Ký ức!
Ông Quyết vừa đưa điện thoại lên ngắm cây mai lấy độ nét thì có tiếng đóng cửa ô tô từ phía cổng ngõ khiến ông phải đưa mắt nhìn ra. “Ai như là ông Chiến? Đúng ông Chiến thật rồi!”. Ông Chiến tay xách túi trái cây, vừa cười vừa nói như reo lên: “Anh Hai!”. “Trời! Sao mà thiêng thế? Tôi đang chụp ảnh cây mai chú đưa ra năm xưa gửi vô cho chú xem đây”. “Giờ thì xem trực tiếp càng tốt chớ sao!”.
Minh họa: BH
"Luồng gió nào đưa chú về thế?”. “Em được cử đại diện cho hội cựu chiến binh thành phố tham gia đoàn ra kỷ niệm 70 năm tập kết. Nay về thắp hương cho các cụ và thăm anh chị với các cháu đây!”. Ông Quyết theo ông Chiến vào nhà thờ. Ông Chiến bày những quả vú sữa to, mọng vào cái đĩa dâng lên ban thờ rồi đốt ba cây nhang miệng lầm rầm khấn.
Ông Chiến cùng ông Quyết ngồi xuống bàn nước vừa lúc bà Quyết từ nhà dưới đi lên. “Thím và các cháu trong nhà có khỏe không, chú Ba?”. “Nhà em bị tăng xông phập phù nên không khỏe mà cũng không yếu. Cứ nhàng nhàng vậy thôi”. Sự xuất hiện của ông Chiến làm những kỷ niệm sâu lắng trong ông Quyết từ mấy chục năm trước bỗng ùa về như từng thước phim quay chậm của ký ức.
*
Năm ấy, ông Quyết khoảng chín mười tuổi, nghe người lớn nói với nhau sẽ có bộ đội và cán bộ miền Nam tập kết về làng. Ngày hôm sau, chú Phó bảo anh Ngân ra cồn Ngói lấy những viên son mềm như gạch non về mài thành mực, viết lên tường các nhà những câu khẩu hiệu: “Nhiệt liệt chào đón bộ đội, cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc!” hay “Nam - Bắc một nhà!”. Rồi bộ đội, cán bộ miền Nam về làng. Ban chỉ huy đóng tại nhà Quyết. Các chú mới đến ngày trước, ngày sau Quyết đã thuộc tên: Hai chú đứng tuổi, chú cao tên là Biên, chú thấp tên là Đông. Chú trẻ tên là Dương, có cái còi buộc dây đỏ thường đeo ở cổ để thổi báo hiệu mỗi khi đến giờ lĩnh cơm hay mời bộ đội, cán bộ ra đình sinh hoạt. Nhà thím Phương ban đầu định dành cho vợ chồng chú chỉ huy Biên ở, nhưng cô Liên, vợ chú Biên, phải ở lại trên thị xã với nhóm trẻ nên giờ hai cô y tế ở bên đó. Hàng ngày, hai cô y tế khi đi nhắc nhở mọi người giữ vệ sinh chung, lúc đến nhà bếp kiểm tra thực phẩm. Ai nhức đầu sổ mũi các cô y tế cho liều thuốc cảm, mấy viên sinh tố, lọ dầu xoa. Những người ốm yếu hơn hoặc đau do vết thương tái phát các cô y tế đưa đến trạm xá xã, ở đó có các bác sĩ chăm sóc và điều trị. Trừ những khi cần tập trung ra đình để hội họp còn thì bộ đội, cán bộ ở tại nhà nghỉ ngơi.
