(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Kỷ niệm về chuyến đi làm báo cùng nhà báo Xuân Ba về Hàm Rồng mãi là kỷ niệm đẹp và sâu sắc, giúp tôi lớn lên trong bước đường học tập làm báo.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kỷ niệm cùng Xuân Ba đi làm báo

(VH&ĐS) Kỷ niệm về chuyến đi làm báo cùng nhà báo Xuân Ba về Hàm Rồng mãi là kỷ niệm đẹp và sâu sắc, giúp tôi lớn lên trong bước đường học tập làm báo.

Nhà báo Xuân Ba trò chuyện cùng Anh hùng Ngô Thị Tuyển.

Gặp gỡ bất ngờ

Những ngày chuẩn bị cho Kỷ niệm Hàm Rồng chiến thắng cánh tuyên truyền chúng tôi rất bận. Nhà báo Đinh Viết Ba - Phó trưởng ban Tuyên giáo cho gọi tôi lên và giao nhiệm vụ mới. Vừa vào phòng của anh, tôi bất ngờ khi gặp lại Nhà báo Xuân Ba.

Nắm bàn tay anh, tôi cảm nhận bàn tay anh ở độ tuổi "Lục thập nhĩ thuận" mà vẫn mát mượt như tay con gái, không chai sạn gân guốc mà dẻo gọn, cái miệng ươn ướt kia nữa chắc là đa tài và đa tình lắm đây, bộ tóc dài ban đêm đi sau chắc dễ nhầm lắm hoặc tắt lửa tối đèn xem ra có người nhầm tưởng con gái. Còn bây giờ thì Xuân Ba có dáng dấp của một đạo sĩ bậc cao cốt. Mẹ tôi hay nói rằng nam nhi có bộ ria đẹp là hữu duyên và cá tính lắm. Tôi đã từng nghe cánh báo chí trẻ tôn anh làm sư phụ trong làng báo, kính nể và có phầnrụt rè trước anh. Gạt mọi tự cảm sang một bên, mặc dù nó cứ trỗi dậy, tôi lắng nghe lãnh đạo giao công việc vắn gọn là đưa anh Ba đi viết về sự kiện Hàm Rồng, chỗ nào anh cần đi thì cứ đưa đến. Tôi nhận lời ngay bởi với tôi việc này chẳng có gì lấy làm khó khăn lắm, tôi đọc và ghi nhớ nhiều và còn nghe được cơ man nào là chuyện về vùng đất và con người nơi này.

Tôi cùng Xuân Ba và Hồng Vĩnh con trai của nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam tức tốc xuống xe. Là người từng tham gia viết cho nhiều báo, đã nhiều lần tiếp xúc với các bậc "đàn anh" báo chí Trung ương nên tôi dạn dĩ. Khi đã ngồi lên ghế đầu với vai trò là người dẫn đường tôi bắt đầu "tẩn" chuyện. Tôi trách anh Xuân Ba không nhớ đàn em, mới tháng hai năm ngoái tháp tùng đoàn của tỉnh đi dự gặp gỡ văn nghệ sĩ Hà Nội tôi đã "âm mưu" mang ra cho Hội rượu Cầu Lộc vànem chua Thanh Hoá.

Chúng tôi ngồi phía cuối có cơ tán “gẫu" cơ man nào là chuyện, khi đó có Mai Linh cũng tóc dài vận tuyền bồ đồ đen, người của "Hồi ức chuồn chuồn” thường ngẫm sâu về chuyện "cho" và "nhận" cứ mỗi độ "thu về" là mơ màng người xưa quê cũ (Tên các tác phẩm của Mai Linh), có Trịnh Anh Đạt người gốc Hà Trung lập nghiệp ở Hải Phòng nổi danh với bài thơ“Rau má" và thành công trong kinh doanh ở Khách sạn Hoa Thành Đạt tọa lạc ngay cửa ngõ vào Đồ Sơn, có Nguyễn Hoa, chỉ huy dàn nhạc giao hưởng, đạo diễn Thanh Vân con trai của Đạo diễn Hải Ninh và nhà văn tài danh Kiều Vượng, còn có cả Nguyễn Lưu nguyên Giám đốc Nxb Văn học râu tóc xum xuê như lão Phúc trong bộ Tam Đa.

