(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, lễ hội đã trở thành loại hình văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong đời sống tinh thần và tâm linh trong những ngày đầu xuân năm mới. Phóng viên Báo Thanh Hóa cuối tuần có dịp trao đổi với các ông: Nguyễn Đình Tam, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành; Lê Văn Thơ, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quan Sơn; Lê Văn Tuấn, Trưởng thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy xoay quanh nội dung gìn giữ nét đẹp văn hóa trong lễ hội truyền thống.

Lan tỏa nét đẹp lễ hội truyền thống

Trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, lễ hội đã trở thành loại hình văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong đời sống tinh thần và tâm linh trong những ngày đầu xuân năm mới. Phóng viên Báo Thanh Hóa cuối tuần có dịp trao đổi với các ông: Nguyễn Đình Tam, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành; Lê Văn Thơ, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quan Sơn; Lê Văn Tuấn, Trưởng thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy xoay quanh nội dung gìn giữ nét đẹp văn hóa trong lễ hội truyền thống.

Ông Nguyễn Đình Tam: Phát huy giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội gắn với phát triển du lịch

Lan tỏa nét đẹp lễ hội truyền thống

P.V: Hiện nay, huyện Thạch Thành đã và đang bảo tồn, phát huy giá trị di sản, trong đó có lễ hội truyền thống như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Tam: Thạch Thành là huyện có hệ thống di tích lịch sử phong phú về số lượng và loại hình, với 16 di tích đã được xếp hạng, 46 di tích, địa điểm di tích đã được kiểm kê. Bên cạnh đó, hệ thống di sản văn hóa phi vật thể của Thạch Thành cũng rất đa dạng và độc đáo, mang sắc thái văn hóa của 2 dân tộc Kinh - Mường, với 78 di sản đã được kiểm kê bảo vệ đã tạo dựng nên các giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất và con người Thạch Thành, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, tiến tới xây dựng, hình thành các khu, điểm du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch khám phá, trải nghiệm và du lịch sinh thái… Phát huy truyền thống văn hóa lịch sử, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thạch Thành rất quan tâm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.

P.V: Được biết lễ hội Mường Đòn là lễ hội tiêu biểu của huyện Thạch Thành vào dịp đầu xuân, công tác quản lý và phát huy giá trị lễ hội được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Tam: Lễ hội Mường Đòn, xã Thành Mỹ là lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào dân tộc Mường xã Thành Mỹ nói riêng, huyện Thạch Thành nói chung. Lễ hội được tổ chức vào ngày 18 tháng Giêng hàng năm, tuy nhiên thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lễ hội không được tổ chức. Ngày 30-10-2022, Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL)) phối hợp với Sở VH,TT&DL Thanh Hóa và huyện Thạch Thành đã tổ chức chương trình trình diễn, tái hiện lễ hội Mường Đòn (xã Thành Mỹ) phục vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch. Và, năm 2023, lễ hội mới chính thức được tổ chức trở lại. Hiện nay, địa phương đã và đang tích cực chuẩn bị để lễ hội diễn ra thành công.

Nhằm phát huy giá trị lễ hội, huyện Thạch Thành đang tập trung tuyên truyền, giáo dục truyền thống, tạo sự chuyển biến nhận thức của các ban, ngành, đoàn thể, các cấp về nội dung và ý nghĩa hoạt động lễ hội; chú trọng tuyên truyền các giá trị lịch sử, văn hóa của lễ hội cũng như những quy định của pháp luật có liên quan, kịp thời chỉ đạo và uốn nắn các biểu hiện lệch lạc, làm cho việc tổ chức lễ hội ngày càng văn minh, thực sự trở thành ngày hội văn hóa của Nhân dân, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng lễ hội Mường Đòn thành sản phẩm du lịch. Tổ chức các hoạt động, các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống trong lễ hội để thu hút du khách. Quy hoạch, sắp xếp các dịch vụ, hoạt động vui chơi giải trí hợp lý, tạo điều kiện để Nhân dân địa phương có thêm thu nhập nhưng vẫn bảo đảm tính văn hóa trong các hoạt động này, không để nảy sinh các hiện tượng tiêu cực, đánh mất bản sắc văn hóa và mục đích tốt đẹp của lễ hội. Khai thác tốt các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân đóng góp cho việc giữ gìn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến lễ hội; khuyến khích các nhà đầu tư tu bổ, tôn tạo hệ thống di tích đình Mường Đòn, gồm có đình Thượng, đền Ông, đền Bà - là những địa điểm diễn ra các nghi thức truyền thống của lễ hội để thu hút du khách tới chiêm bái góp phần phát triển du lịch địa phương.