Trong xóm vui hẳn lên, chỗ thì đàn hát, chỗ chơi bóng chuyền, bóng bàn, chỗ thì cờ tướng, chỗ chơi tú-lơ-khơ. Có chỗ lại học văn hóa, nhiều anh chị đi kháng chiến từ nhỏ không kịp học chữ giờ học bù để còn đọc báo. Báo phát về từng nhóm hai, ba nhà gần nhau. Báo Nhân dân ngày 24 tháng 8 đăng tin hơn 3 vạn ngụy binh ở Bắc bộ đã trở về với Tổ quốc. Phong trào ngụy binh không chịu vào Nam, quyết tâm bỏ hàng ngũ về quê ngày càng lan rộng. Vợ chồng chú Biên đều là bộ đội ở Trung đoàn Phạm Hồng Thái, hoạt động ở khu vực bưng biền Láng Le - Bàu Cò. Cô Liên ở Trung đội nữ binh. Chú Biên kể quân Pháp xem bưng biền Láng Le - Bàu Cò là “cái gai phải nhổ” càng sớm càng tốt. Chúng thường xuyên tổ chức các trận càn, có lần quân Pháp huy động hàng ngàn quân tinh nhuệ, có máy bay và phi pháo yểm trợ, quyết phá tan khu căn cứ Láng Le - Bàu Cò. Nhờ lòng dũng cảm, tinh thần mưu trí và tài thao lược, dựa theo địa hình cùng sự hỗ trợ hết lòng của Nhân dân nên lực lượng vũ trang cách mạng tại Láng Le - Bàu Cò tuy trang bị thô sơ, lực lượng nhỏ đã bẻ gãy những trận càn của quân Pháp, phá tan âm mưu bao vây tiêu diệt lực lượng cách mạng.
Khi sắp tập kết ra Bắc, cô Liên được điều về thành phố phụ trách nhóm chăm nuôi và đưa ra miền Bắc những trẻ em dưới 5 tuổi cha và mẹ đều đã hy sinh. Hai con của cô chú, con gái đầu tên là Mai, thằng em tên là Chiến được đưa ra học tại Trường nội trú thống nhất ở Hà Đông. Tết năm Ất Mùi (1955), nhà Quyết rất vui vì chú Biên được cấp trên cho đón con trai và con gái về ăn tết cùng. Chú Biên có cái đài nhỏ, tối chú mở nghe tin tức và nghe hát. Từ đầu tháng Chạp, các chú bộ đội đã làm những cành hoa bằng giấy. Gần tết, bố Quyết còn xin được một cành đào của nhà cụ Bản Luyến. Miền Nam đón tết thường có hoa mai, hai cô y tế đã kiếm được mấy tờ giấy vàng về làm hoa mai. Thế là nhà Quyết và nhà thím Phương đón xuân có cả hoa đào và hoa mai. Cô Liên được nghỉ tết ba ngày, vì có bốn bà và năm người mẹ trẻ là người địa phương mang các loại thực phẩm, gạo đến nhà trẻ giúp chăm nuôi các cháu trong dịp tết. Mười hai cô bảo mẫu, hai cán bộ lãnh đạo và bốn cô y sĩ chia ra nghỉ làm hai đợt. Đợt một từ hai chín đến hết ngày mùng một, đợt hai từ mùng hai đến hết ngày mùng bốn.
Cô Liên làm món chuối quết dừa, món dân dã của miền Nam ăn kèm với các loại rau thơm hái từ vườn nhà Quyết, ai ăn cũng khen ngon. Tối hai chín, cô Liên, thím Phương cùng mẹ Quyết làm mứt dừa, nấu kẹo lạc. Sáng ba mươi tết, mẹ và cô Liên vo gạo, đãi đỗ, sắp lá chuối, chú Biên và chú Đông lấy lá dừa bẻ khuôn bánh. Bố Bắc gói 50 cái bánh chưng và gói cho ba anh em Quyết, Chiến và Mai mỗi đứa một cái bánh chưng con, gọi là bánh chìa. Cô Liên gói bánh tét. Từ chiều ba mươi, cả nhà vây quanh nồi bánh chưng. Chú Biên, chú Đông và anh Dương đi thăm các nhà đến chín, mười giờ đêm mới về. Từ mấy hôm trước, chú Biên nói giao thừa Bác Hồ đọc thơ chúc tết trên đài. Đó là điều mới lạ với dân quê. Quê Quyết không ai có đài nên giờ mọi người mới có dịp được nghe tiếng nói của Bác.
