Những làng quê cách mạng xứ Thanh ngày ấy và bây giờ: Từ đường họ Tăng nơi hoạt động bí mật của các chiến sĩ cách mạng
Nằm bên hữu ngạn sông Lèn, vùng quê cách mạng xã Hưng Lộc (Hậu Lộc) hôm nay đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Bởi người dân nơi đây một lòng theo cách mạng nên trong thời kỳ các phong trào đấu tranh cách mạng của tỉnh đang phải hoạt động bí mật, Hưng Lộc được chọn làm nơi nuôi giấu, che chở các cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Những ngày đó, dòng họ Tăng đã lấy cả Từ đường Nhà thờ họ để làm nơi hoạt động bí mật của các cán bộ, chiến sĩ cách mạng.
Di tích lịch sử cách mạng Nhà thờ họ Tăng, thôn Hưng Phú.
Con đường nhựa trải dài xen giữa những ruộng lúa hè - thu đang vào kỳ nặng hạt, đưa chúng tôi về xã Hưng Lộc - vùng ATK thời phản đế cứu quốc của huyện Hậu Lộc. Những ngày này, Hưng Lộc rộn rã, vui tươi trong sắc đỏ của cờ Tổ quốc, cờ Đảng. Nhà thờ họ Tăng mộc mạc, nép mình trong con ngõ nhỏ thôn Hưng Phú.
Ông Tăng Văn Yến và ông Tăng Văn Dưỡng tìm lại thơ và lưu bút của các chiến sĩ cách mạng từng ở, hoạt động bí mật tại nhà thờ.
Ông Tăng Văn Yến, thành viên Ban Gia tộc họ Tăng, đang tranh thủ dọn dẹp khuôn viên Nhà thờ họ để đón chào Quốc khánh 2/9. Trong Từ đường Nhà thờ họ không còn truyền đơn, không in báo và viết tài liệu nữa. Nhưng vẫn còn dấu tích cửa hầm bí mật thông ra bãi tha ma và những vần thơ, lưu bút của các cán bộ, chiến sĩ cách mạng từng ở tại đây. Từng ấy, đủ gợi lại những câu chuyện về thời gian hoạt động bí mật của các cán bộ, chiến sĩ cách mạng trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt trên mảnh đất Hưng Lộc.
Lối thoát hiểm dẫn ra nghĩa trang dòng họ Tăng được các cán bộ, chiến sĩ cách mạng sử dụng khi có động tĩnh.
Trong khuôn viên nhà thờ có một am thờ dành riêng cho 9 liệt sỹ là con em của dòng họ. Trong đó, 4 người hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và 5 người hy sinh trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Mỗi lần dâng hương cho tổ tiên, các thành viên dòng họ sẽ dâng hương cho các liệt sỹ. Đó là một cách để tri ân, xây đắp niềm tự hào truyền thống và nhắc nhở cháu con ghi nhớ công lao và sự hy sinh của các thế hệ cha anh.
Nghĩa trang dòng họ Tăng nằm bên hông Nhà thờ họ và thông với khu đồng hoang của xã Hưng Lộc.
Lịch sử Đảng bộ huyện Hậu Lộc có ghi, tháng 9/1941, Chiến khu du kích Ngọc Trạo (Thạch Thành) bị vỡ, giặc Pháp vây lùng, bắt bớ các chiến sĩ cách mạng và cơ quan bí mật của Tỉnh ủy Thanh Hoá. Ban Chấp hành Tỉnh ủy lâm thời phần đông là các chiến sĩ cách mạng vượt nhà lao từ Đắk Lắk, Kon Tum và Chiến Khu du kích Ngọc Trạo về, được Trung ương chỉ định thành lập Tỉnh ủy lâm thời từ năm 1942 đến năm 1945. Ban Chấp hành Tỉnh ủy lâm thời gồm các đồng chí Lê Tất Đắc (Bí thư), Tố Hữu, Trịnh Ngọc Điệt, Đinh Chương Lân, Hoàng Tiến Trình, Hoàng Xung Phong, Đặng Văn Hỷ... Đồng chí Tố Hữu được phân công làm Tổng Biên tập, viết và in báo “Đuổi giặc nước”. Sau khi họp bàn, Tỉnh ủy đã quyết định chuyển nơi hoạt động và cơ quan in báo về các huyện vùng biển như: Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa để tránh sự truy lùng, vây bắt của địch.
Bằng có công với nước tặng gia đình ông Tăng Khắc Trung và em gái Tăng Thị Hiểu.
