(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa hiện có 993 hợp tác xã (HTX), trong đó có 590 HTX nông nghiệp. Sau chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, các HTX đã phát triển đa dạng về hình thức và quy mô, từng bước khẳng định là hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiều HTX vẫn chưa phát huy hết vai trò trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Nhiều HTX dù đã chuyển đổi nhưng bản chất hoạt động vẫn theo kiểu cũ, một số địa phương chưa quan tâm, hỗ trợ các HTX nông nghiệp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Còn nhiều hợp tác xã hoạt động “Bình mới rượu cũ”

Thanh Hóa hiện có 993 hợp tác xã (HTX), trong đó có 590 HTX nông nghiệp. Sau chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, các HTX đã phát triển đa dạng về hình thức và quy mô, từng bước khẳng định là hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiều HTX vẫn chưa phát huy hết vai trò trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Nhiều HTX dù đã chuyển đổi nhưng bản chất hoạt động vẫn theo kiểu cũ, một số địa phương chưa quan tâm, hỗ trợ các HTX nông nghiệp.

Khó khăn trong hoạt động

Triển khai thực hiện Luật HTX năm 2012, việc tiến hành rà soát lại hoạt động của HTX đã được thực hiện tại tất cả các địa phương trong cả nước. Theo đó, các HTX tự đối chiếu, so sánh, đánh giá lại tình hình, nếu đã hoạt động đúng theo luật quy định thì chỉ cần chuyển đổi lại cho phù hợp tên gọi của luật. Còn những HTX có nội dung chưa phù hợp, nhưng vẫn có thể tổ chức lại hoạt động để phù hợp. Riêng các HTX, nếu không vận động được thành viên góp vốn, không tổ chức được hoạt động đáp ứng theo phương án sản xuất kinh doanh, sẽ phải tiến hành giải thể hoặc chuyển sang loại hình doanh nghiệp khác, tuy nhiên thực tế triển khai không hề đơn giản.

Được thành lập năm 1999, đến nay sau 20 năm nhưng HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đông Khê (Đông Sơn) hoạt động lại không mấy hiệu quả,khó cạnh tranh với các đại lý cung ứng giống bên ngoài thị trường, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thu nhập của các thành viên giao động chỉ từ 700 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/người/tháng. Ông Lê Thế Dân - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đông Khê (Đông Sơn) cho biết: “Hiện nay, HTX có 18 thành viên lao động thường xuyên và 12 lao động thời vụ. Do hoạt động cầm chừng, thu nhập của chúng tôi rất thấp, HTX không có khả năng chi trả các khoản bảo hiểm và bản thân từng thành viên và người lao động cũng không có ai tham gia bảo hiểm tự nguyện. Ngay cả bản thân tôi, là giám đốc và có đến 18 năm làm trong HTX nhưng đến nay cũng chưa tham gia BHXH được. Với tình hình hoạt động như hiện tại, trong thời gian tới chúng tôi cũng không thể tham gia BHXH cho cán bộ quản lý chứ chưa nói đến người lao động”.

Phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao tạo bước đi vững chắc cho các HTX hoạt động hiệu quả.

Được biết, hiện nay nhiều HTX hoạt động không hiệu quả nên người lao động tại các HTX không được tham gia BHXH. Theo thống kê, toàn tỉnh có 993 HTX, tuy nhiên mới chỉ có 458 HTX tham gia đóng BHXH cho 2.883 NLĐ, ngoài ra số thành viên, NLĐ tham gia BHXH tự nguyện cũng rất thấp.

Ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch Liên minh HTX Thanh Hóa cho biết: “Sự phát triển của HTX hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; một số HTX đã chuyển đổi hoạt động theo luật mới nhưng vẫn chưa mạnh, trong đó không ít HTX vẫn còn yếu kém cả về cơ sở vật chất và năng lực quản lý. Một trong những nguyên nhân là Luật HTX năm 2012 quy định về tỷ lệ góp vốn của một thành viên HTX không quá 20% tổng số vốn điều lệ đã gây cản trở trong việc huy động thêm vốn góp. Chính vì vậy, nhiều HTX thành lập trước thời điểm Luật HTX 2012 có hiệu lực không muốn chuyển đổi đăng ký lại mà thực hiện giải thể hoặc ngừng hoạt động để làm thủ tục chuyển sang hoạt động ở mô hình khác. Bên cạnh đó, nội lực của HTX nhìn chung còn yếu kém, quy mô dịch vụ nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu; nhiều HTX chưa có trụ sở làm việc, sở hữu tài sản chưa rõ ràng. Hầu hết các HTX nông nghiệp còn gặp khó khăn về nguồn lực, kinh nghiệm tham gia thị trường; không ít HTX lúng túng trong xây dựng mô hình hoạt động hiệu quả”.

Hiện nay, để tạo quỹ đất quy mô lớn cho các HTX đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, các địa phương đã tích cực thực hiện tích tụ, tập trung đất đai. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 67 dự án với diện tích 31,2 ha thuộc lĩnh vực kinh tế tập thể được tiếp cận với nguồn lực đất đai, trong đó có 4 dự án được giao đất không thu tiền sử dụng đất với diện tích 0,4 ha và 63 dự án cho thuê đất, diện tích gần 31 ha.

Nan giải chính sách về vốn

Chính sách về vốn cũng đang là vấn đề nan giải. HTX Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thọ Lâm (Thọ Xuân) được thành lập tháng 9/2018 trên cơ sở liên kết, phát triển vùng mía thâm canh với diện tích 113 ha trên địa bàn. Ngoài ra, HTX còn xây dựng định hướng mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Ông Mai Công Nam - Phó Giám đốc HTX, cho biết: HTX hiện đang thiếu vốn để đầu tư, mở rộng mô hình trồng dưa trong nhà lưới; đồng thời, ứng dụng khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, sản lượng vùng mía thâm canh. Tuy nhiên, việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng khá khó khăn do HTX chưa có tài sản bảo đảm.

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, hiện nay, mới chỉ có 42/993 (4,2%) HTX tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Nguyên nhân là do các HTX không có tài sản thế chấp bảo đảm các khoản vay. Do đó, nhiều HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đang thực sự “khát vốn” đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất. Để nới lỏng và tạo cơ hội cho các HTX nông nghiệp tiếp cận nguồn vốn sản xuất, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 55/NĐ-CP ngày 9/6/2015. Theo đó, các HTX có thể được vay từ 1 đến 2 tỷ đồng mà không cần tài sản thế chấp. Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có HTX nào tiếp cận được chính sách này.

Theo đánh giá của Liên minh HTX Thanh Hóa, mặc dù các chính sách được xây dựng trong lĩnh vực HTX khá nhiều; tuy nhiên số lượng HTX tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn thấp. Nguyên nhân là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm trong việc chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX. Bên cạnh đó, mặc dù các chính sách của Nhà nước được ban hành, nhưng việc bố trí nguồn lực thực hiện còn hạn chế. Nhiều HTX sau chuyển đổi nhưng vẫn trong tình trạng “bình mới, rượu cũ”, chưa đổi mới, chuyển biến tích cực trong hoạt động, thiếu tính chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc dẫn đến chất lượng hoạt động chưa được cải thiện nhiều, việc xây dựng phương án sản xuất chưa có tính thuyết phục nên khó làm cơ sở để được thụ hưởng các chính sách.

Đông Hoàng


Đông Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]