Lớp học 3 trình độ trên non cao
Điểm trường Cao Hoong nằm ở khu vực xa xôi và khó khăn nhất của xã Lũng Cao, huyện Bá Thước. Nơi đây, điều kiện sinh hoạt cũng như cơ sở vật chất dạy và học đang còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, một phòng học chỉ có từ 7-8 em, nhưng có đến 2, thậm chí là 3 trình độ, gây ra không ít khó khăn cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh. Ở địa bàn giao thông đi lại khó khăn, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sống thưa thớt, số học sinh cùng tuổi theo tiêu chuẩn mỗi lớp thường rất ít, thì đây là giải pháp hữu hiệu để trẻ em theo học con chữ.
Lớp học ghép 3 trình độ do cô giáo Nguyễn Thị Dung làm chủ nhiệm tại khu Cao Hoong, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước.
Khu Cao Hoong cách UBND xã Lũng Cao hơn 7 km đường đèo núi. Muốn tới nơi đây phải vượt qua ba, bốn con dốc cao, một bên là vách núi, một bên là vực sâu thăm thẳm. Trời mưa, con đường trở nên trơn trượt khiến việc đi lại càng khó khăn, nguy hiểm. Điểm trường Cao Hoong nằm chênh vênh trên một bãi đất trống. Nơi đây, các phòng học đã được Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng 3 phòng học khá khang trang. Chiếc nhà gỗ tạm cũ nát tận dụng để các thầy cô giáo nghỉ trưa, sinh hoạt giữa giờ.
Điểm trường Cao Hoong có 15 học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5, được chia thành 2 phòng học. Nhóm lớp ghép 1 + 3 + 5 có 7 em, nhóm lớp ghép 2 + 4 có 8 em. Cạnh đó là phòng học của khối mầm non.
Ðể bảo đảm chất lượng học tập của học sinh lớp ghép, ban giám hiệu nhà trường chủ động phân công giáo viên nhiệt tình, có chuyên môn, kinh nghiệm, tâm huyết làm chủ nhiệm lớp để giảng dạy, chăm sóc học sinh. Dù công việc vất vả hơn song giáo viên chủ nhiệm lớp ghép luôn chủ động khắc phục, dành thời gian giảng dạy, chăm sóc học trò.
Lớp học ghép 3 trình độ của cô Nguyễn Thị Dung có 7 học sinh, trong đó lớp 1 có 2 học sinh, lớp 3 có 4 học sinh, lớp 5 có 1 học sinh. Với mỗi lớp là 1 bảng, xếp hình chữ U đặt xung quanh phòng học. Cô Dung thường xuyên phải đi lại trong lớp để điều tiết và phân phối thời gian giảng dạy cho phù hợp với 3 trình độ, chẳng mấy khi được ngồi yên một chỗ. Do có đến 3 trình độ học khác nhau nên trách nhiệm của cô khá nặng nề. Dù là lớp ghép nhiều trình độ nhưng nhờ cách dạy khoa học nên chất lượng học tập của các em luôn được đảm bảo.
Cô Dung quê ở huyện Hoằng Hóa có hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục tại huyện miền núi Bá Thước. Cô được phân công về dạy học ở đây được gần 2 năm nay, dù khó khăn nhưng cô luôn tận tụy, trách nhiệm với công việc “gõ đầu trẻ” của mình. Cô chia sẻ: “Ở đây không sóng điện thoại lại xa trung tâm xã, học sinh đều là con hộ nghèo. Các em đang còn thiếu thốn rất nhiều như sách vở, đồ dùng học tập, trang phục cũng không đầy đủ như khu ngoài được. Điện lưới cũng chỉ mới có từ cuối tháng 12-2022, nên khả năng được tiếp cận thông tin rất ít. Nước sạch sinh hoạt thì không có, học sinh phải đem nước từ ở nhà đến để uống"...
Việc động viên các em đi học đã khó, để huy động xã hội hóa từ người dân đầu tư cho giáo dục còn khó gấp bội lần. Rất mong các cấp chính quyền và cộng đồng xã hội quan tâm hơn nữa, hỗ trợ để tạo môi trường giáo dục tốt hơn cho giáo viên, học sinh nơi đây.
Bài và ảnh: Huyền Trang
- 2024-10-11 15:01:00
Hiệu quả từ nguồn vốn vay “tiếp sức”
- 2024-10-10 16:04:00
Hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”
- 2024-03-23 09:25:00
Xét công nhận tốt nghiệp THCS nhìn từ Thông tư 31
Thi thử - lo thật
“Tăng tốc” để nâng cao chất lượng giáo dục
Đảm bảo sức khỏe, bữa ăn dinh dưỡng cho học sinh
[Video] Thư viện xanh nơi vùng cao biên giới
Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường đại học xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT
Ngọc Lặc nỗ lực xây dựng trường đạt chuẩn trong chiến lược phát triển giáo dục
Thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Thư viện câu hỏi thi không cần quy trình bảo mật
Khi sách tài liệu giáo dục địa phương về với nhà trường
Cô và trò ở tiết trông học sinh