(vhds.baothanhhoa.vn) - Hoạt động theo hình thức nhỏ lẻ, hộ gia đình, sử dụng đất sai mục đích, công nhân không trang bị thiết bị bảo hộ lao động, công trình xử lý nước thải không đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường… đó là những gì diễn ra hàng ngày tại các cơ sở tái chế nhựa, giặt bao bì trên địa bàn xã Thái Hòa (Triệu Sơn).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Triệu Sơn: Ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế nhựa, giặt bao bì

Hoạt động theo hình thức nhỏ lẻ, hộ gia đình, sử dụng đất sai mục đích, công nhân không trang bị thiết bị bảo hộ lao động, công trình xử lý nước thải không đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường… đó là những gì diễn ra hàng ngày tại các cơ sở tái chế nhựa, giặt bao bì trên địa bàn xã Thái Hòa (Triệu Sơn).

Hiện tại trên địa bàn xã Thái Hòa có tới 28 cơ sở tái chế nhựa, giặt bao bì phế liệu, phần lớn hoạt động theo hình thức hộ gia đình, mặt bằng sản xuất chật hẹp, vị trí xưởng sản xuất nằm ven bờ sông Nhơm, trang thiết bị sơ sài, thiếu thốn. Nguồn nước sử dụng lấy từ dòng sông Nhơm, nguyên liệu đầu vào là các phế phẩm từ vỏ bao xi măng, lưới nhựa, đồ gia dụng bằng nhựa thải... được nhiều hộ gia đình thu mua từ các đại lý trong và ngoài tỉnh về sơ chế, sản xuất.

Qua khảo sát, hầu hết các cơ sở giặt, tái chế bao bì trên địa bàn xã không có hồ sơ, thủ tục về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước; 14/28 cơ sở được huyện Triệu Sơn cấp phép đăng ký kinh doanh hộ cá thể; 1/28 cơ sở có Đề án bảo vệ môi trường, nhưng chưa đạt yêu cầu; 26/28 cơ sở không có hồ sơ, thủ tục liên quan bảo vệ môi trường; sử dụng đất sai mục đích khi hoạt động; lấn chiếm hành lang sông Nhơm.

Được biết, nguồn chất thải trong quá trình sản xuất tại các cơ sở này chủ yếu là nước thải, chất thải rắn, trong khi đó rác thải công nghiệp (nilon, dây buộc, sơ sợi bao bì...) thu gom, tập kết trong khuôn viên xưởng sản xuất, nhiều cơ sở còn ngang nhiên đổ ra ven bờ sông Nhơm, gây bồi lấp, ô nhiễm nguồn nước...

Nước thải tại cơ sở giặt bao bì hộ ông Lê Doãn Lộc, thôn Trung Hòa, xã Thái Hòa xả trực tiếp ra sông Nhơm.

Nhiều hộ dân phản ánh, cơ sở sản xuất hạt nhựa tại Công ty TNHH Sản xuất bao bì Thái Yên (xã Thái Hòa) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đời sống người dân. Theo đó, khí thải của cơ sở này được thu gom bằng hình thức chụp hút, thải ra môi trường theo ống khói cao khoảng 5m; lưới nhựa đốt thủ công, không có biện pháp xử lý, mùi cháy khét nồng nặc; công nhân không trang bị đầy đủ bảo hộ lao động; nguyên liệu để ngoài trời không có kho chứa; vệ sinh không gọn gàng, sạch sẽ...

Tại cơ sở giặt bao bì hộ ông Lê Doãn Lộc (thôn Trung Hòa, xã Thái Hòa) hoạt động đã nhiều năm nay, sản xuất ngay trên hành lang đê sông Nhơm, thường xuyên có khoảng 10 lao động. Mỗi khi cơ sở này hoạt động, nước thải chứa đầy xi măng, chất độc hại không qua lắng, lọc, chảy thẳng xuống dòng sông Nhơm. Công nhân không được trang bị bảo hộ lao động, phế phẩm bao bì được chất đống dọc khu vực đê sông Nhơm.

Cơ sở giặt bao bì của hộ ông Nguyễn Công Nam (thôn Thái Lâm, xã Thái Hòa) hoạt động ngay trong khu dân cư, sát khu vực sông Nhơm, không có hồ sơ, thủ tục về môi trường, công trình xử lý nước thải xuống cấp, sơ sài, nước thải chảy xuống sông Nhơm.

Vừa qua, Sở TN&MT đã yêu cầu dừng hoạt động xả nước thải của 28 cơ sở chưa qua xử lý, xả bùn đất, chất thải rắn ra sông Nhơm; thu gom toàn bộ lượng chất thải rắn phát sinh đang đổ thải trực tiếp ra bờ sông Nhơm, khu đất thuê thầu với xã; đầu tư đầy đủ các công trình xử lý nước thải theo quy định, hoàn thiện các thủ tục về đất đai, bảo vệ môi trường; đối với các cơ sở sản xuất tái chế nhựa hạt phải trang bị thiết bị xử lý khí thải phát sinh tại thiết bị gia nhiệt sản xuất hạt nhựa, khu đốt lưới nhựa đảm bảo trước khi thải ra môi trường...

Ông Lê Bá Thành - Chủ tịch UBND xã Thái Hòa, cho biết: “Mặc dù hoạt động tái chế, giặt bao bì mang lại nguồn thu nhập, tạo việc làm đáng kể cho lao động địa phương. Song, do mức độ ô nhiễm từ các cơ sở, cộng thêm sản xuất manh mún, nhỏ lẻ khiến công tác đảm bảo môi trường gặp nhiều khó khăn. Trước mắt, địa phương chỉ có thể tham mưu, phối hợp cơ quan chức năng tìm biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường tại các khu vực sản xuất này. Đồng thời, lên kế hoạch vận động các hộ gia đình xây dựng bể chứa nước thải, tuyên truyền hộ dân nâng cao ý thức chấp hành về môi trường trong khu sản xuất, khu dân cư...”.

Trung Lê


Trung Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]