Lại Văn Khuông: Văn quan có tài biện thuyết phò tá chúa Nguyễn
Không phải dũng tướng nơi chiến trận, sự nghiệp quan trường cũng không đạt đến vinh hiển tột cùng, vậy nhưng Lại Văn Khuông - một người con của họ Lại ở đất Tống Sơn xưa (nay là huyện Hà Trung) lại nổi tiếng với tài biện thuyết. Cũng nhờ tài năng của mình, ông đã giúp chúa Nguyễn nơi đất phương Nam tránh được việc phải trở lại đất Bắc.
Di tích lịch sử văn hóa Từ đường họ Lại trên đất Yên Dương được tôn tạo khang trang.
Theo các tài liệu còn lưu giữ, Lại Văn Khuông người làng Quang Lãng là dòng dõi của Thái phó Khiêm quốc công Lại Thế Khanh - danh tướng có nhiều công trạng trong sự nghiệp Trung hưng nhà Lê. Ông quê làng Quang Lãng nay thuộc xã Yên Dương (Hà Trung) đã lựa chọn theo chúa Nguyễn vào phương Nam gây dựng cơ nghiệp.
Việc Lại Văn Khuông theo chúa Nguyễn Hoàng vào đất Thuận Hóa, sách Địa chí huyện Hà Trung viết: “Năm Nhâm Thìn (1592) nhà Lê Trung hưng lấy lại được Đông Đô, tháng 5 năm Quý Tỵ, Nguyễn Hoàng đem binh thuyền từ Thuận Hóa ra Đông Đô lạy mừng vua Lê, được tấn phong làm Thái úy Đoan quốc công (có tài liệu viết Đoan Quận công). Sau đó Nguyễn Hoàng về Tống Sơn, Thanh Hóa cáo yết lăng miếu cha mẹ tại núi Thiên Tôn và thăm viếng làng quê Gia Miêu. Chính trong dịp này, Lại Văn Khuông tìm đến yết kiến Đoan quốc công. Thấy Văn Khuông thông thạo chữ nghĩa, ứng đối mau lẹ, Nguyễn Hoàng vui mừng thu nhận, cho làm văn chức trong quân... Nguyễn Hoàng trở về Thuận Hóa, mang theo Lại Văn Khuông”.
Sau khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng qua đời, con trai Nguyễn Phúc Nguyên kế nghiệp, về sau người đời thường gọi ông là Chúa Sãi. Dưới sự trị vì của Chúa Sãi, Đàng Trong mỗi ngày thêm hùng mạnh khiến các nước lân bang như Chiêm Thành, Chân Lạp đều kiêng nể, thần phục. Tuy nhiên, việc Đàng Trong vững mạnh lại khiến Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài không khỏi lo lắng. Vì thế, nhân việc Đàng Trong chậm trễ nộp thuế cho triều đình, chúa Trịnh đã định mang quân vào “hỏi tội”. Bấy giờ, có kẻ dưới trướng chúa Trịnh hiến kế để vua Lê sắc phong cho chúa Nguyễn tước vị và yêu cầu đem quân ra Bắc đánh đuổi tàn dư họ Mạc ở mạn Cao Bằng. Nếu chúa Nguyễn không tuân mệnh thì sẽ có cớ để đem quân vào Nam đánh phạt.
Tuy nhiên, sau khi chúa Nguyễn nhận được sắc phong, quân sư dưới trướng là Đào Duy Từ đã nói: “Đây là họ Trịnh mượn cớ ban sắc mệnh phong chức tước để nhử nhà Chúa. Nếu Chúa nhận sắc mệnh mà không đến thì có cớ trách lỗi. Nếu chúa không nhận sắc mệnh tất họ Trịnh sẽ động binh. Chi bằng hãy tạm nhận cho họ Trịnh không ngờ để lo việc phòng thủ thật vững chắc. Sau đó dùng kế trả lại sắc. Bấy giờ họ tiến quân vào ta đã có lũy cao, hào sâu, chẳng làm gì nổi ta”. Đồng thời, Đào Duy Từ cũng hiến kế: “Xin đúc một mâm đồng hai đáy, giấu sắc chỉ vào trong, trên mâm bày đủ vàng ngọc làm lễ vật tiến dâng họ Trịnh” (sách Địa chí huyện Hà Trung).