Tối ba mươi gió bấc thổi hun hút mang cái rét như kim châm vào da vào thịt mà trong nhà, ngoài hè nhà Quyết vẫn chật ních người lớn và trẻ em ngồi chờ giao thừa để được nghe Bác Hồ chúc tết. Quyết và Chiến theo mấy thanh niên đốt pháo trước để giao thừa còn nghe Bác Hồ đọc thơ. Nhưng giao thừa đến chỉ nghe có trống, tiếng chiêng và pháo nổ báo giao thừa rồi đến ca nhạc chào xuân mới. Khi đó, chú Biên mới nhớ ra ngày Bác Hồ và Chính phủ về thủ đô Hà Nội, đúng ngày Tết dương lịch 1/1/1955, tại quảng trường Ba Đình, Bác đã phát biểu trước đồng bào, ghi nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh, chiến sĩ, đồng bào, các cháu thanh niên, nhi đồng và bè bạn quốc tế. Tết này là tết đầu tiên miền Bắc được giải phóng, Bác chúc mọi người năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công trên mọi mặt sản xuất và kiến thiết. Chú Biên mời bà con ăn mứt tết, uống nước chè. Chú nói tóm tắt những ý chính chú đã nghe qua đài hôm Bác Hồ phát biểu trước đồng bào trong ngày Bác và Chính phủ về thủ đô. Chú hứa sẽ tìm tờ báo ra ngày Tết dương lịch có in lời phát biểu của Bác về cho mọi người đọc.
Vui với nhau trong khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng, mọi người trở về nhà trong tâm trạng hồ hởi, hân hoan. Sáng mùng một tết, tại sân Bảng Môn Đình, đông đảo cán bộ, Nhân dân, thanh thiếu niên trong xã cùng bộ đội, cán bộ và đồng bào miền Nam đóng ở địa phương làm lễ chào cờ đầu năm. Mọi người chúc nhau những lời chúc tốt lành rồi tỏa về các gia đình, các nhà thờ họ, các miếu mạo thắp hương đầu xuân.
Ông đồ Tâm, mặc áo the, khăn đóng ngồi cho chữ và viết câu đối ngay lối vào Bảng Môn Đình. Vây quanh ông là những cậu học trò bẽn lẽn đứng nép sát vào cha mẹ, chờ đến lượt. Từ lâu đời, làng đã có tục xin chữ, cho chữ, thể hiện sự hiếu học, trọng chữ nghĩa, trọng tri thức và mong muốn sức khỏe, bình an, tài lộc. Người đứng chờ xin chữ trân trọng ngắm nhìn nét chữ dần hiện lên cũng đủ là một hình ảnh đẹp, là sự đồng cảm của người xin chữ và người cho chữ; là bộ óc, là trí tuệ của người cho chữ gặp trái tim, tâm hồn người xin chữ. Chú Biên xin ông đồ Tâm viết cho Chiến và Quyết mỗi đứa một chữ “HỌC”. Khi Quyết và Chiến đón nhận chữ HỌC còn ướt mực trên tờ giấy hồng điều từ tay ông đồ Tâm, chú Biên đã giảng giải cho Chiến và Quyết nghe “chữ này nhắc các con là phải chăm học, để trở thành trò tốt, con ngoan!”. Chú Biên dắt Quyết và Chiến đến Di tích lịch sử - văn hóa nhà thờ Nguyễn Quỳnh. Mới đến cổng nhà thờ, Quyết và Chiến đã bị góc nặn tò he nhỏ của ông Danh giữ chân.
