Kiểm soát quyền lực Nhà nước - giữ đúng bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cũng bắt đầu từ đây, Nhà nước kiểu mới - Nhà nước thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân ra đời và phát triển. Làm sao để quyền lực Nhà nước không bị tha hóa, không bị lạm dụng, luôn vì Nhân dân và phục vụ Nhân dân? Câu hỏi đau đáu của những người luôn trăn trở vì vận nước sẽ phần nào được tìm thấy khi các bạn đọc cuốn sách: “Kiểm soát quyền lực Nhà nước” của GS.TS Nguyễn Đăng Dung. Sách do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia sự thật ấn hành.
GS.TS Nguyễn Đăng Dung đã kết cấu cuốn sách thành hai phần. Phần thứ nhất: Cơ sở lý luận của sự kiểm soát quyền lực Nhà nước, trong đó giải thích rất rõ vì sao phải kiểm soát quyền lực Nhà nước. Phần thứ hai, gồm nội dung, hình thức, công cụ kiểm soát quyền lực Nhà nước. Ở phần thứ hai này có chương VI nói về sự kiểm soát quyền lực Nhà nước từ bên trong và chương VIII là những hình thức kiểm soát quyền lực Nhà nước từ bên ngoài. Chương IX nói về tòa án là cửa ải cuối cùng của sự kiểm soát quyền lực Nhà nước.
Đúng như lời nhà xuất bản ở những trang sách đầu tiên, quyền lực Nhà nước và kiểm soát quyền lực Nhà nước là vấn đề vô cùng quan trọng nhưng rất phức tạp.
Còn trong lời giới thiệu, tác giả Nguyễn Đăng Dung đã khẳng định: kiểm soát quyền lực là một vấn đề trọng đại. Từ thời cổ đại Hy Lạp, Plato và Aristotle đã chủ trương phân quyền và đối trọng. Đó là manh nha học thuyết kiểm soát quyền lực. Lịch sử hình thành Nhà nước dân chủ hiện đại phương Tây cũng là lịch sử tư tưởng kiểm soát quyền lực. Trong xã hội hiện đại, quyền lực Nhà nước phải luôn gắn với chủ quyền quốc gia, quyền lực này thuộc về Nhân dân - chủ thể cao nhất của quyền lực Nhà nước và được thể hiện thông qua những định chế Nhà nước - pháp luật.
Tác giả đã dày công nghiên cứu học thuyết và mô hình kiểm soát quyền lực Nhà nước của một số Nhà nước dân chủ, pháp quyền trên thế giới, từ đó rút ra những giá trị tham khảo cho Việt Nam.
Với thông điệp Nhà nước thì thời nào cũng rất cần nhưng quyền lực của nó cần phải được kiểm soát, cuốn sách là sự nung nấu của tác giả từ những năm 2004, 2005, trải qua công tác giảng dạy, nghiên cứu, viết sách tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Không chỉ là chuyên khảo sâu dành cho sinh viên ngành Luật học, Chính trị học, các ngành khoa học xã hội khác, mà đây còn là tài liệu hữu ích với tất cả những ai quan tâm, đã và đang công tác ở mọi công việc, mọi vị trí của Nhà nước này - Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Làm thế nào để dùng cơ chế kiểm soát hữu hiệu làm cho quyền lực Nhà nước xã hội chủ nghĩa bảo đảm thiết thực, thực hiện nguyên tắc quyền lực do Nhân dân sử dụng, lợi ích do Nhân dân mưu cầu; ngăn chặn hiệu quả nguy cơ tham nhũng, lãng phí, lạm quyền tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chắc chắn chúng ta ít nhất đã một lần được nghe tới câu nói nổi tiếng của Montesquieu trong tác phẩm Tinh thần Pháp luật: “Kinh nghiệm thường xuyên cho chúng ta thấy ai có quyền cũng có xu hướng lạm quyền. Để tránh lạm quyền, quyền lực cần phải ngăn chặn quyền lực”.
Còn theo tác giả, Hiến pháp là một văn bản luật có nhiệm vụ kiểm soát quyền lực Nhà nước. Kiểm soát để bảo vệ con người, quyền cá nhân là mục tiêu hay có thể còn được gọi là bản chất của Hiến pháp, tức là xét đến cùng, là tính chất sâu xa nhất của Hiến pháp.
Những lập luận sắc sảo của tác giả rất có giá trị như: Xã hội càng dân chủ, văn minh bao nhiêu thì giá trị của con người càng được bảo đảm bấy nhiêu. Trong nhiều biện pháp bảo vệ thì việc phân chia quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước với nhau để đi đến chỗ kiểm tra kiềm chế lẫn nhau càng cụ thể thì quyền cá nhân của con người càng được bảo vệ. Quyền lực Nhà nước có thể được chia ra theo chiều ngang giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, và theo chiều dọc giữa các cơ quan Trung ương và các cơ quan địa phương.
Bằng dự cảm của người nghiên cứu lâu năm về vấn đề này, tác giả cũng cho rằng: mọi sự kiềm chế quá đáng dễ dẫn đến tê liệt và đông cứng. Những thỏa thuận mềm dẻo đối với ngành hành pháp trong việc hình thành, thực hiện các chính sách và trong việc thích ứng với những nguồn thông tin mới và những hoàn cảnh thay đổi là điều hết sức cần thiết.
Gọi tên những phẩm chất, tác giả Nguyễn Đăng Dung đã khiến bạn đọc nhớ và hiểu nhanh hơn bản chất của cái gọi là: “Sức mạnh và sự nhanh nhẹn của hành pháp”; “Thông cảm, khả năng thỏa hiệp của các nhà lập pháp”. Còn tư pháp có một phẩm chất đặc biệt: sự minh bạch, sự dung hòa được quyền độc lập không phụ thuộc vào sức ép của đám đông và cả sự không lệ thuộc vào hành pháp và lập pháp.
Nhà nước pháp quyền là một nhà nước dân chủ, khác với các nhà nước khác ở chỗ có cơ chế phòng ngừa này. Mục đích của sự ngăn ngừa này là nhằm duy trì tự do. Những lời Madison đã từng viết: Để hình thành một chính phủ được điều hành giữa người với người, thì khó khăn lớn nhất là chính quyền phải kiểm soát được những gì điều hành, và bước tiếp theo là phải tự kiểm soát được chính bản thân chính phủ. Cho đến nay, những điều ấy vẫn còn nguyên giá trị.
Nguyễn Hường (CTV)
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2024-08-24 09:36:00
Sức hấp dẫn từ du lịch trải nghiệm
Thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông huyện Quan Hóa
“Lợn ăn xong lợn nằm lợn béo...”
Gốm Tam Thọ - vàng son một thuở
Ngọc Lặc nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa
Thư viện tư nhân góp phần phát triển văn hóa đọc
“Mũ mãng” và“mũ mão”
Nhiều tài liệu về hoạt động ngoại giao dưới triều Nguyễn lần đầu được công bố
Nếp sống văn minh hiện hữu trong đời sống người dân miền núi
Cây muỗm tại thị trấn Yên Cát (Như Xuân) được công nhận Cây di sản Việt Nam