(vhds.baothanhhoa.vn) - Mỗi mùa thu lại khiến tôi nhớ đến nao lòng vị bùi thơm của quả trám đen quê mình.

Bùi thơm hương vị trám đen quê nhà

Mỗi mùa thu lại khiến tôi nhớ đến nao lòng vị bùi thơm của quả trám đen quê mình.

Bùi thơm hương vị trám đen quê nhà

Tuổi thơ tôi là những ngày vào rừng nhặt trám rụng

Sau những cơn mưa tầm tã nhiều ngày, cái nắng hanh hao nhuộm vàng cả không gian, báo hiệu tiết trời đã thực sự vào thu. Giữa khó khăn mưu sinh trong đại dịch và cả cảm giác chênh chao cô đơn, dường như con người ta thường nhớ về quê nhà với những hương vị thân quen một thuở.

Quê tôi ở khu vực miền núi, giữa vô số những cây rừng tự sinh hoang dã, tôi nhớ tuổi thơ mình gắn bó với những ngày đi nhặt trám rụng trong rừng.

Chẳng ai trồng, cũng không được chăm sóc, vậy nhưng cây trám cứ âm thầm vươn mình dưới tán rừng để mà sinh sôi. Và một ngày, đi trên con đường vào rừng đã quen, bạn chợt nhận ra hương vị thơm nồng của nhựa trám. Xung quanh, những quả trám đen chín rụng, đó cũng là chỉ dấu báo hiệu trời sắp vào thu. Ngẩng mặt nhìn lên, cây trám mọc dại ngày nào giờ đã vươn cành tỏa bóng. Mẹ tôi bảo, khác với các cây họ nhà luồng, cây trám phải sinh trưởng cỡ khoảng gần chục năm mới cho ra quả. Nhưng đã ra rồi thì cứ thế bền bỉ dâng trái cho đời, đến cả trăm năm.

Thế là cứ độ trời vào thu, tôi và những đứa bạn cùng trang lứa ở trong đội của lâm trường, sau một buổi đến trường sẽ về nhà lùa đàn bò của gia đình vào trong rừng, mặc kệ chúng gặm cỏ. Còn chúng tôi, sẽ mải mê nhặt những quả trám rụng cho đầy túi vải để mang về.

Tôi không nhớ mình biết ăn quả trám từ khi nào. Nhưng trong kí ức, tôi nhớ mỗi lần đi học về mà cơm chưa có, bụng lại đói meo, lục tìm trong lồng bàn có đĩa trám bùi mẹ đã “om” sẵn hồi sáng, bên cạnh là bát muối vừng… Chỉ mươi quả thôi là qua cơn đói. Giờ nhớ lại, vẫn tự hỏi mình, hình như đó là món ăn “tuyệt” nhất tuổi thơ.

Vào những ngày trời se lạnh, mẹ thường đồ món xôi trám cũng rất ngon. Gạo nếp ngâm đủ nước, trám đen “om” chín mềm rồi bóc lấy thịt, bỏ hạt. Sau đó, gạo xếp phía dưới, trám đặt lên trên, đồ chín thì đánh cho đều. Lúc này, gạo nếp đã quện màu trám đen trông thật bắt mắt. Xôi trám ăn kèm với chút muối vừng, dân dã mà ngon lạ lùng.

Cuộc sống dần khấm khá, cũng là lúc những bữa cơm nhà chúng tôi thường có thêm thịt, cá. Và vẫn quả trám đen, sau khi “om”, mẹ lại cho vào kho cùng. Gắp một miếng trám kho, cái vị mằn mặn, bùi bùi vấn vương đầu lưỡi, cứ như vậy mà hao cơm vô cùng.

Bùi thơm hương vị trám đen quê nhà

Ngày nay, quả trám không chỉ “om” để lấy thịt, hạt cũng được thu mua xuất khẩu.

Quả trám cũng thật lạ, khi xanh thì chua, chín vẫn chát xít và cứng vô đối, nhưng chỉ cần “om” mươi phút thôi, đã thay đổi hoàn toàn. Nếu lần đầu ăn quả trám đen, hẳn bạn sẽ tự hỏi “om” trám là gì mà quan trọng đến thế.

Trám không ưa nước lạnh, cũng không thích nước sôi. Đừng dại dột mà nấu nước sôi mới cho trám vào, làm vậy bạn có đun sôi cả tiếng cũng chẳng thể làm quả trám mềm ra. Thay vào đó, sau khi sơ chế rửa sạch bụi bẩn và nhựa vương trên quả, hãy cẩn thận nấu nước nóng già (khoảng 70 độ) thì tắt bếp, cho trám vào, đậy vung trong khoảng 15 phút. Đến khi mở ra, bạn sẽ thấy điều kì lạ, quả trám đã mềm. Vớt ra đĩa, nhẹ nhàng tách đôi quả để bỏ hạt, lấy thịt. Nếm thử vừa bùi lại dẻo, ăn mãi không chán.

Ngày nay quả trám không chỉ là thức ăn chơi của người dân quê. Quả trám đã xuống phố, đi muôn phương, trở thành quả đặc sản với giá bán khá cao. Biết vậy, cũng mừng cho người dân quê tôi, họ sẽ có thêm một chút thu nhập trang trải cuộc sống.

Không chỉ vậy, ngay hạt trám xưa nay tưởng chừng bỏ đi, thì giờ đây đã được thu mua xuất khấu, làm đồ thủ công mỹ nghệ, nếu hạt dài còn được dùng làm đinh đóng tầu…

Trong cơn gió mùa hoang hoải thổi, đâu đó trong không gian thu, tôi “nghe” như có mùi trám nhà ai đang om. Hay đó là mùi vị của nỗi nhớ quay quắt quê hương mình?

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]