(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ đầu năm học 2019 - 2020, nhiều trường học tại Thanh Hóa đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, kêu gọi học sinh, giáo viên, phụ huynh thực hiện phong trào chống rác thải nhựa bằng nhiều hoạt động thiết thực. Qua đó, giúp hình thành thói quen không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế sử dụng túi ni lông... Qua đó, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, chung tay hạn chế rác thải nhựa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trường học “nói không” với rác thải nhựa

Từ đầu năm học 2019 - 2020, nhiều trường học tại Thanh Hóa đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, kêu gọi học sinh, giáo viên, phụ huynh thực hiện phong trào chống rác thải nhựa bằng nhiều hoạt động thiết thực. Qua đó, giúp hình thành thói quen không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế sử dụng túi ni lông... Qua đó, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, chung tay hạn chế rác thải nhựa.

Chương trình “Thời trang tái chế từ phế liệu” tổ chức tại Trường Tiểu học Minh Khai 1 (TP Thanh Hóa) .

Bắt đầu từ hành động nhỏ

Bắt đầu từ năm học này, các cô giáo Trường Mầm non Đông Sơn (TP Thanh Hóa) đã phát động trong toàn trường và tới phụ huynh học sinh phong trào chống rác thải nhựa. Theo đó, tất cả những vật liệu dùng để trang trí khuôn viên, lớp học... đều làm từ giấy và phế liệu tái chế.

Cô Ngô Thị Kim Loan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Sơn cho biết: Dịp lễ khai giảng năm nay chúng tôi không thả bóng bay, không dùng nước đóng chai nhựa để tiếp khách cũng như trong hoạt động hàng ngày của nhà trường. Ngoài ra, nhà trường cũng tuyên truyền đến học sinh, phụ huynh thông điệp hạn chế rác thải nhựa để bảo vệ môi trường.

Cũng bắt đầu từ năm học này, học sinh nhiều lớp học của Trường THCS Trần Mai Ninh (TP Thanh Hóa) đã sử dụng giấy báo thay thế cho ni lông như mọi năm để bọc sách vở. Đối với những học sinh không bọc sách vở bằng giấy báo, nhà trường yêu cầu các em chỉ cần dán nhãn tên vào sách vở, không sử dụng ni lông để bọc. Việc làm này nhằm hạn chế rác thải ni lông khó phân hủy ra môi trường sống.

Em Nguyễn Thị Xuân Hồng - học sinh lớp 9A, Trường THCS Trần Mai Ninh cho biết: Em và các bạn trong lớp thấy rất vui vì việc làm nhỏ của mình đã góp phần chung tay bảo vệ môi trường. Nếu như không chỉ mình lớp em, trường em mà nhiều lớp khác, trường khác đều không sử dụng ni lông để bọc sách vở thì sẽ hạn chế được lượng rác thải ni lông lớn như thế nào ra môi trường?!

Đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ môi trường, đặc biệt là hạn chế rác thải nhựa, thầy trò Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (TP Thanh Hóa) đã đưa ra khẩu hiệu “Bước vào cổng, nói không với rác thải nhựa”, nhằm khuyến khích học sinh và giáo viên nhà trường sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Bằng nhiều việc làm thiết thực khác như: Không sử dụng nước uống đóng chai nhựa, không sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa trong nhà trường và giảm thiểu tối đa việc sử dụng túi ni lông trong các hoạt động mua sắm của nhà trường... nhiều trường học tại TP Thanh Hóa đang chung tay hạn chế rác thải nhựa, ni lông để bảo vệ môi trường.

Cô Dương Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám cho biết: Chúng tôi có quy định học sinh không đưa đồ ăn sáng vào trường, yêu cầu phụ huynh cho con ăn ở nhà để hạn chế việc sử dụng các sản phẩm túi ni lông, hộp xốp đựng đồ ăn sáng. Đối với bếp ăn bán trú chúng tôi nhập thực phẩm cũng không sử dụng túi ni lông mà yêu cầu các đơn vị cung ứng thực phẩm vận chuyển hàng đến trường bằng thùng sau đó chúng tôi trực tiếp chuyển đồ vào chậu nhôm... góp phần hạn chế sử dụng túi ni lông trong nhà trường.

Góp thành bài học ý nghĩa

Năm học 2019 - 2020 là năm học đầu tiên Phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa phát động phong trào “Hạn chế rác thải nhựa và túi ni lông trong trường học”. Thông qua phong trào, nhằm kêu gọi giáo viên, học sinh và phụ huynh các nhà trường thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần, khó phân hủy bằng những sản phẩm khác thân thiện với môi trường.

Hưởng ứng phong trào do phòng phát động, nhiều trường học đã triển khai các hoạt động ý nghĩa góp phần thay đổi thói quen, hành động của các em học sinh, giáo viên và phụ huynh nhà trường.

Bên cạnh các hoạt động thiết thực, từ đầu năm học, các trường học cũng triển khai cho các giáo viên bộ môn lồng ghép nội dung về tác hại của chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy đối với môi trường và hướng dẫn phân loại rác tại nguồn vào chương trình giảng dạy, ngoại khóa, tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm cho học sinh.

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực mà phong trào mang lại, vẫn còn nhiều trường, nhiều cá nhân chưa nhận thức rõ về vai trò, ý nghĩa của phong trào chống rác thải nhựa. Việc sử dụng bìa ni lông bọc sách vở đang được dùng khá phổ biến, rộng rãi tại các trường học, mà không nhận thức rõ được tác hại của nó đến môi trường. Nhiều phụ huynh vẫn mua về bọc sách vở cho con vì sự tiện lợi, nhanh gọn mà bìa bọc ni lông mang lại. Tại các hiệu sách, cửa hàng văn phòng phẩm bày bán tràn lan các đồ dùng từ nhựa, bìa bọc ni lông với nhiều mẫu mã bắt mắt.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh vẫn vô tư cho con sử dụng hộp xốp đựng đồ ăn 1 lần tại các cổng trường học...

Nói không với rác thải nhựa là một vấn đề không chỉ ngày một ngày hai có thể làm được, cũng không phải chỉ một cá nhân hay tập thể hưởng ứng là thành phong trào lớn mà nó cần được nhân rộng, cần sự chung tay của cả cộng đồng. Hy vọng với sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, sự hưởng ứng tích cực của mỗi tập thể, mỗi cá nhân, từ những việc nhỏ trong cộng đồng giúp lan tỏa ý thức cùng nhau giảm thiểu túi ni lông, rác thải nhựa ra môi trường, chung tay bảo vệ môi trường sống.

Hạ Lan


Hạ Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]