(vhds.baothanhhoa.vn) - Cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, niềm khát khao giữ nghề của người dân, nghề truyền thống của nhiều địa phương đã được “đánh thức”, giúp nhiều hộ gia đình có việc làm ổn định để thoát nghèo.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đánh thức nghề truyền thống để thoát nghèo

Cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, niềm khát khao giữ nghề của người dân, nghề truyền thống của nhiều địa phương đã được “đánh thức”, giúp nhiều hộ gia đình có việc làm ổn định để thoát nghèo.

Phụ nữ Mường Chanh gắn bó và phát huy nghề dệt truyền thống

Đối với người phụ nữ dân tộc Thái, huyện Mường Lát, vải thổ cẩm được xem là sản phẩm văn hóa tiêu biểu. Theo quan niệm truyền thống của người Thái “gái biết dệt vải, trai biết đan chài” vì vậy, dệt thổ cẩm, thêu thùa là công việc mà mọi cô gái Thái cần phải biết khi đến tuổi trưởng thành, là một trong những tiêu chuẩn đánh giá sự khéo léo, chăm chỉ của một người con gái. Tuy nhiên, trước sự phát triển của cuộc sống hiện đại, sự giao thoa giữa các nền văn hóa, các phong tục, tập quán đang dần bị phai nhạt và mai một bởi nhiều nguyên nhân, nên chỉ còn một bộ phận phụ nữ dân tộc Thái giữ nghề, chủ yếu là dệt những sản phẩm như khăn piêu, túi treo, váy... phục vụ gia đình.

Với mong muốn giữ nghề và quan trọng hơn là nhìn thấy được tiềm năng phát triển của nghề dệt truyền thống, chị Lương Thị Sơ, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Mường Chanh, đã mạnh dạn xây dựng và hiện thực hóa ý tưởng thành lập tổ hợp tác (THT) khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm xã Mường Chanh. THT nhanh chóng thu hút được 30 chị em phụ nữ trong xã, là những người tâm huyết và có kỹ thuật thêu dệt vải thổ cẩm từ lâu. Tham gia THT chị em được hỗ trợ để mua khung dệt, sợi... và được đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Khi đã thành lập được THT, quan trọng là tìm đầu ra cho sản phẩm để chị em yên tâm phát huy tài hoa của mình. Chị Sơ cho biết: “Ở nước bạn Lào và thị trường Thái Lan rất ưa chuộng sản phẩm thêu dệt của người Thái vì sự tinh xảo, kỹ thuật thêu, vì vậy, tôi cùng bạn bè đã kết nối, tìm kiếm thị trường ở đó. Để sản phẩm mang nét riêng, độc đáo, chúng tôi cố gắng giữ lại màu sắc, hoa văn đặc trưng của dân tộc mình, tất nhiên có cả sự cách điệu hợp với xu thế thời đại. Ở tất cả các khâu từ kéo tơ, kéo sợi đến dệt thành tấm sản phẩm đều được làm thủ công, hoàn toàn không dùng màu công nghiệp và rất thân thiện với môi trường”.

Ngoài ra, sự sáng tạo, đa dạng hóa các sản phẩm đã đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng. Một số sản phẩm như váy, khăn piêu... rất được ưa chuộng tại thị trường Lào, Thái Lan.

Chị Sơ bên các sản phẩm dệt thổ cẩm của chị em xã Mường Chanh.

Nhờ nghề truyền thống gia đình tôi đã thoát nghèo

Tuy mới thành lập từ đầu năm 2018, nhưng đến nay THT đã giúp cho 3 chị em phụ nữ thoát nghèo. Chị Lương Thị Tít (bản Cang, xã Mường Chanh), gia đình 4 miệng ăn chỉ trông cậy vào làm nương rẫy, dù làm rẫy cả ngày lẫn đêm nhưng cũng chỉ đủ ăn. Hai đứa con của chị chỉ có thể học hết lớp 9 thì nghỉ để phụ bố mẹ lên nương, kiếm thêm thu nhập. Chị tâm sự “Chị biết thêu dệt từ khi 7, 8 tuổi nhưng chỉ làm cho mình và gia đình dùng, từ ngày vào THT, cùng với chị em làm nhiều hàng và đều bán hết, mọi người vui lắm. Nguồn thu nhập cho gia đình cũng cao hơn nhiều, nếu chăm chỉ, sản phẩm bán đều thì mỗinăm gia đình tôi thu nhập thêm 50 triệu đồng”. Nhờ khoản thu nhập nâng cao, cùng với sự chăm chỉ của gia đình đến nay nhà chị đã mua thêm một xe ô tô bán tải chở hàng và mở một cửa hàng tạp hóa. Từ một hộ nghèo gia đình đã vươn lên hộ kinh tế khá trong xã.

Cùng con đường thành công như gia đình chị Tít, gia đình chị Lương Thị Tuấn (bản Cảng, Mường Chanh) cũng đã thoát nghèo nhờ nghề dệt truyền thống. Là người rất say mê và có tiếng dệt đẹp trong xã, ngay khi nghe tin thành lập THT, chị Tuấn đã xin gia nhập. “Ban đầu tham gia chỉ vì niềm say mê, tận dụng thời gian rảnh rỗi để làm việc, nhờ chính quyền và chủ tịch hội phụ nữ xã tìm thị trường ổn định cho sản phẩm, chị em được làm việc và có thêm thu nhập, cuộc sống từ đó cũng bớt khó khăn” - chị Tuấn cho biết. Có vốn, chị đầu tư mở cửa hàng thu mua nan nứa cho chồng làm. Giờ đây, hàng tháng gia đình chị thu nhập khoảng 7 triệu đồng, hai con của chị vì thế được đi học và chăm lo đầy đủ về vật chất.

Sự mạnh dạn, tình yêu bản sắc dân tộc của những người phụ nữ dân tộc Thái đã giúp nghề dệt thổ cẩm ở xã Mường Chanh được đánh thức và hồi sinh trở lại. Sự phát triển của nghề đã giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã. Đây thực sự là tín hiệu vui của một xã vùng biên nghèo như Mường Chanh. Ngày nay, khi đến với Mường Chanhnhiều người sẽ bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ đang cặm cụi bên khung cửi dệt vải. Họ không chỉ dệt thổ cẩm để phục vụ cho gia đình, mà các sản phẩm thủ công này sẽ trở thành hàng hóa được bán sang tỉnh lân cận của nước bạn Lào,Thái Lan. Nghề dệt thổ cẩm nơi đây không những mang lại nguồn thu nhập cao cho các hộ gia đình mà còn thể hiện sự tự hào, khéo léo của phụ nữ nơi đây.

Bình Nguyên


Bình Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]