(vhds.baothanhhoa.vn) - Người Khơ Mú là một trong bảy dân tộc sinh sống trên địa bàn miền núi cao tỉnh Thanh Hóa. Địa bàn cư trú chủ yếu tập trung ở hai bản: Bản Lách, xã Mường Chanh và bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn. Trong cuộc sống và sinh hoạt, đồng bào vẫn còn lưu giữ và thực hành nhiều loại hình văn hóa dân gian đặc sắc, trong đó lễ đón mẹ lúa - phản ánh tín ngưỡng nông nghiệp là nghi lễ độc đáo và tiêu biểu.

Lễ đón mẹ lúa của đồng bào Khơ Mú huyện Mường Lát

Người Khơ Mú là một trong bảy dân tộc sinh sống trên địa bàn miền núi cao tỉnh Thanh Hóa. Địa bàn cư trú chủ yếu tập trung ở hai bản: Bản Lách, xã Mường Chanh và bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn. Trong cuộc sống và sinh hoạt, đồng bào vẫn còn lưu giữ và thực hành nhiều loại hình văn hóa dân gian đặc sắc, trong đó lễ đón mẹ lúa - phản ánh tín ngưỡng nông nghiệp là nghi lễ độc đáo và tiêu biểu.

Lễ đón mẹ lúa của đồng bào Khơ Mú huyện Mường Lát

Lễ vật dâng cúng Mẹ Lúa của đồng bào Khơ Mú. Ảnh: Hoàng Minh Tường

Theo truyền thuyết mà đồng bào Khơ Mú: Mẹ lúa có tên là H”Ngo - thiếu nữ xinh đẹp của bản làng. Xa xưa khi con người còn chưa tìm ra được giống lúa, cuộc sống rất đói khổ, khó khăn, họ phải phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Để có giống lúa nuôi sống con người, nàng H”Ngo đã tự nguyện hiến dâng mình cho thần Vắt để đổi lấy giống lúa cho dân bản. Theo lời chỉ dẫn của nàng, họ không đem những hạt lúa quý giá đó để ăn ngay mà đem gieo trồng trên nương rẫy cho lúa tốt như rừng và kể từ ngày đó dân làng đã có đủ gạo ăn không phải đi lang thang tìm cái ăn nữa. Nhớ ơn người con gái đẹp đẽ, nết na của bản, dân làng lấy tên nàng đặt cho hạt quý này. Hạt lúa tiếng Khơ Mú gọi là H”Ngo - nàng lúa. Hàng năm, vào đầu mùa thu hoạch lúa, bản mường chọn những bông lúa lớn nhất, hạt mẩy và thơm nhất để dâng cúng hồn nàng lúa. Người Khơ Mú ở các bản Lách, Đoàn Kết gọi H”Ngo là mẹ lúa.

Theo nông lịch Khơ Mú, chu trình sản xuất trong năm đó là: tháng giêng nghỉ ngơi và ăn tết; tháng hai, tháng ba phát nương; tháng tư trồng sắn, ngô, bầu, bí; tháng năm phát nương, trồng lúa; tháng sáu trồng lúa sớm, làm lễ tra hạt; tháng bảy trồng lúa nước; tháng tám làm cỏ lúa; tháng chín làm ruộng nước, làm cỏ lúa nương; tháng mười làm lễ đón mẹ lúa; tháng mười một, mười hai thu hoạch lúa, nghỉ ngơi và chuẩn bị đón tết.

Lễ đón mẹ lúa là nghi lễ phản ánh tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp canh tác lúa nương và lúa rẫy. Tín ngưỡng này đã được người Khơ Mú truyền từ đời này sang đời khác, biểu hiện sự biết ơn tự nhiên và con người đã có công tìm ra giống cây trồng đem đến cho họ cuộc sống no đủ. Lễ đón mẹ lúa được người Khơ Mú ở hai bản Lách và Đoàn Kết duy trì và trở thành ngày hội không chỉ của mỗi nhà, mỗi dòng họ mà còn là lễ tục của cả cộng đồng các chòm bản.

