(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Hơn một năm trước, những con tàu vỏ sắt của ngư dân Thanh Hóa đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ lần lượt hạ thủy là niềm vui, ước ao của bao ngư phủ phong sương. Ngày ấy, nhiều người tin 23 con tàu vỏ sắt với công suất gần 1.000 Cv mỗi chiếc sẽ đủ sức vươn khơi, đến những ngư trường xa quanh năm đánh bắt tôm cá mặc cho gió dữ sóng gầm. Thế nhưng khi niềm vui, hy vọng vừa lóe lên cũng là lúc nỗi buồn kéo đến, 18 chiếc trong đội tiên phong ấy đã gặp nhiều trục trặc, lúc hỏng máy phát điện, hỏng tăng gông, vỏ tàu hoen rỉ... phải liên tục nằm vạ vật trên các cảng để sửa chữa, gia cố, khắc phục. Đi cùng với đó là những giấy gọi trả nợ từ ngân hàng cứ ùn ùn đến với những đời ngư phủ, những người đang phải gánh thu nhập cho hàng trăm lao động nghề biển. Tôi gọi đó là cơn bão cạn với những đời ngư phủ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đi trong cơn bão cạn (Kỳ 1): Chung một căn bệnh

(VH&ĐS) Hơn một năm trước, những con tàu vỏ sắt của ngư dân Thanh Hóa đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ lần lượt hạ thủy là niềm vui, ước ao của bao ngư phủ phong sương. Ngày ấy, nhiều người tin 23 con tàu vỏ sắt với công suất gần 1.000 Cv mỗi chiếc sẽ đủ sức vươn khơi, đến những ngư trường xa quanh năm đánh bắt tôm cá mặc cho gió dữ sóng gầm. Thế nhưng khi niềm vui, hy vọng vừa lóe lên cũng là lúc nỗi buồn kéo đến, 18 chiếc trong đội tiên phong ấy đã gặp nhiều trục trặc, lúc hỏng máy phát điện, hỏng tăng gông, vỏ tàu hoen rỉ... phải liên tục nằm vạ vật trên các cảng để sửa chữa, gia cố, khắc phục. Đi cùng với đó là những giấy gọi trả nợ từ ngân hàng cứ ùn ùn đến với những đời ngư phủ, những người đang phải gánh thu nhập cho hàng trăm lao động nghề biển. Tôi gọi đó là cơn bão cạn với những đời ngư phủ.

Kỳ 1: Chung một căn bệnhChuyện về những con tàu vỏ sắt được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ thường xuyên gặp trục trặc, hoen rỉ đã làm nóng lòng dư luận trong những ngày qua. Từ những quán cafe phòng lạnh đến quán trà đá vỉa hè TP Thanh Hóa đều râm ran câu chuyện tàu 67. Những bàn tán hao hao, phiến diện ấy khiến tôi quyết định rong ruổi trên các cảng cá, gặp những ngư phủ chân chất, mặn mòi để làm rõ sự tình.

Đủ đường thiệt thòi

Chiều muộn trên cảng cá Hoằng Trường (Hoằng Hóa) gió thổi lồng lộng, hai con tàu vỏ sắt nằm chung chiêng phơi mình trên sóng nước giữa mùa cá tôm. Xa phía vòm trời, vành trăng non đầu tháng chập chờn giữa đám mây đen kịt như một con thuyền sắp đắm. Ngư phủ Lê Văn Lực ở xã Hoằng Trường chủ tàu vỏ sắt TH.91709.TS làm nghề lưới chụp mặt hốc hác, bơ phờ như vừa qua cơn bão dữ, mắt u sầu nhìn con tàu mà không muốn kể câu chuyện buồn.

Hằn giọng: "Nghĩ lại mà thấy thẹn với bạn thuyền, với các cháu trong làng biển chú à. Mình có tàu vỏ sắt mà làm ăn không có lãi bằng chúng nó", rồi ông kể tôi nghe về số phận con tàu TH.91709.TS từ khi nó được phôi thai sinh ra.

