(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể hết sức phong phú, đa dạng của xứ Thanh, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn có vị trí rất đặc biệt. Sự đặc biệt này xuất phát từ chính uy danh và công lao to lớn của nhân vật được thờ phụng đối với lịch sử dân tộc: Hoàng đế Lê Đại Hành. Cũng bởi vậy mà Lễ hội đền thờ Lê Hoàn từ xưa đã trở thành một sinh hoạt văn hóa long trọng, góp phần vun đắp các giá trị đẹp cho một nền văn hóa giàu bản sắc và tính nhân văn.

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn: Di sản văn hóa phi vật thể giàu giá trị

Trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể hết sức phong phú, đa dạng của xứ Thanh, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn có vị trí rất đặc biệt. Sự đặc biệt này xuất phát từ chính uy danh và công lao to lớn của nhân vật được thờ phụng đối với lịch sử dân tộc: Hoàng đế Lê Đại Hành. Cũng bởi vậy mà Lễ hội đền thờ Lê Hoàn từ xưa đã trở thành một sinh hoạt văn hóa long trọng, góp phần vun đắp các giá trị đẹp cho một nền văn hóa giàu bản sắc và tính nhân văn.

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn: Di sản văn hóa phi vật thể giàu giá trịNghi thức tế lễ trong Lễ hội đền thờ Lê Hoàn.

Bàn về công lao của vua Lê Đại Hành, văn bia trong đền thờ ông tại làng Trung Lập (xã Xuân Lập, Thọ Xuân) có đoạn: “Xét nay thắng cảnh huyện Thụy Nguyên tỉnh Thanh Hóa, xưa kia đứng đầu cả nước, núi sông kỳ tú, khí lành tốt tươi sinh ra đức vua Đại Hành, mặt rồng như vua Tống, vẻ phượng tựa vua Đường, hợp với điềm lành nhà Lê sinh chúa, càng sáng tỏ điềm tốt bà Đặng Thị mộng thấy hoa sen. Phò ấu chúa nắm uy quyền mười đạo, nhận mệnh trời hợp lòng người suy tôn, vỗ về kẻ hoạn nạn, làm nên vinh dự lớn. Nắm vững mệnh trời, mở mang đất quý. Bắt vua Chiêm Thành để rửa mối nhục sứ thần bị bắt giữ. Đánh bại quân Tống để đập tan mưu đồ chắc thắng của chúng, trong nước yên vui, các dân tộc ít người đều quy thuận. Nhà Tống phong là Nam bình vương, trị vì 24 năm, thọ 64 tuổi (...) Điều đáng nêu khen! Nhà vua công đức rộng lớn, ân trạch thịnh dày, dân trong bốn biển tưởng nhớ sâu sắc, bèn lập đền thờ ở quê nhà, để bốn mùa hưởng sự báo đền của thiên hạ. Trống chiêng bày nơi đền miếu ngày nay, cờ quạt vẫn như trấn giữ chốn cung điện thuở trước, linh hồn nhà vua lên xuống nơi tả hữu thượng đế có linh thiêng rõ rệt”.

Mùa xuân, tháng 3 năm 1005, vua Lê Đại Hành băng hà ở điện Trường Xuân (kinh đô Hoa Lư). Trên mảnh đất quê hương ông, làng Trung Lập, Nhân dân đã lập đền thờ để tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của nhân vật lịch sử này. Đồng thời, tổ chức lễ hội nhằm ngày húy kỵ nhà vua (chính hội nhằm ngày 8-3 âm lịch), tại đền thờ Lê Hoàn. Vì vị thế đặc biệt của nhân vật được thờ phụng, nên lễ hội thường diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 7 đến 9-3 âm lịch (trong đó, ngày 7-3 tổ chức tế cáo kỵ, ngày 8-3 tế chính kỵ và ngày 9-3 tế tạ lễ). Xưa kia, lễ hội diễn ra vào những năm chẵn sẽ tổ chức quốc lễ, do quan viên triều đình và của tỉnh làm chủ tế, với các nghi thức đậm tính cung đình trang nghiêm, thành kính, linh thiêng.