Lễ đón mẹ lúa có ba bước, mỗi bước tương ứng với từng thời kỳ sinh trưởng và mùa vụ của cây lúa. Lễ này có ba lễ nhỏ đó là: Lễ cơm mới - mà mà âm mệ. Lễ thu lượm lúa mới - đương ngọ mệ. Lễ cúng hồn lúa - teng mạ hngọ.

Lễ cơm mới được tiến hành vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch khi lúa nếp ở trên nương bắt đầu chín. Vào thời điểm này chủ nhà chọn ngày tốt để lên nương ngắt lúa. Trong khi ngắt lúa không được dùng liềm - công cụ bằng sắt để thu hái mà tuốt lúa phải dùng bằng tay. Sau khi lúa tuốt từng bông cho vào giỏ và đổ đầy eng (gùi đan bằng mây có dây đeo qua trán) mang về, lúa được ủ cho chín thơm rồi bỏ vào cối giã, đồ thành cơm nếp. Tiếp đó cho cám gạo và các công cụ như dao, liềm, cuốc... vào một cái mẹt đan bằng cây giang để dâng cúng. Người Khơ Mú cho rằng công cụ lao động đã giúp họ làm ra lúa, vì vậy phải tạ ơn mưa cuốc, mưa dao trước. Khi các lễ vật đã sắp xong, chủ nhà khấn: “Hôm nay là ngày đón lúa mới về, ta có lời tạ ơn mưa cuốc, mưa dao giúp công, giúp sức cho người có được vụ lúa tốt tươi, mời mưa cuốc, mưa dao ăn trước. Được ăn đầy đủ rồi giúp cho mọi người sức khỏe, cầm cái cuốc, con dao cho chắc, phát được nhiều cây rừng, có nhiều đất để làm được nhiều lúa tốt, bông sai, tránh thú dữ và mưa rừng quấy phá, không có mưa lũ, nắng hạn làm cây lúa héo chết rũ, không nên bông, nên hạt...”.

Trong những ngày tuốt lúa làm lễ ăn cơm mới, người Khơ Mú thường kiêng kỵ vào các ngày lẻ, mà thường tiến hành vào ngày chẵn, đầu tháng, làm dấu “ta leo” trước cổng để cho mọi người biết mà không ghé vào.

Khi xôi được đồ chín, chủ nhà dỡ xôi từ chõ gỗ đơm vào hai cái ép đan bằng giang để đặt lên bàn thờ vừa cúng tổ tiên - vía những người đã khuất, vừa cúng vía những người sống. Ngoài cơm xôi, còn có thịt gà, thịt lợn, một quả trứng, một bát ớt... rồi đặt trước bàn thờ mưa nhà, chủ lễ khấn: “Hôm nay ngày lành tháng tốt con có lúa mới, cơm mới mời bố mẹ ăn; mời bố mẹ về ăn cơm để mùa sau lúa tốt thu được nhiều lúa hơn lại dâng lên bố mẹ...”. Cúng xong, gia chủ hạ mâm cơm cúng rồi mọi thành viên trong gia đình ăn uống vui vẻ.

Tiếp sau lễ cơm mới, khi lúa trên nương chín rộ, gia chủ chọn ngày tốt thu hoạch lúa. Trong lễ thu hoạch lúa mới, chủ nhà nhờ hai người thay mặt mình để sắm vai “mẹ chính” và “mẹ phụ” đứng ngang hàng với mẹ lúa, họ chọn rẫy lúa tốt nhất trong số những nương rẫy canh tác để làm lễ. Trước khi thu hoạch, gia chủ làm một ngôi nhà nhỏ ở giữa nương. Trong ngôi nhà có đặt một chĩnh rượu cần và một chiếc bồ đan bằng mây tre để cúng Mưa Nương. Trên nương có hai lối đi: lối đi chính ven nương để cho những người vào nương thu hoạch lúa, lối phụ để đi vào nhà. Cổng vào nhà nương có hàng rào tre, người ta gài lên một vài bông lúa. Dưới cột tre có một máng thóc nhỏ, không cho mưa lạ và các loại mưa thú bốn chân vào phá hoại nương lúa. Nếu có đến nương lúa gặp máng thóc, dừng ở đó mà ăn rồi quay ra, không phá hoại nương rẫy.