Hơn một năm trước, được bà con ngư dân và chính quyền bình bầu, thẩm định, phê duyệt cho đóng tàu vỏ sắt theo Nghị định 67 ông mừng ra mặt. Đời tổ tiên ông Lực chỉ được đi biển bằng con thuyền thúng, rồi lên bè mảng, góp nhóp mấy đời sau mới được đi tàu vỏ gỗ. Nay được ngân hàng cho vay ưu đãi đóng mới tàu vỏ sắt thì không gì vui hơn, đó là cơ hội đổi đời, nên ông vay mượn thêm của bạn bè, người thân, rồi vay Ngân hàng Agribank chi nhánh Hoằng Hóa hơn 14 tỷ đồng để đóng tàu vỏ sắt. Cuối năm 2015, sau khi được thẩm định thiết kế, ông ra tận Nam Định để thuê Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng tàu vỏ sắt. Ngày 25/12/2016 với gia đình ông là một sự kiện lớn vui hơn ngày ông cưới vợ với nhiều lời ngợi khen chúc tụng, con tàu với công suất 822CV được hạ thủy và bàn giao cho ông quản lý, sẵn sàng vượt khơi xa.

Niềm vui ấy ngắn chẳng tày gang, chuyến đầu tiên ông đi biển để thử tàu, thử lưới, thử trang thiết bị, mọi việc êm xuôi. 9 lao động được ông trả lương trên tàu cũng mừng ra mặt. Nhưng đó cũng là chuyến đi duy nhất cho đến nay mà tàu của ông Lực không gặp trục trặc.

Bốc những mảng rỉ sắt trên thân tàu, ông Lê Văn Lực đau nhói đến tận tim.

Bộ tăng gông con tàu TH.91709.TS bị gẫy khiến ông Lê Văn Lực phải gia cố bằng ống tiếp nước.

Giọng ông rầu rầu: “Từ ngày hạ thủy con tàu, tôi đi được 9 chuyến biển. Chỉ có chuyến thử tàu là êm xuôi. 8 chuyến còn lại tàu đều gặp sự cố phải vào cảng giữa chừng để sửa chữa, gia cố. Tiền sửa chữa vài chục triệu đồng cho mỗi lần thì không đáng. Đáng nói là chi phí dầu mỡ cho mỗi chuyến đi ấy đã mất đến hơn 100 triệu đồng mà không có nguồn bù đắp”.

Đang giữa mùa tôm cá, con tàu TH.91709.TS của ông Lực phải nằm lại cảng cá Hoằng Trường với lý do là máy phát điện bị hỏng, chờ sửa chữa. Con tàu ấy to lớn che lấp nhiều con tàu vỏ gỗ đậu kế bên, nhưng ngư dân Hoằng Trường nói nó chỉ được cái đẹp mã chứ chẳng ăn thua.

Không trách được miệng lưỡi như những nhát dao cứa vào ruột gan ông Lực, bởi trên con tàu ấy có hai máy phát điện thì một máy đã hỏng nặng phải sửa nhiều ngày, bộ tăng gông (bộ phận dùng để kéo, thả lưới) đã bị gẫy phải gia cố bằng ống tiếp nước; hầm bảo quản không đảm bảo; nhiều chỗ bị hoen rỉ... Úp bàn tay đập mạnh xuống thành tàu đã thấy từng mảng rỉ sắt bung ra khiến ông đau nhói đến tận tim gan.

"Nhiều lần tàu gặp trục trặc tôi có gọi cho Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đề nghị bảo hành, sửa chữa. Họ hứa sửa, nhưng chờ lâu quá tôi phải sửa để còn đi biển, chờ lâu để chết cả à. Lần này máy phát điện bị hỏng, sửa chữa rất tốt kém nên mới phải chờ công ty. Mà tôi gọi nhiều lần cho công ty, ban đầu họ hứa, giờ họ không nghe máy nữa" - ông Lực buồn rầu.

Nghe tôi cung cấp thông tin: Lãnh đạo tỉnh Bình Định đang đề nghị truy tố Công ty TNHH Đại Nguyên Dương vì công ty này đóng nhiều tàu cho ngư dân Bình Định cũng bị hỏng, ông giật mình lo lắng: "Chết, truy tố công ty thì còn ai bảo hành, khắc phục tàu cho ngư dân".

Từ đầu năm đến nay, tháng nào ông Lực cũng phải trả lương cho 9 lao động với mức 9 triệu/người/tháng. Nhiều lần tàu hỏng, phải sửa chữa, không đi biển khai thác được con cá, con tôm ông phải mang tiền nhà đi trả lương. Kinh tế kiệt quệ, mới đây ông đã đến Chi nhánh Ngân hàng Agribank Hoằng Hóa để xin giãn nợ quý II với số tiền gần 300 triệu đồng.

