(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Đã có không ít vụ hỏa hoạn, thiêu rụi nhiều tàu cá, tài sản lớn nhất của ngư dân, nhưng công tác phòng, chống cháy nổ (PCCN) đến nay vẫn chưa được người dân chú ý.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đề phòng ‘bà hỏa’ ghé thăm tàu cá

(VH&ĐS) Đã có không ít vụ hỏa hoạn, thiêu rụi nhiều tàu cá, tài sản lớn nhất của ngư dân, nhưng công tác phòng, chống cháy nổ (PCCN) đến nay vẫn chưa được người dân chú ý.

Thiệt hại lớn

Là một trong những huyện có số lượng tàu cá lớn của tỉnh, theo thống kê, toàn huyện Hậu Lộc có 737 tàu cá, với tổng công suất 115.060 CV. Trong đó số tàu khai thác ở vùng đánh cá chung Việt Nam - Trung Quốc là 56 tàu; 17 tàu khai thác vùng biển xa; 2 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.

Đa phần số lượng tàu cá của huyện Hậu Lộc là vỏ gỗ, nhiều tàu đã qua cải hoán, sửa chữa nên chất lượng vỏ tàu, máy tàu xuống cấp, không có các thiết bị cứu hộ, cứu nạn, PCCN. Bởi vậy khi xảy ra cháy, nhiều tàu không thể cứu chữa.

Điển hình, trưa 9/5/2017, tàu cá mang số hiệu TH.91423.TS công suất 105 CV của gia đình ông Nguyễn Văn Hạnh, ở thôn Phú Vượng, xã Hưng Lộc (Hậu Lộc) khi đang neo đậu thuyền vùng bãi ngang thuộc địa phận thôn Thắng Tây, xã Ngư Lộc thì bốc cháy. Hậu quả, tàu cá bị thiêu rụi hoàn toàn, thiệt hại lên đến 900 triệu đồng.

Trước đó, rạng sáng 26/2/2017, tại khu neo đậu thuyền vùng bãi ngang tại thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc), chiếc tàu cá mang số hiệu TH.90875.TS, công suất 140 CV, do ông Nguyễn Đình Bình làm chủ tàu đã phát lửa, bùng cháy lan sang 2 tàu cá kế bên, gồm: Tàu cá mang số hiệu TH.91412.TS, công suất 180 CV, nghề giã kéo, chủ tàu là ông Nguyễn Văn Tuyên, thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộ và tàu cá số hiệu TH.90680.TS, công suất 165 CV của ông Nguyễn Văn Lợi, thôn Chiến Thắng, xã Ngư Lộc. Do lượng nhiên liệu dự trữ trên tàu khá lớn, có bình ga nên công tác tiếp cận tàu bị cháy rất khó khăn. Hậu quả, 3 tàu cá nói trên bị cháy hoàn toàn, thiệt hại ước tính trên 200 triệu đồng...

Vụ cháy tàu cá ở Ngư Lộc rạng sáng ngày 26/2/2017 đã thiêu rụi hoàn toàn 3 tàu cá. (Ảnh: Doãn Tài)

Nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy nổ tàu cá, chủ yếu do ý thức chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của ngư dân, mặt khác không ít chủ tàu còn bất cẩn trong việc sử dụng nguồn lửa, nhiệt, sử dụng bình gas trong quá trình đun nấu...Các khu vực dễ tạo nên cháy nổ như khu vực hầm máy, bếp, khu vực để ngư cụ chưa được quan tâm, bảo vệ, cách ly; hệ thống dây dẫn điện chưa đảm bảo, không trang bị bình cứu hỏa... Hơn nữa, nhiều chủ tàu còn thiếu kiến thức cần thiết về PCCN.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Theo báo cáo từ Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, toàn tỉnh hiện có 7.412 tàu cá, trong đó số tàu đã đăng ký là 6.757, tổng công suất 527.781 CV, bình quân 78,11 CV/tàu, thân tàu chủ yếu được làm bằng gỗ. Từ đầu năm đến nay, Thanh Hóa xảy ra 16 vụ tai nạn người và tàu cá khai thác trên biển, thiệt hại 7.853 triệu đồng.

Xác định phòng, chống cháy nổ là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua các cấp chính quyền và ngành chức năng đã đẩy mạnh chỉ đạo việc thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức về PCCN. Đồng thời Cảnh sát PCCC đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về an toàn lao động, PCCN cho ngư dân.

Khu vực nơi đặt bình gas nấu ăn gần buồng máy tàu, dễ gây cháy tại một số tàu cá tại Cảng cá Hòa Lộc, Hậu Lộc.

Ông Lê Văn Thăng - Giám đốc Cảng cá Hòa Lộc ( Hậu Lộc), cho biết, Ban quản lý cảng cá thường xuyên phối hợp các cơ quan chức năng nhắc nhở, kiểm tra các chủ phương tiện trang bị bình cứu hỏa, đảm bảo không xảy ra cháy nổ khi neo đậu trong cảng; kết hợp Cảnh sát PCCC số 3 tập huấn cấp chứng chỉ nghiệp vụ PCCC lao động và chủ tàu; yêu cầu chủ tàu mua sắm trang thiết bị PCCC. Cảng cá Hòa Lộc hiện có trên 1.500 lượt tàu cập cảng.

Trước những thiệt hại rất lớn do cháy tàu cá gây ra, việc trang bị các phương tiện PCCC trên tàu cá là rất cần thiết, nhằm bảo vệ tài sản, an toàn tính mạng ngư dân khi hoạt động, khai thác trên biển. Thiết nghĩ các ngành chức năng cùng với chính quyền địa phương cần tăng cường phối hợp tuyên truyền, tổ chức tập huấn, hướng dẫn ngư dân thực hành các kỹ năng, kiến thức về phòng, chống cháy nổ tàu thuyền; mua sắm, trang bị các phương tiện bình cứu hỏa. Đồng thời, chính ngư dân cũng cần tự giác chấp hành các quy định về PCCC trong quá trình lao động, vận hành thiết bị trên tàu...

Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]