Làng Cổ Ninh trên đất Thiệu Vân
Trải qua nhiều tên gọi, từ trang Cổ Định đến làng Cổ Ninh thuộc tổng Đại Bối, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Hóa, trấn Thanh Hóa và nay là thôn 5, xã Thiệu Vân (TP Thanh Hóa), song người dân làng Cổ Ninh vẫn giữ được hồn cốt văn hóa, những giá trị truyền thống.
Làng Cổ Ninh xưa, nay đã là thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo gia phả của các dòng họ lớn và lời kể của các vị cao niên trong làng, vào đầu thời Lê có một vị làm quan trong triều được phong là Thái linh thông giám, ông đã có nhiều công trạng được các triều vua phong tới 5 đạo sắc. Khi mãn triều, ông về vùng đất gần núi Đọ, khai hoang lập ấp, tập hợp dân cư rồi lập nên Cổ Định trang. Thuở mới lập làng, Cổ Định có khoảng 60 mẫu ruộng với hình bàn cờ. Số ruộng đất trên được ông công hữu hóa, Nhân dân trong làng được sử dụng canh tác, không được mua bán với chế độ quân cấp 3 năm 1 lần. Đến kỳ quân cấp, người già mất đi phải trả ruộng lại cho làng. Trai làng đến tuổi 18 được cấp mỗi người một phần đất, đủ ruộng cày cấy nuôi sống gia đình.
Hằng năm, ngoài 3 ngày Tết Nguyên đán, làng còn tổ chức các lễ hội như lễ hội đuổi chim cuốc vào ngày mùng 4 tháng giêng, lễ hạ nêu ngày mùng 6 tháng giêng, lễ cầu Yên, cầu Thọ ngày 15 tháng 2, lễ cầu Phúc, lễ chạp Thần... Bên cạnh đó, nhiều trò chơi dân gian như đánh vật, đánh đáo, đu dây, đánh cù, đánh bài tam cúc, đánh tổ tôm... được tổ chức thường xuyên. Đặc biệt trước kia, dịp lễ hội các vị hương ước còn mời gánh hát về nhà tổ chức hát cô đầu, hay đào kép.
Làng có một ngôi đình (nghè) được xây dựng ở vị trí giữa làng, đình thờ thành hoàng làng và thờ thập nhị gia tiên. Đồng thời, đình làng còn là nơi diễn ra mọi hoạt động văn hóa, lễ hội và trở thành trung tâm văn hóa tinh thần của người dân trong làng.
Nằm ở trung tâm của đồng bằng sông Chu, sông Mã, bên cạnh những thuận lợi được thiên nhiên ban tặng đất đai màu mỡ phì nhiêu thì Nhân dân trong xã nói chung, Cổ Ninh nói riêng thường xuyên phải chống chọi với thiên tai, bão lũ. Nhưng nhờ sự cần cù, chịu thương, chịu khó..., họ đã trồng lúa nước, còn có thêm các nghề phụ như chăn nuôi, mộc, nề...
Cổng làng Cổ Ninh.
Khai trương xây dựng làng văn hóa khá sớm, từ năm 2001. Song phải 9 năm sau (năm 2010), làng mới vinh dự được công nhận làng văn hóa cấp huyện, đặc biệt đền thờ Thành hoàng làng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Sách “Thanh Hóa chư thần lục” chép về hành trạng bí ẩn của Thái linh thông giám. Lý giải về điều này, các nhà nghiên cứu cũng như người dân Cổ Ninh cho rằng: Bởi phải đối mặt với nhiều khó khăn, tàn phá của thiên nhiên, mà người dân luôn mong muốn có vị thần tài trí, đầy sức mạnh phù trợ cho cuộc sống còn nhiều gian truân của mình đồng thời giúp giữ yên bờ cõi. Vì thế, từ một vị thần có công lập ấp, lập làng, người dân đã hư cấu, tưởng tượng cho vị thần của làng mình theo phẩm cách “linh thông”, cao đẹp của một nhân vật huyền thoại.