Rượu nem quấn quýt, chuyện rổn rảng, tôi kể một thôi một hồi thi thoảng nghe Xuân Ba đế "Chú nhớ, ghê nhẩy!", lúc lúc lại "Hay nhẩy!" Chưa hết tôi dồn tiếp. Tôi kể về những ngày gia đình anh đi đụng vào đụng ở Khu tập thể 128 Hàng Trống, Hà Nội, lúc ở nhà tắm ẩm ướt, khu nhà vệ sinh nặng mùi vì nhà thì ít mà người lại nhiều. Xuân Ba xoắn lại hỏi:

- Sao chú biết?

Tôi kể những ngày ra chỗ cậu ruột Cao Năm khi ấy là phóng viên gạo cội của Báo Tiền phong, lúc tò mò tránh ngột ngạt tôi hay lên sân thượng ngó mắt vào “Nghênh Sương Các” và còn nghe tiếng rít thuốc lào như lão nông của anh tóc dài Xuân Ba. Rồi chuyện người ta lầm ông bác ruột tôi là Nhà báo Hữu Thọ - phóng viên báo ảnh đầu tiên - nguyên Giám đốc Đài Phát thanh tỉnh (nay là Đài PTTH Thanh Hóa) với ông Hữu Thọ ở Báo Nhân dân - ông Cửu Thọ ở báo Thiếu niên chỉ vì ba ông cùng chữ Thọ và cùng viết báo sắc sảo tài danh. Nghe tôi kể Xuân Ba thảng thốt: - Té ra toàn là người quen. Xem chừng Xuân Ba bị tôi chinh phục bởi sự hoạt ngôn và sự biết nhiều chuyện đầu cua tai nheo ở chung cư 128 ngày ấy. Tôi gặp lại anh là bất ngờ của công việc nhưng xem ra lại có cơ duyên của nghiệp báo mà các thế hệ cha chú tôi từng làm, còn Xuân Ba bất ngờ vì tôi nhớ và biết nhiều chuyện về anh quá thể.

Nhớ phong cách làm báo của Xuân Ba

Tôi lưu giữ mãi ấn ấn tượng về phong cách làm báo của anh và học tập được nhiều từ đấy. Anh thường ăn mặc giản dị, bộ quần áo tối màu, giản dị nhưng rất chất của vùng tơ lụa Hà Đông, tạo nên một sự mát mẻ cho anh và sự gần gũi thân ái khi tiếp xúc. Công cụ tác nghiệp của anh bao giờ cũng vậy: chiếc máy ảnh Canon D90 một cuốn sổ tay nhỏ và cây bút. Tất cả đều được anh vận dụng đúng lúc đúng chỗ đưa lại hiệu quả cao. Anh chụp rất nhiều, những tư liệu không thể mượn được, hoặc không thể ghi chép đều được anh chụp lưu giữ. Sự ghi chép của anh là điều đáng nể phục và học tập. Phong cách nói chuyện rất lịch lãm, anh khéo léo dẫn dắt câu chuyện theo chủ đích khai thác mà vẫn giữ được vẻ tự nhiên, trang trọng. Đặc biệt khả năng thu hút nhân vật vào câu chuyện, vào điều muốn nói nhờ hiểu biết thông tuệ của anh ở mọi vấn đề của cuộc sống: từ chính trị đến đời thường. Điều này không dễ mấy ai cũng làm được. Phải có một phông văn hóa và sự trải nghiệm sâu sắc mới nên.

Kết quả của chuyến đi làm báo ấy là bất ngờ với tất cả chúng tôi, anh đã cho ra một series gần chục bài về Con người và vùng đất Hàm Rồng. Điều này thật đáng trọng, đáng trân quí khi ở đề tài này đã có hàng trăm bài báo. Những bài viết của anh vừa mới trong phát hiện, mới trong cả tư liệu và sự kiện đưa lại sự hấp dẫn cho bạn đọc. Nhật ký bị đốt, Gặp lại Hàm Rồng... Những nhân vật lịch sử của một thời hào hùng oanh liệt như Nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển, Nguyễn Thị Hằng và những dân quân Nam Ngạn, Hàm Rồng, những dân quân Đồng Đá, Yên Vực được anh khai thác và thể hiện ở một giác độ, một góc nhìn mới.

Sau này tôi còn có nhiều dịp đi làm báo cùng anh, nhưng kỷ niệm về chuyến đi làm báo cùng nhà báo Xuân Ba về Hàm Rồng mãi là kỷ niệm đẹp và sâu sắc, giúp tôi lớn lên trong bước đường học tập làm báo.

Nguyễn Hữu Ngôn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]