Vào lúc thu hoạch mẹ chính và mẹ phụ sẽ đi theo đường chính vào tuốt lúa. Lúa tuốt được gom vào bồ tre. Trong một hai ngày đầu việc tuốt lúa chỉ có mẹ chính và mẹ phụ đảm nhiệm, sang ngày sau những thành viên của chủ nương rẫy mới ra phụ giúp việc thu hoạch. Lúa được tuốt và gùi về nhà ở trong bản. Riêng bồ lúa và chĩnh rượu cần đặt trong nhà nương vẫn để lại. Trong những ngày thu hoạch chỉ có mẹ chính và mẹ phụ mới được ăn nghỉ trong nhà nương, còn mọi người khác không được ở lại nhà này. Ngủ lại nhà nương mẹ chính và mẹ phụ phải nằm cách biệt, họ không được nói tên các con vật mà phải nói chệch đi. Nếu như gọi hổ phải gọi là vằn, gọi mèo là meo... và không được nói tục. Sau khi lúa trên nương đã gùi về nhà, mẹ chính và mẹ phụ mời tất cả những người tuốt lúa vào ngôi nhà nương để uống rượu. Trước khi vào cuộc mẹ chính và mẹ phụ dùng dây buộc chĩnh rượu vào cột nhà nương, tiếp đó dùng chiếc sừng trâu cắm vào chĩnh rượu để lấy một ít rượu đem ra máng lúa dâng thần đất và các mưa lạ uống trước để khỏi quấy nhiễu, tiếp đó mọi người lần lượt vào uống. Khi rượu đã mềm môi, mọi người đã no say, cũng là lúc lời hát gọi hồn vía lúa cất lên: Vía lúa đang ngủ ở đâu/ Đang ngủ hay đi lang thang/ Hãy tìm về với chủ/ Đừng ngủ trên suối, trên hang/ Đường về có gặp con mang, đừng sợ/ Gặp diều hâu, đừng bỏ đi/ Hãy trở về đây mẹ lúa/ Mẹ lúa làm nhà đẹp/ Có buồng cho lúa ở/ Có nệm đẹp lúa nằm/ Hồn lúa ở đâu hãy về...

Mọi người lắng nghe lời lĩnh xướng của người gọi hồn vía lúa, rồi tất cả đồng thanh hát phụ theo “Hồn lúa ở đâu hãy về, hãy về...”.

Sau khi bài hát gọi hồn vía lúa kết thúc, kể từ ấy việc thu hoạch lúa trên nương hoàn tất. Khi việc thu hoạch xong thì cổng tre, máng thóc mới dỡ bỏ, mọi việc kiêng kỵ chấm dứt, người lạ hoặc trâu bò mới được vào nương.