Góc nặn tò he chẳng cầu kỳ bố trí, bày biện nhưng thu hút đám trẻ đến lạ. Kẽ tay ông Danh cắp cái lược nhỏ, một đầu có răng, một đầu vót nhọn; mười ngón tay ông như đang múa với bột màu. Những cục bột nếp trắng, xanh, đỏ, vàng tím dưới tay ông đã biến thành những bông hoa, mâm ngũ quả, con lợn, con trâu, con ngựa, anh bộ đội cầm súng, ông tướng phi ngựa, cầm những cây tre mà ông Danh nói đấy là Thánh Gióng... Quyết và Chiến đứng cùng những đứa trẻ hồn nhiên vừa ngắm, vừa hít hà mùi bột nếp phảng phất hương thơm của đồng quê. Dâng hương ở nhà thờ xong, chú Biên ra chỗ nặn tò he, bảo mỗi đứa chọn một thứ mình thích để chú trả tiền. Chiến chọn em bé thổi sáo trên lưng trâu, Quyết chọn ông Thánh Gióng phi ngựa tay cầm những cây tre đang đuổi giặc Ân.
Sáng mùng hai tết, trò đấu vật diễn ra ở xới vật trước miếu Đệ Nhị. Sau một hồi ba tiếng trống hiệu của ông Lường, anh Lâm phất cờ, anh Hóa và anh Hòa mình trần, đóng khố lá tọa cùng bước ra vòng tròn đã vạch vôi đánh dấu là sới vật. Làm động tác chào khán giả xong, anh Hóa và anh Hòa múa tay co chân, đi đi lại lại rình miếng lẫn nhau rồi xông vào ôm lấy nhau mà vật. Hai bên đều rất hăng. Ông Lường càng thúc trống giục liên hồi. Anh Lâm vừa phất cờ động viên hai đấu thủ vừa la người xem lùi ra, không được lấn vào sới vật. Những miếng đẹp và quyết liệt của hai chàng trai sử dụng như xốc nách, vạch sườn, miếng bò, miếng háng... Bất thần anh chàng Hòa sơ hở tức thì anh chàng Hóa đã cho anh chàng Hòa lấm lưng trắng bụng! Ông Lường gióng hồi trống kết thúc. Anh Lâm giơ cao tay vừa khua cờ vừa nói: “Thế là Hóa thắng Hòa nhá! Ông Lường nổi hồi trống hiệu. Lại tiếp đô vật khác vào sới. Ông Lường lại nổi trống giục. Anh Lâm lại phất cờ”...
Nhiều người vỗ tay khi đôi trai gái nhún mình trên cây đu ở thửa chân mạ đầu làng. Cây đu năm nay 6 cột là 6 cây tre thẳng chắc, chia thành hai thế chân vạc. Ròng rọc và dây đu đều chọn được những cây tre đực đã dẻo dai lại được uốn nắn khéo nên trông vừa chắc chắn vừa đẹp như đã thấy cả quê nhà hiện lên ý nguyện dân gian cầu phồn thực trong đất trời mùa xuân thật đa sắc, đa cảm, đa tình... Đôi trai gái cùng níu dây đu, hướng mặt vào nhau hệt như thơ của Hồ Xuân Hương đã miêu tả: “Trai co gối hạc khom khom cật/ Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng/ Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới/ Hai hàng chân ngọc duỗi song song”... Các ông già mê say trong đám cờ người. Những tướng, những quân mặc quần áo xanh đỏ sặc sỡ; gọn gàng, bước tiến bước lui theo tiếng người rao nước đi điều khiển làm người xem thêm mê mẩn trong sắc nắng xuân. Náo nhiệt nhất vẫn là chỗ “trò kéo co”. Trò “Bắt vịt dưới ao”. Từ trò đánh đáo, chọi cù, chơi ô ăn quan ở người trẻ; thú vui chơi tam cúc, đánh chắn của người già!... đến trò chọi cù của Chiến và Quyết, càng chơi càng say, nét xuân thêm nồng nàn thắm đượm!