Còn với người dân làng Trung Lập nói riêng, Nhân dân trong vùng nói chung, thì lễ hội vẫn luôn được gìn giữ và thực hành với các nghi thức truyền thống rất đặc sắc, độc đáo. Chẳng hạn, vào sáng ngày 6-3 âm lịch, các hoàng đinh trong làng được các giáp cắt cử ra hồ nước phía Đông nghè (đền thờ vua) bốc bùn đắp lên thành đất phía trước đền (gọi là tục bồi tường). Tục lệ này nhằm gợi nhớ lại xưa kia tướng quân Lê Hoàn yêu cầu quân sĩ khi lập đồn, hạ trại phải đào hào đắp lũy. Trong khi đó, một nhóm khác được cử xuống hồ đánh cá và đem những con cá to lên làm gỏi để tiến vua. Ngoài ra, lễ hội cũng là để người dân trong làng, trong vùng dâng lên sản vật địa phương, những của ngon vật lạ được làm ra từ đôi bàn tay lao động của con người nơi đây.

Cùng với phần lễ, phần hội hết sức sinh động với các trò chơi, trò diễn dân gian tái hiện công lao to lớn của nhà vua và các tướng sĩ có công bảo vệ đất nước khỏi họa xâm lăng. Trước đây, các trò chơi được tái hiện trong lễ hội như lễ tịch điền, thi bắn cung, bắn nỏ, vật, cờ tướng, đua thuyền, thi làm bánh chưng nung, xôi nén, tục chạp lăng, chạp mộ... Ngày nay, bên cạnh nhiều trò chơi, trò diễn dân gian vẫn được duy trì, lễ hội xuất hiện thêm nhiều hoạt động thú vị khác như hội chợ quê, bóng chuyền, kéo co... Một điểm nhấn đặc sắc trong lễ hội là nghi thức rước kiệu, hàm chứa nhiều ý nghĩa và giá trị tâm linh. Kiệu được rước từ đền ra các điểm thờ như lăng Quốc mẫu, lăng Hoàng khảo... để thực hiệc các nghi thức dâng hương, bái tế trước khi diễn ra phần chính lễ tại đền thờ. Đoàn rước kiệu được tổ chức công phu với cờ lộng, dàn binh khí, phường nhạc bát âm và đoàn người rước được làng chọn lựa kỹ là các nam thanh, nữ tú có đạo đức tốt, gia đình yên ấm, hòa thuận.

Nhà nghiên cứu Đỗ Viết Chừng, tác giả của cuốn “Lê Hoàn, quê hương và thân thế sự nghiệp”, khi nói về công lao của Lê Đại Hành hoàng đế, đã cho rằng: Nghiên cứu quê hương, thân thế và sự nghiệp của Lê Hoàn là ôn lại một trang sử chói lọi đẹp đẽ của một con người vốn là tầng lớp Nhân dân lao động nghèo khổ nhất. Từ địa vị thấp hèn của xã hội phong kiến, lại “mồ côi bơ vơ, cực khổ trăm chiều” mà đã biết hòa mình trong Nhân dân, tự học hỏi, tự rèn luyện, được Nhân dân nuôi dưỡng, đùm bọc, giúp đỡ mà đã làm nên sự nghiệp lớn lao, cứu dân cứu nước, xây dựng đất nước vững mạnh. Lê Hoàn xứng đáng là anh hùng dân tộc, một anh hùng “áo vải”, một nhân vật lịch sử tiêu biểu của lịch sử dân tộc Việt Nam, đáng để cho hậu thế nhớ ơn và học tập: “Nghìn năm non nước đề huề/ Nghìn năm công đức vua Lê Đại Hành/ Nghìn năm sáng chói sử xanh/ Nghìn năm học hỏi, tấc thành ghi sâu/ Đời đời truyền mãi dài lâu”.

Cũng chính vì lẽ đó, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn gắn với công lao to lớn của nhân vật được thờ phụng và các nghi thức, tục lệ độc đáo đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự vinh danh này trước hết là nhằm khẳng định các giá trị to lớn của di sản trong kho tàng văn hóa xứ Thanh, văn hóa dân tộc. Đồng thời, thể hiện sự tri ân, ngưỡng vọng của hậu thế đối với công đức tiền nhân tiên tổ. Cùng với đó, sự vinh danh này cũng cho thấy trách nhiệm của hậu thế trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần làm phong phú hơn kho tàng di sản văn hóa phi vật thể vốn giàu có và đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam. Bởi vậy mà Lễ hội đền thờ Lê Hoàn từ lâu đã trở thành hành trình “về nguồn” - về với nguồn cội tổ tiên của con dân đất Việt, về để ngưỡng vọng và tự hào, để thấy trách nhiệm của mỗi người trong việc giữ gìn truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc và góp sức dựng xây quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh.

Bài và ảnh: Trường Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]