Khi Chúa Sãi băn khoăn về việc tìm sứ giả có tài ăn nói, giỏi biện thuyết để ra Đàng Ngoài thì cũng chính Đào Duy Từ tiến cử Lại Văn Khuông - bấy giờ đang giữ việc thư lại trong phủ Chúa để nhận nhiệm vụ.
Về việc Lại Văn Khuông làm sứ giả ra Đàng Ngoài, sách Nhà Nguyễn chín chúa mười ba vua cũng viết: “Chúa sai Lại Văn Khuông làm trưởng đoàn, dẫn một phái đoàn mang phẩm vật ra Bắc tiến cống. Khi khởi hành, Đào Duy Từ gọi riêng Khuông lại dặn kế thi hành. Khuông nhận lệnh cùng phái đoàn ra đi. Đến Thăng Long, phái đoàn được vua Lê, chúa Trịnh tiếp đón nồng hậu. Nhờ tài ăn nói, Lại Văn Khuông đã trả lời khôn khéo các chất vấn mang tính dò hỏi của vua Lê, chúa Trịnh và quần thần”.
Theo các tài liệu còn lưu, khi vua Lê, chúa Trịnh trách việc đã có sắc mệnh đòi nộp thuế để làm lễ vật dâng nhà Minh nhưng chúa Nguyễn không thực hiện, Lại Văn Khuông khéo léo giãi bày: “Sắc mệnh đòi Thuận Hóa nộp voi và thuyền để làm lễ vật cống nhà Minh nhưng từ trước, chưa bao giờ có lệ đem voi và thuyền cống tiến nhà Minh, Thái phó quốc công chúng tôi sợ người truyền lệnh nói không đúng, nên không dám vâng mệnh”.
Về chuyện Chúa Sãi không chịu ra Kinh sư để cùng đi đánh dẹp tàn quân Mạc ở Cao Bằng, Lại Văn Khuông bày tỏ: “Giặc Cao Bằng chỉ là tàn quân họ Mạc, như cá nằm trong chậu, một đạo quân nhỏ của Kinh sư đủ quét sạch, không nên điều quân nơi xa vất vả, tốn kém. Còn Thái phó quốc công tôi vâng mệnh trấn giữ hai xứ Thuận - Quảng, phía Nam Chiêm Thành hay quấy nhiễu, phía Bắc giặc cướp vẫn nổi lên, ngày đêm xiết bao lo nghĩ, sợ không làm tròn bổn phận, nên chẳng dám đi xa”.
Theo tài liệu lưu giữ, văn quan Lại Văn Khuông là dòng dõi võ tướng Lại Thế Khanh ở làng Quang Lãng xưa.
Trước sự hoài nghi của vua Lê, chúa Trịnh về việc chúa Nguyễn ở Đàng Trong đang đốc thúc “Đắp lũy Trường Dục, chia đôi Nam - Bắc, chẳng phải có ý chống lại mệnh vua?”, vị sứ giả họ Lại bình tĩnh: “Thái phó quốc công chúng tôi vâng mệnh giữ cõi, xây thành đắp lũy chẳng qua để ngăn giặc không thể xâm phạm đất đai của vua, chứ không có ý gì khác”. Đồng thời, ông cũng không “quên” khoe “tiềm lực” Đàng Trong, rằng: “Đất Thuận - Quảng không thiếu hào kiệt. Bậc trí dũng song toàn như Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến cũng không ít, quân lính thì một người địch nổi trăm người. Xin chúa công kê cao gối ngủ yên, chẳng phải lo gì”.
