phải đúng từng chi tiết nhỏ. Đọc văn tế rõ ràng, âm điệu hùng hồn... Những việc đó tưởng đơn giản nhưng đòi hỏi rất kỹ lưỡng nên các thành viên đều tập trung cao để luyện tập và góp ý, động viên nhau".
Tại nhà văn hóa thôn, có khoảng hơn 20 người dân gồm cả nam và nữ ở độ tuổi trung niên, cao niên đang miệt mài làm hoa nơm, áo lông bào, kiệu... Không khí làm việc rất sôi nổi, hào hứng và đầy trách nhiệm.
Hoa dùng để làm 2 cây thủy bào từ nguyên liệu tre, giấy.
Ông Lê Văn Giang, chủ tế và người trực tiếp đảm nhiệm làm 2 cây hoa thủy bào cho biết: Vật liệu để làm kiệu, cây hoa phải là những thân tre có ngọn, óng dài, đều, không sâu, thẳng; những thân tre chắc chắn làm kiệu, còn thân tre dẻo hơn trẻ ra luộc với muối, phơi khô rất kỳ công làm những nhành hoa, cắt giấy hoa gắn thành 2 cây thủy bào (áo bào)... Tất cả các công đoạn chia đều cho các thành viên làm với tinh thần nhiệt huyết và lòng thành tâm hướng về lễ hội.
Tiết mục văn nghệ tái hiện Lễ hội Đền Đồng cổ năm 2023.
Lễ hội được tái dựng lại là một sự kiện không thể vắng mặt, nên dù sức khỏe có giảm sút, bận gia đình con cháu, nhưng nhiều con em xa quê đã chuẩn bị tâm lý, sửa soạn hành trang để về dự lễ hội. Lễ hội diễn ra từ ngày 13 đến 15/3 âm lịch, nhưng ngày chính hội 15/3 âm lịch, dân làng tập trung để rước kiệu quanh làng với các nghi thức độc đáo, như: rước kiệu từ đền Đồng Cổ về đình Phúc, tế lễ xin linh khí của Đồng Cổ sơn thần, rước kiệu từ đình Phúc về đền Đồng Cổ, dâng hương nhằm tái hiện những dấu ấn quan trọng trong cuộc đời của thần. Vật phẩm dâng lên thần núi Đồng Cổ gồm có hoa quả, gà xôi và những tờ giấy bạc... nhằm tri ân công đức của thần và tái hiện đầy đủ các nghi thức văn hóa độc đáo của đất và người vùng Đan Nê xưa.
Khi kiệu rước trở về cũng là phần hội diễn ra khá sôi nổi và rầm rộ với các trò chơi dân gian, như: cờ người, bịt mắt bắt gà, chèo thuyền... và các tiết mục văn nghệ do chính người dân trong làng, trong xã biểu diễn nhằm ca ngợi quê hương, đất nước. Phần giới thiệu ẩm thực được trưng bày những sản phẩm đặc trưng trên địa bàn huyện đã được công nhận OCOP.
Ông Lê Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết: "Đầu tư phát triển văn hóa được huyện đặt ngang hàng với các lĩnh vực khác. Rất nhiều điểm di tích, lễ hội truyền thống của huyện đã nhiều năm được tôn tạo, khôi phục. Năm nay lễ hội được tái tổ chức và tập luyện kỹ lưỡng để làm hồ sơ đề nghị Cục Di sản văn hoá, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Do đó, UBND huyện và xã đang nỗ lực duy trì những giá trị vốn có của lễ hội, đồng thời khai thác triệt để hơn những gì bị quên lãng, mai một để lễ hội truyền thống trở lại như xưa và sáng tạo thêm những giá trị mới phục vụ cho cuộc sống hôm nay và làm sống lại những giá trị văn hóa nghệ thuật có bề dày lịch sử lâu đời, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo sử sách ghi lại, Đền Đồng Cổ được khởi dựng cách đây khoảng 4.587 năm - năm 2569 TCN, khi vua Hùng cất quân đi dẹp giặc Hồ Tôn ở phương Nam. Khi nghỉ tại đây, trong giấc chiêm bao, nhà vua được thần núi báo mộng dưới chân núi có trống đồng cổ, đào lên dùng tiếng trống làm linh khí đuổi giặc. Nhà vua làm theo, quả nhiên, quân giặc nghe tiếng trống đồng âm vang đã sợ khiếp vía và rút chạy.
Thắng trận trở về, vua phong cho Thần núi là “Đồng Cổ Đại Vương”, lập đền thờ, đúc trống đồng và rước vào đền thờ phụng. Đền Đồng Cổ tọa lạc trên chân núi Khả Lao, nằm trong quần thể di tích núi Tam Thai, chùa Thanh Nguyên, Quán Triều Thiên, hồ Bán Nguyệt, bến Trường Châu, hang động thông với sông Mã nằm xen kẽ quần tụ, hòa với 3 ngọn núi cao thấp liền nhau như dáng 3 vì sao (gồm núi Xuân ở phía Tây Bắc, núi Nghễ ở phía Đông bên bờ sông Mã và núi Đổng ở phía Tây. Người xưa thường gọi đây là núi Tam Thai).
Với ý nghĩa lịch sử và giá trị tâm linh sâu sắc, năm 2001, đền Đồng Cổ được Nhà nước cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Năm 2010, di tích đền Đồng Cổ được UBND TP Hà Nội gắn biển công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; năm 2019, huyện Yên Định tổ chức lễ hội đền Đồng Cổ chào mừng kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa; năm 2022 Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định số 2260/QĐ-UBND công nhận điểm du lịch Di tích lịch sử văn hóa núi và đền Đồng Cổ, xã Yên Thọ.
Để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa tinh thần của Nhân dân huyện Yên Định và các huyện phụ cận, năm 2007 UBND tỉnh Thanh Hoá đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, tôn tạo, phục dựng các hạng mục: Nghi môn, đền Đồng Cổ, quán triều thiên và đường lên quán triều thiên, chùa Thanh Nguyên trên núi Xuân...
Cuối năm 2022, UBND huyện Yên Định đã tôn tạo cảnh quan hồ vành trăng, đường vào Khu di tích lịch sử - văn hóa núi và đền Đồng Cổ với tổng mức đầu tư hơn 7,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện... Nhờ đó, di tích và lễ hội đã luôn được quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị, giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ; đồng thời góp phần thực hiện Đề án “Nghiên cứu phục dựng phát huy giá trị các lễ hội tiêu biểu và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, phục vụ phát triển du lịch” của UBND tỉnh.
Bài và ảnh: Lê Hà
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2024-04-16 09:17:00
Lại nói về câu “Mèo tha miếng thịt xôn xao...”
Lễ hội đền thờ Lê Hoàn: Gạch nối quá khứ và hiện tại
Lễ hội Đền Hùng 2024: Tất cả đã sẵn sàng cho ngày chính hội
Tuần phim Kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Chiếu miễn phí “Đào, Phở và Piano”
Chương trình nghệ thuật Hội Xoan 2024 chủ đề “Miền di sản”
Ấn tượng cổng làng thời kiểu mẫu
Tối không chạy deadline, sáng không ngại đi làm
Đưa nét văn hóa dân tộc vào hoạt động ngoài giờ lên lớp
Bánh bột lọc của Việt Nam lọt top những loại bánh ngon nhất thế giới
Nét đẹp Lễ hội Phủ Vàng năm 2024