Ở sân nhà thờ họ Hoàng, con Mai chơi chi chành với bọn trẻ trong xóm. Con Lài đứng xòe bàn tay ra cho năm sáu đứa khác giơ ngón trỏ của mình đặt vào lòng bàn tay. Con Lài đọc to, dứt khoát và nhanh: Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa/ Con ngựa chết trương/ Ba vương ngũ đế/ Chấp chế đi tìm/ Ù à ù ập. Đọc đến chữ “ập” con Lài nắm bàn tay xòe lại. Mấy đứa rút nhanh ngón tay ra. Con Mai rút tay hơi chậm đã bị con Lài túm được. Thế là đến lượt con Mai xòe bàn tay ra cho mấy đứa đưa ngón trỏ vào và con Mai hát bài đồng dao. Giọng miền Nam của con Mai khác với giọng mấy đứa miền Bắc làm cả bọn cười. Mai ta không nhụt chí, vẫn hát to đến chỗ “ập” bọn trẻ lại rút tay ra, con Hạnh chậm nên Mai nắm được ngón tay trỏ của Hạnh. Thế là đến lượt con Hạnh lại xòe bàn tay ra cho các bạn đặt ngón trỏ vào và Hạnh hát bài đồng dao...
Ngày mùng bốn, gia đình Quyết sắp mâm cơm nhỏ cúng đưa ông vải. Chú Biên nói ý định ngày chủ nhật vợ chồng chú sẽ đưa Mai và Chiến về trường. Bố Quyết đưa bàn tay ra bấm đi bấm lại, lẩm nhẩm tính toán rồi nói với chú Biên nên đưa Mai và Chiến về trường muộn đi một ngày hoặc sớm hơn một ngày vì chủ nhật là ngày mồng bảy. Phải kiêng khởi hành vào ngày mồng bảy.
Tháng 5 năm 1955, chú Biên đến nhận công tác ở Nhà máy nước Thanh Hóa; chú Đồng đến công tác ở Liên hiệp Công đoàn. Năm 1963, chú Biên về miền Nam tham gia quân giải phóng. Chú đã hy sinh anh dũng trong trận đánh chống càn ở Bù Gia Mập, trên thượng nguồn Sông Bé.
***
Ông Quyết bàn với ông Chiến: “Chú ở nhà chơi vài ngày rồi vào sau”. “Em vướng nên không ở được. Nhà em tăng xông phập phù. Các cháu, giờ công việc của chúng nó căng hơn ta ngày xưa nhiều. Chưa kể còn phải đưa đón tụi nhỏ đi học”. “Thế hôm nào đoàn chú bay vô?”. “Ngày mai”. “Chuyến mấy giờ?”. “Chuyến 13 giờ”. “Thế thì để tôi bảo thằng cháu Thắng tối nay đánh xe về, đưa tôi với chú lên thắp hương cho chú Đông. Sáng mai, chú chơi thăm các nhà trong xóm rồi ta ra thăm nhà văn hóa của làng mới hoàn thành dịp xã ta đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, trưng bày những hình ảnh và hiện vật của các giai đoạn phát triển làng xã, có gian nói về quê khi có bộ đội và đồng bào tập kết”. “Vâng. Thế thì còn gì bằng! Ta nhìn lại quá khứ để hiểu thêm cuộc sống ngày nay phát triển, đáng sống như tình ta ngày càng sâu nặng”.
Truyện ngắn của Nguyễn Huy Súc (CTV)
{name} - {time}
-
2025-01-04 19:00:00
[Podcast] Truyện ngắn: Ký ức
-
2025-01-03 15:07:00
Giao thừa ấm áp
-
2024-12-23 07:21:00
Ra mắt tập thơ “Hồ Chí Minh - Người tin ở con người”
Khởi sắc lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Thanh Hóa - nhìn từ các giải thưởng Trung ương
Tác phẩm văn học thiếu nhi kinh điển của Chile Papelucho ra mắt tại Việt Nam
NSND Đặng Thái Sơn: Bố tôi đã trở thành nhà thơ Đặng Đình Hưng của mọi người
100 năm Ngày sinh Nguyễn Đình Thi: Người nghệ sỹ đa tài, nhà văn hóa lớn
Chợ phiên…!
Những người gánh sông trăng: Tập thơ của 6 nữ tác giả kỳ cựu trên văn đàn Việt
Đông lạnh mới nhớ tới xuân...
Vang tiếng chuông ngân...
Bộ đội về làng