Đề tài lực lượng vũ trang nhân dân - Nguồn mạch thôi thúc nghệ sĩ sáng tạo
Sinh ra trong giai đoạn đất nước trải qua nhiều đau thương, mất mát để chống lại những kẻ thù mạnh nhất, bên cạnh đó, vùng đất quê nhà xứ Thanh không chỉ là hậu phương mà còn là tiền tuyến, vì thế với họa sĩ Lê Xuân Quảng (Xuân Quảng), vẽ về người lính, về quê hương đất nước là máu, là thịt, là sự xót xa, và cả tình yêu thương của ông.
Tranh sơn dầu “Cuộc đọ sức quyết liệt”.
Có 3 năm tham gia chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, và có nhiều năm lăn lộn ở các cứ điểm, các chiến trường để lấy chất liệu vẽ tranh, đối với họa sĩ Lê Xuân Quảng, đề tài lực lượng vũ trang nhân dân là nguồn mạch thôi thúc ông sáng tạo.
Họa sĩ Lê Xuân Quảng kể lại: “Trong 3 năm đi bộ đội, tôi có thời gian 6 tháng được tham gia lớp nghệ thuật do Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) tổ chức. Kể từ đó, niềm đam mê nghệ thuật được khơi thông để đến nay, ở tuổi 88 tôi vẫn cầm cọ vẽ. Thời gian đi bộ đội không nhiều nhưng đã để lại trong tôi nhiều ký ức đẹp”. Từ năm 2009 ông đã tổ chức triển lãm cá nhân có tên “Ký ức một thời”.
Lần giở cuốn sách in các tranh tiêu biểu được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc đề tài lực lượng vũ trang chiến tranh cách mạng 2014-2019, họa sĩ Lê Xuân Quảng giới thiệu về bức tranh “Cuộc đọ sức quyết liệt” của ông. Bức tranh vẽ một phi công Mỹ bưng bát nước dừa sau khi bị bắt sống ở trận địa Hàm Rồng năm 1965. Với hậu cảnh lửa đạn ngút trời, khói bom mù mịt, xa xa là cầu Hàm Rồng hiên ngang trên dòng sông Mã. Nam nữ dân quân địa phương Nam Ngạn, Hàm Rồng lao lên trận địa, người chiến đấu, người tải đạn. Tinh thần và hào khí của họ không chỉ được viết trên ngọn đồi mang hai chữ “Quyết Thắng” mà còn trong chính mỗi người lính với khát khao hòa bình. Ở tiền cảnh, cô dân quân nét mặt hồn nhiên, thanh thản, tâm thế của người chiến thắng, nhưng một tay vẫn sẵn sàng khẩu súng, một tay rót nước dừa cho tên phi công uống. Tên phi công Mỹ thân hình to lớn kềnh càng nhưng dáng điệu rúm ró, đầu cúi gập, nét mặt sợ hãi, lo lắng. Hai nhân vật chính trong tranh ngồi gần nhau nhưng là hai sắc thái, hai dòng cảm xúc. Cái hay ở bức tranh này là trong khói bom lửa đạn không chỉ là súng, là đầu rơi máu chảy và sự chết chóc mà sự sống vẫn tiếp tục, từ cỏ cây hoa lá đến con người đều khát khao hạnh phúc, xanh tươi. “Cuộc đọ sức” rất quyết liệt nhưng cũng rất nhân văn. “Chiến thắng Hàm Rồng của chúng ta oanh liệt là thế, bao nhiêu con người đã hy sinh nhưng cũng đã có những người được phong anh hùng ngay trên trận địa. Đáng tiếc là nhiều tác phẩm nghệ thuật về Hàm Rồng nay đã không còn. Riêng ở Thanh Hóa, ngoài “Chiếc cầu đỏ” của họa sĩ Phan Bảo, “Tượng Thanh niên xung phong ở Hàm Rồng” của nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ có lẽ các họa sĩ cũng cần trưng trổ năng lực về một địa danh lịch sử đáng tự hào của quê hương mình”, họa sĩ Xuân Quảng trầm tư.
Tranh sơn dầu “Mùa xuân năm 1968”.
Cũng vẽ về trận địa Hàm Rồng, ông còn có bức tranh sơn mài “Chúng nó lại đến” thể hiện 2 trạng thái đối lập: sự dịu dàng ngây thơ của một đứa trẻ và những nóng bỏng của chiến tranh. Trên nền màu đỏ rừng rực khí thế chiến đấu, nữ dân quân trực chiến vừa có phút giây dịu dàng bên đứa con nhỏ và người mẹ già. Nhưng rồi, máy bay đến, chị vội vàng chạy ra trận địa. Cái dáng tất tả vội vàng của chị hòa cùng dáng hình đồng đội lao về phía trước, xa xa là hình dáng cây cầu Hàm Rồng quen thuộc. Ở giữa không gian đặc quánh một màu đỏ ấy, hình ảnh đứa nhỏ trong chiếc áo màu trắng chính là nơi bình yên nhất, là tương lai cả gia đình cần bảo vệ. Trong bom đạn, đứa trẻ vẫn ngóng cổ chờ mẹ; trên những cành cây cháy khô vẫn đâm chồi non, xanh mướt.
