(vhds.baothanhhoa.vn) - Chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, thời gian vừa qua, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa thực hiện có hiệu quả. Qua đó góp phần khai thác các tiềm năng lợi thế, phát triển kinh tế vùng nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Những hiệu quả bước đầu

Chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, thời gian vừa qua, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa thực hiện có hiệu quả. Qua đó góp phần khai thác các tiềm năng lợi thế, phát triển kinh tế vùng nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân.

"Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030" được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt ngày 28/12/2018, với mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu tiêu chuẩn hóa khoảng 30% số sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có nguồn gốc từ các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2020, có ít nhất 1 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP Quốc gia; 10 sản phẩm được xếp hạng OCOP cấp tỉnh, 30 sản phẩm được xếp hạng OCOP cấp huyện. Đến năm 2030, có ít nhất 5 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP quốc gia; 30 sản phẩm được xếp hạng OCOP cấp tỉnh, 150 sản phẩm được xếp hạng OCOP cấp huyện; có 5 mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng; có 2 trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm; hoàn thành, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa.

Hiện nay, Thanh Hóa đang tích hợp đưa vào chương trình OCOP 18 sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; 160 sản phẩm, nhóm sản phẩm có lợi thế thuộc 6 nhóm: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm, nội thất, trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng do các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, làng nghề và hộ gia đình trong tỉnh sản xuất. Đồng thời tiếp tục phát huy 155 làng nghề với 25 nghề truyền thống (trong đó đã công nhận 23 nghề truyền thống, 20 làng nghề và 47 làng nghề truyền thống);... Ngoài ra, còn có nhiều danh lam, thắng cảnh có thể phát triển thành điểm dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng, tạo ra các sản phẩm phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiên cứu,... đã và đang được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đây vừa là kết quả vừa là tiềm năng, lợi thế so sánh của Thanh Hóa để bứt phá trong thực hiện Chương trình OCOP.

Bưởi Diễn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap ở xã Bắc Lương, là một sản phẩm chủ lực của huyện Thọ Xuân.

Trên thực tế, từ khi tỉnh triển khai Chương trình OCOP, các địa phương đã nhanh chóng “bắt nhịp”, chọn ra một sản phẩm đặc trưng để tham gia. Qua đó, đã có rất nhiều sản phẩm được đưa ra trưng bày, quảng bá, như: Nấm ở xã Yên Thọ (Như Thanh), miến gạo ở xã Thăng Long (Nông Cống), cam của xã Xuân Thành (Thọ Xuân), dưa hấu (Nga Sơn)... Thanh Hóa cũng đã có một số sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, như: Bưởi Luận Văn, mắm tôm Hậu Lộc, chè lam Phủ Quảng...

Một số địa phương cũng đã chủ động chọn ra sản phẩm lợi thế của mình để xây dựng, hỗ trợ và phát triển thành sản phẩm OCOP, như huyện Tĩnh Gia với sản phẩm nước mắm Do Xuyên - Ba Làng; huyện Nông Cống với sản phẩm miến gạo Thăng Long; huyện Thiệu Hóa với các sản phẩm bánh đa, bánh đa nem xã Thiệu Châu, tơ Hồng Đô xã Thiệu Đô và đồ đồng Trà Đông xã Thiệu Trung... Theo ý kiến từ các địa phương, chương trình OCOP mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có lợi thế. Việc nâng cao chất lượng, mẫu mã cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ khi các sản phẩm được xếp hạng theo tiêu chí đánh giá sản phẩm Chương trình OCOP sẽ góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và phát triển KT-XH.

Ông Trần Đức Năng - Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh đã có những sản phẩm đặc trưng riêng. Song bên cạnh đó, Thanh Hóa vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai và thực hiện, như: Sản lượng các sản phẩm truyền thống tại các làng nghề đạt thấp, khả năng thương mại hóa còn hạn chế và khó tiêu thụ; chất lượng sản phẩm không ổn định, nên chưa đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người dùng; chưa có các cơ chế, chính sách đủ mạnh hỗ trợ về vốn và đào tạo nhân lực...

Do đó, năm 2019, Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương hoàn thiện bộ máy tổ chức, tiếp tục triển khai chương trình OCOP từ tỉnh đến xã. Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển các loại cây, con chủ lực, củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với HTX và doanh nghiệp, sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, xây dựng, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, thương hiệu, tạo cho các sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân...

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]