Tại Hậu Lộc, một trong những địa chỉ nuôi giấu cán bộ cách mạng thời kỳ ấy là Nhà thờ họ Tăng. Nơi đây là địa điểm bí mật, an toàn cho việc trú ẩn, cất giấu vũ khí, tài liệu, tổ chức họp xây dựng phong trào cách mạng cứu quốc. Thời kỳ này, con cháu gia tộc họ Tăng và rất nhiều gia đình ở xã Hưng Lộc không quản gian khó, đóng góp của cải, vật chất, giúp cán bộ mua lương thực, súng đạn. Nhiều quần chúng đã trở thành cán bộ giao liên, dũng cảm mang giấu truyền đơn khắp các chợ Hôm, Mành, Vích, Nghè, Choàng... để tuyên truyền cách mạng. Ghi nhận công lao của con cháu dòng họ Tăng đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, năm 1991, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định xếp hạng Nhà thờ họ Tăng là “Địa điểm di tích lịch sử cách mạng”. Đến năm 1997, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng có công với nước cho gia đình ông Tăng Khắc Trung và em gái Tăng Thị Hiểu, vì đã nêu cao tinh thần yêu nước, tích cực giúp đỡ và bảo vệ cách mạng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám.
Trong từ đường dòng họ Tăng có một ban riêng để thờ các liệt sỹ hy sinh vì Tổ quốc.
Cùng với con em dòng họ Tăng, trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, Nhân dân xã Hưng Lộc luôn đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, đẩy mạnh các phong trào yêu nước, lao động sản xuất, kiến thiết kinh tế - xã hội; tích cực đóng góp sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến, góp phần vào lịch sử giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ghi nhận những đóng góp đó, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng Đảng bộ và Nhân xã Hưng Lộc danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Truyền thống cách mạng là sức mạnh nội sinh để xã Hưng Lộc phát huy cho công cuộc đổi mới và xây dựng quê hương. Từ một xã thuần nông vùng bãi ngang, bằng nội lực, Hưng Lộc đã “về đích” nông thôn mới nâng cao vào năm 2020. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương tiếp tục chung sức, đồng lòng đưa Hưng Lộc đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.
Sải bước trên mảnh đất Hưng Lộc hôm nay, chúng tôi cảm nhận một luồng gió mới, một sức mạnh mới từ làng trên, xóm dưới. Các tuyến đường liên xã, liên thôn ngày nào nắng bụi, mưa lầy thì nay được rải nhựa, bê tông kiên cố, công sở, trường học, nhà văn hóa thôn, kênh mương nội đồng... được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị cùng vào cuộc vận động Nhân dân chung tay làm đường hoa, tạo cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp. Tất cả vẽ lên một bức tranh nông thôn mới nâng cao ở Hưng Lộc với những gam màu tươi sáng.
Các tuyến đường liên xã, liên thôn ngày nào nắng bụi, mưa lầy thì nay được rải nhựa, bê tông.
Không chỉ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, xã Hưng Lộc còn chú trọng xây dựng các công trình văn hóa, thể thao để nâng cao đời sống tinh thần, rèn luyện sức khỏe cho Nhân dân. Đồng thời, trùng tu tôn tạo và bảo vệ các di tích, xây dựng phòng truyền thống, nhằm góp phần giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Bộ mặt nông thôn mới nâng cao của xã Hưng Lộc.
Hưng Lộc là địa phương nằm trong phạm vi Quy hoạch Đô thị ven biển Diêm Phố của huyện Hậu Lộc đã được UBND tỉnh phê duyệt. Vì vậy, cùng với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, cấp ủy, chính quyền xã cần tập trung thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai và trật tự xây dựng để đáp ứng yêu cầu phát triển Đô thị Diêm Phố trong tương lai.
Chia tay vùng quê cách mạng Hưng Lộc khi mặt trời đang dần khuất sau những mái ngói nhấp nhô. Những em học sinh đang tíu tít chuẩn bị cho ngày khai trường. Niềm vui đang hiện trên từng gương mặt, ánh mắt của người dân xã bãi ngang này.
Tăng Thúy
{name} - {time}
-
2024-11-17 11:58:00
Đổi thay trên đất Quý hương nhà Nguyễn
-
2024-11-15 09:41:00
Về đền Thổ Khối nghe chuyện dân gian
-
2024-09-01 07:31:00
Những làng quê cách mạng xứ Thanh ngày ấy và bây giờ: Trong hang núi Chõ nghe chuyện Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương
Bến En - Điểm hẹn lý tưởng cho kỳ nghỉ lễ
Những làng quê cách mạng xứ Thanh ngày ấy và bây giờ: Cự Đà - Nơi “gieo” những “hạt giống” cách mạng đầu tiên
Du khách Việt Nam muốn quay lại quốc gia nào trên thế giới?
Lượng hành khách quốc tế qua các cảng hàng không tăng trưởng mạnh
Bá Thước thu hút đầu tư vào du lịch
Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản Địa chất Quốc tế
Khám phá điểm du lịch tham quan trải nghiệm Lê Gia tại xã Hoằng Phụ
Những làng quê cách mạng xứ Thanh ngày ấy và bây giờ: Về làng quê cách mạng Yên Lộ
UBND tỉnh công nhận nhà thùng và cơ sở sản xuất mắm Lê Gia là điểm du lịch tham quan