Sau lễ thu lượm lúa mới, tiếp đến là lễ cúng hồn lúa - nghi lễ cuối trong lễ tục đón mẹ lúa. Lễ cúng hồn lúa diễn ra vào tháng 12 âm lịch khi tết nguyên đán đến gần. Để tiến hành nghi lễ, đầu tiên chủ nhà đem chùm lúa nếp ở trên mái nhà xuống treo vào vách bếp gần bàn thờ mưa nhà rồi khấn: “Lúa trên nương trên rẫy đã về nhà hết cả rồi, con bò con trâu sau một mùa kéo cày cũng đã ngơi nghỉ, lúa còn ở những nơi đâu hãy về đây với mẹ...”. Khấn xong, chủ lễ lấy bí đỏ, bí đao, khoai sọ... đã được nấu chín đặt lên bếp cúng, tiếp đó bắt một con gà mái tơ màu vàng, chặt lấy mỏ. Chủ lễ ấn mỏ gà vào quả bí, quả bầu rồi khấn rằng: “Chủ nhà tôi có con gà béo, gà đẹp mời hồn lúa, hồn cây quả... hãy về ăn cho no cho khỏe, mùa sau cho người nhiều củ quả, lúa trên rẫy, lúa ngoài nương bông sai hạt mẩy...”, sau đó lại chấm mỏ con gà vào gối con trâu, con bò với lòng biết ơn và mong muốn trâu bò béo tốt giúp con người làm ra nhiều lúa và hoa màu. Tiếp đó hướng về những thành viên trong gia đình, bắt đầu từ người con trai út chủ nhà mang con gà lên gần bếp để cúng và chấm mỏ gà vào đầu gối của người con trai này và nói: “Bố mẹ cho con út ăn để con út có sức khỏe dẻo dai cường tráng, sống tốt với bà con dân bản” và sau cùng chấm huyết gà cho mọi thành viên trong gia đình. Kết thúc nghi lễ này chủ nhà làm thịt ngay con gà tại cửa bếp, lấy tim gan luộc chín để cúng mưa nhà, rồi khấn: “Nhờ có tổ tiên ông bà đã cho giống lúa tốt, cho con cháu có lúa đầy gùi, đầy bồ, hôm nay gia chủ làm thịt gà, mời tổ tiên ông bà về cùng ăn...”.

Trong khi chủ lễ khấn, tất cả thành viên trong gia đình đều ngồi quây quần quanh bếp và hướng vào bàn thờ mưa nhà, vừa cúng chủ lễ vừa quay sang từng người con và gọi vía: “Ông bà, cha mẹ đã cho các con một vụ mùa tươi tốt, lúa đầy rẫy, đầy nhà. Các con hãy ăn no để cho thật khỏe, làm rẫy rẫy tốt, làm nương lúa nhiều, có dư sức khỏe, có nhiều thóc lúa nuôi sống gia đình”. Kết thúc làm vía chủ nhà gọi con cháu ngồi lại bên nhau cùng uống rượu cần, ăn thịt gà, củ quả. Trong lúc ăn uống vui vẻ, các thành viên trong gia đình vừa lấy bầu bí, củ quả bôi lên người nhau. Họ quan niệm người nào được bôi nhiều sẽ gặp được nhiều điều may mắn, hạnh phúc trong cuộc sống.

Lễ đón mẹ lúa là nghi lễ cổ truyền phản ánh tín ngưỡng thờ cúng cây trồng của cư dân nông nghiệp ruộng rẫy, phản ánh nhận thức của họ đối với chu trình sinh trưởng của cây lúa. Nghi lễ thờ mẹ lúa, gọi hồn mẹ lúa cũng thể hiện tục thờ mẫu của cư dân nông nghiệp ở thời kỳ mẫu hệ. Lễ đón mẹ lúa biểu thị sự biết ơn của mỗi người và cư dân trồng trọt ruộng rẫy đối với nàng H”Ngo - mẹ lúa đã hiến cả tuổi thanh xuân vì cuộc sống của mọi người. Cây lúa và mùa màng bội thu đã cho họ nguồn lương thực dồi dào để duy trì cuộc sống. Thông qua các nghi lễ cho thấy người Khơ Mú không chỉ tôn sùng mẹ lúa, hạt giống, cây trồng mà còn thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn của họ đối với những con vật, công cụ lao động... đã giúp họ tác động vào tự nhiên, giảm bớt công sức lao động, làm ra nhiều sản phẩm lương thực.

Lễ đón mẹ lúa của đồng bào Khơ Mú huyện Mường Lát bao hàm nhiều giá trị văn hóa đặc sắc và độc đáo. Việc sưu tầm, bảo lưu những giá trị văn hóa của đồng bào Khơ Mú cần được dày công nghiên cứu, phát huy tốt hơn nữa, góp phần làm cho văn hóa và bức khảm tộc người của cộng đồng các dân tộc anh em sống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ngày càng phát huy giá trị, tỏa lan, phục vụ cuộc sống và phát triển du lịch.

Hoàng Minh Tường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]