(vhds.baothanhhoa.vn) - Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (gọi tắt là Nghị quyết 58) đã đặt mục tiêu xây dựng Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về nông nghiệp giá trị gia tăng cao... Xung quanh việc cụ thể hóa mục tiêu này, Phóng viên Báo VH&ĐS đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Viết Thái - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cần thêm cơ chế đặc thù để phát triển nông nghiệp

Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (gọi tắt là Nghị quyết 58) đã đặt mục tiêu xây dựng Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về nông nghiệp giá trị gia tăng cao... Xung quanh việc cụ thể hóa mục tiêu này, Phóng viên Báo VH&ĐS đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Viết Thái - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa.

Nguyễn Viết Thái - Phó Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa.JPG

P.V: Xin đồng chí cho biết, cơ hội mà Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị mang lại cho ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa?

Đồng chí Nguyễn Viết Thái: Nghị quyết 58 mở ra cơ hội lớn cho các ngành kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững, trong đó có ngành nông nghiệp. Theo quan điểm của Nghị quyết 58 là “Phát huy mọi tiềm năng lợi thế để phát triển tỉnh Thanh Hóa nhanh và bền vững với công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng là nền tảng”. Nhiệm vụ của ngành nông nghiệp là: “Phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; ứng dụng công nghệ cao, thông minh để hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; hình thành và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ”. Do đó, trong thời gian tới ngành nông nghiệp đứng trước cơ hội phát triển toàn diện và bền vững, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, văn minh, giàu đẹp, đời sống nông dân, ngư dân được nâng lên rõ rệt về vật chất và tinh thần, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, phát triển toàn diện và là tỉnh kiểu mẫu của cả nước theo lời căn dặn của Bác Hồ.

P.V: Thưa đồng chí, để cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2030 Thanh Hóa trở thành trung tâm nông nghiệp giá trị tăng cao, Sở NN&PTNT sẽ triển khai thực hiện những giải pháp gì?

Đồng chí Nguyễn Viết Thái: Ngay sau khi Nghị quyết số 58-NQ/TW ra đời, Sở NN&PTNT đã kịp thời đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để đưa vào Chương trình hành động của Tỉnh ủy, mà cụ thể là bảo đảm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong thời gian tới trên cơ sở Nghị quyết 58, định hướng của Bộ NN&PTNT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT Thanh Hóa xác định các định hướng lớn như sau:

Một là: Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, cơ giới hóa đồng bộ; phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị.

Hai là: Đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả, trọng tâm là thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao theo Nghị quyết số 13-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện tốt hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; từng bước xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao dọc tuyến đường Hồ Chí Minh; tăng cường hợp tác để nghiên cứu, ứng dụng, xây dựng mô hình sản xuất có hiệu quả.

Ba là: Tập trung nâng cao năng lực cho Viện Nông nghiệp Thanh Hóa để góp phần đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp; rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp đủ mạnh, phù hợp với thực tiễn, tạo động lực mới cho phát triển.

Bốn là: Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm nông sản, các hoạt động kết nối cung cầu; đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp trong và ngoài nước thông qua các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Triển khai tích cực, khai thác hiệu quả cơ hội của các Hiệp định tự do thương mại, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu các hàng nông sản chủ lực của tỉnh. Tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ để tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ Trung ương, vốn ODA, vốn tài trợ của các tổ chức phi Chính phủ. Mở rộng hợp tác với các tổ chức tài chính lớn, như WB, ADB, Keximbank, JICA,...nhằm thu hút vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm bảo vệ tốt nhất tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

P.V: Trong thực hiện mục tiêu này, Thanh Hóa có cần thêm cơ chế từ Quốc hội, Chính phủ thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Viết Thái: Hiện nay, Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý và tổ chức bộ máy, biên chế cho tỉnh Thanh Hóa bảo đảm tính tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước trình Quốc hội xem xét, ban hành. Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 58, ngành NN&PTNT đã có đề xuất 2 cơ chế, chính sách đặc thù đó là “Cơ chế, chính sách phát triển thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên biển, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045” và “Cơ chế, chính sách hỗ trợ để di dời người dân trên khu vực ven sông, ven biển, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ngành NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa đề nghị với Quốc hội, Chính phủ một số nội dung:

Đề nghị Quốc hội: Sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 để hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. Cụ thể, bỏ quy định hoặc tăng hạn mức chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại Điều 130, Luật Đất đai năm 2013; điều chỉnh quy định về việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa để thực hiện tích tụ, tập trung đất đai trong trường hợp không làm thay đổi mục đích sử dụng đất theo tại Khoản 2, Điều 191, Luật Đất đai năm 2013; bổ sung quy định cụ thể về hình thức góp quyền sử dụng đất nông nghiệp, đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Ưu tiên đầu tư vốn trung hạn cho giai đoạn 2021 - 2025, đảm bảo đủ nguồn lực để phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung.

Đề nghị Chính phủ: Tăng nguồn kinh phí hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa thực hiện các nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; nhất là nguồn kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu và nguồn kinh phí thực hiện các chính sách của Trung ương đã ban hành.

Có chính sách mạnh hơn nữa, cụ thể hơn nữa nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Xin cám ơn đồng chí!

Hoàng Lan (thực hiện)


Hoàng Lan (thực hiện)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]