Đặc biệt, khi chúa Trịnh có ý coi thường việc chúa Nguyễn ở Đàng Trong trọng dụng “con nhà chèo hát” Đào Duy Từ thì Lại Văn Khuông bình tĩnh mà đáp: “Khuông này nghe nói Lã Vọng vốn là lão câu cá, Hàn Tín nguyên là kẻ xin ăn, thế mà công nghiệp lẫy lừng. Huống chi Đào Duy Từ tuy con nhà chèo hát nhưng thông suốt kinh sử, giỏi thiên văn, thuật số, không điều gì không tường tận, cho nên được xưng tụng là Khổng Minh tái thế cũng không có gì lạ”.
Với tài biện thuyết và ứng đối khéo léo, Lại Văn Khuông đã khiến vua Lê, chúa Trịnh tin tưởng, nhận lễ vật mà không hề hoài nghi, còn quý trọng khoản đãi. Tuy nhiên, một hôm, lợi dụng việc đi thăm thú kinh thành, Lại Văn Khuông đã dẫn sứ đoàn bất ngờ xuống thuyền theo đường sông ra biển để xuôi về Nam. Khi quân Trịnh phát hiện ra thì người đã đi khuất bóng.
Bấy giờ, chúa Trịnh cho người kiểm tra lại lễ vật dâng lên thì mới phát hiện ra mâm đựng lễ hai đáy. Cho là sự lạ, nhà Chúa bèn sai người tách ra thì phát hiện bên trong có một đạo sắc và tờ thư “giãi bày” chỉ với bốn câu nhưng ý tứ khó hiểu. Chúa Trịnh bèn cho mời Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (có tài liệu viết là Thượng thư Lương Hữu Khánh) đến để luận giải. Sau đó mới biết được, ý thơ là “Dư bất thụ sắc”, có nghĩa chúa Nguyễn từ chối việc nhận sắc. Sự việc khiến chúa Trịnh vô cùng giận dữ, cho người đuổi theo nhưng không kịp. Hoàn thành nhiệm vụ được giao, trở về Đàng Trong an toàn, Lại Văn Khuông được chúa Nguyễn trọng thưởng.
Ghé làng Quang Lãng thăm di tích lịch sử Từ đường họ Lại, ông Lại Thế Thiện, Phó Chủ tịch xã Yên Dương cho biết: “Họ Lại là một trong những dòng họ lớn không chỉ ở Yên Dương. Trong đó, Từ đường họ Lại là nhà thờ tổ của con cháu họ Lại trên khắp cả nước. Từ Triệu tổ Lại Thế Tiên, đến các bậc võ tướng Lại Thế Khanh, rồi văn quan Lại Văn Khuông... với tài năng xuất chúng đã ghi danh lịch sử, là niềm tự hào cho hậu thế. Hàng năm, vào ngày 15 tháng Giêng, con cháu dòng họ Lại trong khắp cả nước lại về Từ đường dòng họ để tổ chức lễ hội, tưởng nhớ người xưa...”.
(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong các sách Địa chí huyện Hà Trung; Nhà Nguyễn chín chúa mười ba vua; tài liệu lưu giữ tại di tích Từ đường họ Lại).
Bài và ảnh: Trang Bùi
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2023-12-14 15:40:00
5 phim Việt chiếu rạp có doanh thu nội địa cao nhất năm 2023
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 14-12-2023
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 13-12-2023
Nghệ sĩ kịch câm hàng đầu Việt Nam qua đời
Chương trình Xuân Quê hương năm 2024 sẽ được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 12-12-2023
Phim của Trần Anh Hùng, Phạm Thiên Ân lọt các danh sách phim hay của năm 2023
Kỷ niệm ngày sinh Trần Lập: “Vì những điều tốt đẹp anh đã mang lại cho tất cả mọi người”...
Từ “lú nhú” đến “lú lấp”
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 11-12-2023