Điều tôi thấy lý thú là với họa sĩ Xuân Quảng, hình tượng người lính vừa rất anh hùng nhưng cũng vô cùng bình dị. Đó có thể là niềm vui vô bờ bến khi người chồng, người cha trở về trong bức tranh “Chiến thắng”. Không khí vui vẻ tràn ngập cả góc sân nhà. Người vợ mừng vui, đứa con nhảy cẫng lên đòi bố bế, đến cả chú chó mực cũng giơ chân trườn mình, vườn cây đầy sắc hoa... Đó còn là niềm vui khi “Trở về với mẹ”. Thuở nhỏ nằm trong lòng mẹ, lớn lên đi kháng chiến đuổi được giặc rồi vẫn quay về ôm mẹ, ngả đầu vào cánh tay mẹ. Đánh đông dẹp bắc, qua bao sóng gió, cái chết cận kề, lúc trở về thì cánh tay mẹ vẫn là nơi ấm áp và tình cảm nhất. Hay bức tranh ông đang phác thảo, hình ảnh người lính mang theo cành đào trên vai trở về như mang theo cả mùa xuân về với gia đình, với những người thân thương.
Mỗi bức tranh của họa sĩ Xuân Quảng là một câu chuyện. Với ông, chiến tranh là tội ác, những người đi xâm lược là kẻ thù, tuy nhiên, ở khía cạnh đó, có quá nhiều họa sĩ khai thác. “Tôi thường hướng đến những câu chuyện gần gũi, những tình cảm gia đình, những khát khao riêng tư. Vượt qua được sự mất mát, đau đớn do chiến tranh đem lại, hơn hết mỗi cá nhân cũng phải tìm cho mình được những niềm vui, động lực để chờ tới ngày hòa bình, tới lúc người yêu/ người chồng/ người cha trở về...”.
Trong những khoảnh khắc nói về người lính, họa sĩ Xuân Quang có lúc dừng lại, bởi bạn bè ông, những sinh viên mỹ thuật không ít người đã gửi lại máu xương nơi chiến trường. Vừa nói ông vừa giới thiệu bức tranh “Mùa xuân năm 1968” vừa mới trưng bày tại Triển lãm mỹ thuật về lực lượng vũ trang giai đoạn 2019-2024, tại Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam.
Họa sĩ Lê Xuân Quảng giới thiệu về bức tranh người lính ông đang phác thảo.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã gây ra cho đế quốc Mỹ một đòn “choáng váng đột ngột”, làm đảo lộn thế bố trí, phá vỡ kế hoạch tác chiến dự định của chúng; làm rung chuyển không những toàn bộ chiến trường miền Nam Việt Nam mà còn làm rung chuyển cả Lầu Năm Góc cũng như toàn nước Mỹ. Với ý nghĩa to lớn đó, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là một sự kiện lịch sử quan trọng và để lại dấu ấn sâu đậm trong tiến trình lịch sử Việt Nam hiện đại. Khi ấy họa sĩ Xuân Quảng ngoài 30 tuổi, chứng kiến những cuộc hành quân vào chiến trường miền Nam. Bức tranh nếu nhìn đơn giản là bóng dáng bộ đội xuyên rừng, hoa đang nở, những bước chân vẫn đi, chiến tranh đang bước vào những giai đoạn căng thẳng nhất. Ấn tượng nhất lại là gương mặt người phụ nữ với ánh nhìn trong trẻo tìm kiếm người yêu, người chồng... không chỉ là sự chờ đợi của hậu phương mà còn nhân lên lòng quyết tâm hơn nữa của người lính nơi tiền tuyến để sớm có ngày hòa bình độc lập.
Mỗi nét vẽ một câu chuyện, mỗi bức tranh là một giai đoạn lịch sử, và các họa sĩ đã ghi lại những khoảnh khắc của đời sống bằng cái nhìn rất riêng, bằng trái tim nóng hổi của mình. Chiến tranh đã đi qua 50 năm, nhưng sẽ chẳng bao giờ người nghệ sĩ thôi thổn thức về số phận những con người đã sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, nén nỗi đau riêng tư để mang lại tiếng cười, sự bình an cho nhiều người.
Vì thế, dù đã ở tuổi 88 nhưng họa sĩ Xuân Quảng vẫn đang vẽ và “vẽ để có một triển lãm mỹ thuật cá nhân về cầu Hàm Rồng sớm nhất có thể” như lời chia sẻ của ông. Với hơn 10 bức tranh đã có sẵn và những bức ký họa, ông chỉ có một hy vọng duy nhất là sẽ thêm nhiều người, đặc biệt là người trẻ hiểu và tự hào về chiến thắng Hàm Rồng của người xứ Thanh.
Bài và ảnh: Kiều Huyền
{name} - {time}
-
2025-07-08 09:20:00
Sách ẩm thực Hà Nội đoạt giải thưởng về sức ảnh hưởng tại Trung Quốc
-
2025-07-06 13:07:00
Canh cua tầm bóp của mẹ
-
2025-07-05 19:00:00
[Podcast] Truyện ngắn: Trái tim hòa bình