Đền Cổ Ninh được xây dựng khoảng thế kỷ XVIII là nơi thờ vị thần Cao Minh hiển ứng, một vị thần có tài, tinh thông văn võ, được phong làm tướng quân giúp vua đánh quân Thục, sau hóa (mất) ở núi Tản Viên. Điều này cũng đã được ghi trong các sắc phong được ban các năm 1783, 1880, 1909.
Cùng với thời gian và sự thăng trầm của lịch sử, có những giai đoạn đền bị đập phá hoặc sử dụng vào các mục đích khác. Thậm chí 3 chiếc sắc phong có thời kỳ cũng bị “đánh cắp”. Đến năm 2000, do nhu cầu về tín ngưỡng văn hóa tâm linh, Nhân dân địa phương đã đóng góp xây lại trên vị trí cũ để làm nơi thờ Thành hoàng làng. Trước kia có kiến trúc chữ đinh, gồm một nhà tiền đường 3 gian và hậu cung, đền hiện nay kết cấu đơn giản hơn nằm trên không gian cũng hẹp hơn. Tuy nhiên với sự bố trí hợp lý và tương đối đầy đủ ý nghĩa của một đền thờ thành hoàng làng, đền Cổ Ninh là nơi bà con gửi gắm niềm tin tâm linh.
Một góc đền Cổ Ninh, di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Tự hào nói với chúng tôi ông Hoàng Huy Chung, Chủ tịch UBND xã Thiệu Vân (TP Thanh Hóa), cho biết: Thật hiếm có vùng đất nào chỉ với diện tích đất tự nhiên 369,3ha, nhưng đã có tới 4 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và 1 di tích lịch sử cấp quốc gia. Chúng tôi tự hào trên đất này có hình ảnh vết chân tiên gắn với những câu chuyện huyền thoại về nơi cư trú của người nguyên thủy, về núi Đọ kỳ vĩ. Ngoài ra, các di tích như: Từ đường dòng họ Nguyễn Hữu: Tướng quân Nguyễn Hiển tại thôn 3; đền Hiền Lâm ở thôn 4; bia chùa Báo Ân thôn 6 và đền thờ Cổ Ninh thôn 5 là những di tích danh thắng, lịch sử vẫn còn được bảo tồn khá nguyên vẹn. Nhân dân trong xã, từ thế hệ này tiếp nối thế hệ khác đều có ý thức bảo vệ, gìn giữ, nhằm giáo dục truyền thống để các thế hệ con cháu giữ mãi tinh thần yêu nước và tự tôn dân tộc.
Tiếp nối truyền thống yêu nước của cha ông, trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền xã Thiệu Vân luôn xác định được vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” mà tập trung là xây dựng kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Thanh Hóa và Đảng bộ xã Thiệu Vân lần thứ XXI.
Bài và ảnh: HUYỀN CHI
{name} - {time}
-
2024-11-22 12:16:00
Trải nghiệm tour 3 ngày 2 đêm ở Thanh Hóa
-
2024-11-22 10:39:00
Ðất làng Hậu Trạch
-
2024-09-04 10:05:00
Du lịch nghỉ lễ 2/9: Những tín hiệu tích cực từ thị trường trên cả nước
Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông xếp thứ 2 toàn tỉnh về lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng
Biển Hải Tiến đón 57.600 lượt khách du lịch dịp nghỉ lễ Quốc khánh
Sầm Sơn thu hút khách du lịch dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9
Những làng quê cách mạng xứ Thanh ngày ấy và bây giờ: Từ đường họ Tăng nơi hoạt động bí mật của các chiến sĩ cách mạng
Những làng quê cách mạng xứ Thanh ngày ấy và bây giờ: Trong hang núi Chõ nghe chuyện Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương
Bến En - Điểm hẹn lý tưởng cho kỳ nghỉ lễ
Những làng quê cách mạng xứ Thanh ngày ấy và bây giờ: Cự Đà - Nơi “gieo” những “hạt giống” cách mạng đầu tiên
Du khách Việt Nam muốn quay lại quốc gia nào trên thế giới?
Lượng hành khách quốc tế qua các cảng hàng không tăng trưởng mạnh