Ông Lê Văn Thơ: Cần nhất là tuyên truyền đến Nhân dân và công tácquản lý lễ hội

Lan tỏa nét đẹp lễ hội truyền thống

P.V: Quan Sơn là huyện vùng cao với nhiều di tích, danh lam thắng cảnh đẹp và những lễ hội tiêu biểu. Hiện nay lễ hội Mường Xia được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với địa phương?

Ông Lê Văn Thơ: Là huyện vùng cao biên giới phía Tây của tỉnh, có 4 dân tộc sinh sống là Thái, Mường, Mông, Kinh, trong đó dân tộc Thái chiếm 80,43%, Quan Sơn là vùng đất đại ngàn rừng xanh với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh như: di tích lịch sử cách mạng cầu Phà Lò; di tích danh thắng động Bo Cúng và nhiều hang động, thác, suối lớn nhỏ; đền thờ Tư Mã Hai Đào; núi Pha Dùa gắn với chuyện tình bi ai nổi tiếng “Chuyện tình Pha Dua”; chợ phiên cửa khẩu quốc tế Na Mèo; điểm du lịch cộng đồng bản Ngàm, xã Sơn Điện; lễ hội Mường Xia.

Để lưu giữ văn hóa truyền thống, trong những năm qua huyện Quan Sơn luôn quan tâm chỉ đạo công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bảo đảm toàn diện, đồng bộ, hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời quảng bá rộng khắp những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa, lịch sử của huyện với bạn bè trong tỉnh cũng như trong nước và quốc tế. Đặc biệt, lễ hội Mường Xia được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia quốc gia có tác động nhiều mặt và có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống xã hội.

Theo kế hoạch, trong 2 ngày 28-2 và 1-3, huyện Quan Sơn sẽ tổ chức lễ công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội truyền thống - lễ hội Mường Xia kết hợp tổ chức lễ hội Mường Xia năm 2023 với quy mô cấp huyện. Thông qua lễ hội góp phần giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, lòng yêu nước, yêu quê hương tự hào dân tộc, xây dựng tình đoàn kết cộng đồng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tín ngưỡng của người dân. Việc tổ chức hiệu quả lễ hội không chỉ bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch mà còn thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Lê Văn Tuấn: Mỗi người dân tham gia cần biết đề cao trách nhiệm vì việc chung, vì cộng đồng

Lan tỏa nét đẹp lễ hội truyền thống

P.V: Làng Lương Ngọc, xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy) được công nhận làng Mường truyền thống của xứ Thanh, hiện nay còn gìn giữ lễ hội khai hạ gắn với suối cá thần Cẩm Lương. Xin ông chia sẻ về vai trò của người dân trong gìn giữ nét đẹp văn hóa trong cộng đồng, lễ hội?

Ông Lê Văn Tuấn: Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia năm 2008 của Bộ VH,TT&DL về việc phục dựng lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số, suối cá thần và động Cây Đăng của làng Lương Ngọc là địa danh độc nhất vô nhị, tạo cho làng trở thành danh thắng, du lịch nổi tiếng và được công nhận khu danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Năm 1993, làng Lương Ngọc được Bộ VH,TT&DL công nhận là làng Mường truyền thống xứ Thanh. Năm 2019, Khu du lịch suối cá Cẩm Lương được Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh năm 2019. Lễ hội khai hạ là lễ hội cổ truyền của làng, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa và giáo dục các thế hệ trẻ. Thời gian qua, làng đã và đang phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với điểm du lịch cấp tỉnh suối cá, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Mỗi người dân tham gia lễ hội luôn biết đề cao trách nhiệm vì việc chung, vì cộng đồng, vì vậy, lễ hội khai hạ chính là điểm đến văn hóa, tín ngưỡng hấp dẫn cho Nhân dân và du khách gần xa. Từ đó, những phong tục, tập quán tốt đẹp trong lễ hội tiếp tục được thực hành, lan tỏa giá trị trong đời sống.

Ngọc Huấn (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]