18 con tàu, một căn bệnh

Nằm cạnh con tàu của ông Lực trên cảng cá Hoằng Trường, một con tàu vỏ sắt khác đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ là tàu số hiệu TH.91646.TS của ông Lê Văn Còng, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) cũng bị hỏng phải nằm chờ sửa chữa. Ghi nhận trên Cảng Hải Quân (phường Quảng Tiến - TP Sầm Sơn) vào chiều ngày 5/7 có tới 4 con tàu vỏ sắt đang phải sửa chữa, trong đó có tàu của ông Nguyễn Duy Muộn ở xã Quảng Cư, TP Sầm Sơn mang số hiệu TH.93968.TS làm nghề lưới chụp.

Nhiều mối hàn trên tàu của ông Lê Văn Còng (xã Hoằng Trường) bị bong, gẫy.

Con tàu của ông Muộn có lẽ là trường hợp bi đát nhất trong số những con tàu vỏ sắt được đóng theo Nghị định 67 ở Sầm Sơn. Con tàu có công suất 829CV được đóng với số tiền 17,7 tỷ đồng do Công ty CP Đại Dương thi công. Ông Muộn cho biết: Sau khi nhận bàn giao đến nay ông đi được 9 chuyến biển thì cả 9 chuyến đều gặp trục trặc do tàu hỏng, phải bỏ 1,2 tỷ đồng để sửa chữa. Lúc thì hỏng máy tời, khi thì máy phát điện, khi thì hệ thống thủy lực, rồi gãy neo…

Nhìn bề ngoài, con tàu được đóng với số tiền 17,7 tỷ đồng mới nhận bàn giao khoảng 1 năm mà đã rỉ sét khiến nhiều người không khỏi xót xa. Ông Muộn đã nhiều lần gọi điện cho Công ty CP Đại Dương để bảo hành nhưng sự đền đáp chẳng là bao. Mới đây nhờ UBND TP Sầm Sơn và Sở NN&PTNT đấu nối tổ chức mà ông được đối thoại với lãnh đạo Công ty CP Đại Dương, nhưng hai bên vẫn chưa thống nhất được hướng sửa chữa khắc phục hư hỏng.

Nhiều con tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ đang phải nằm cảng để chờ sửa chữa.

Theo Báo cáo số 82 ngày 28/6/2017 của UBND tỉnh, tính đến ngày 26/6/2017 Thanh Hóa có 23 tàu vỏ sắt được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ đi khai thác, làm dịch vụ hậu cần. Trong đó có 5 tàu ít bị trục trặc, khai thác có hiệu quả; 18 tàu bị trục trặc về máy phát điện, cẩu tời, hầm bảo quản, gãy tăng gông, khai thác chưa có hiệu quả. Cụ thể ở Hậu Lộc có 6 tàu, Hoằng Hóa 5 tàu, Sầm Sơn 5 tàu và Tĩnh Gia 2 tàu.

18 con tàu bị trục trặc, hoàn cảnh của chủ tàu không khác là bao so với ông Lê Văn Lực. Dọc đường rong ruổi trên các cảng cá, tôi còn nghe câu chuyện về tàu vỏ sắt TH.92668.TS có công suất 811CV của ông Nguyễn Văn Quang ở thôn Hòa Ngư, xã Hòa Lộc (Hậu Lộc) như một nỗi đau trớ trêu. Ông Quang được nhận bàn giao tàu vào tháng 3/2017, ngay trong chuyến biển đầu tiên, tàu bị đứt dây, văng tời trúng vào người khiến một ngư dân tử nạn. Sau sự cố trên, con tàu phải nằm chờ phục vụ công tác điều tra. Những chuyến ra khơi sau đó con tàu đều bị gặp sự cố phải vào cảng sửa chữa, khiến chủ của nó lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Hay con tàu TH.93007.TS của ông Trần Văn Thượng ở Nghi Sơn (Tĩnh Gia) nhận bàn giao trong năm 2016 đã bị hếch phần mũi khiến ông phải đổ thêm mười mấy khối bê tông vào để ghim mũi tàu xuống, tạo cân bằng cho tàu...

18 con tàu, mức độ hư hỏng, trục trặc có khác nhau, nhưng đều có chung một "căn bệnh" là bệnh kém chất lượng. Trong những câu chuyện bàn về nguyên nhân của những con tàu hư hỏng, ngư dân cho rằng, cái chính là do thiết bị, thép, tôn, sơn... kém chất lượng. Tôi cho rằng, cái họ nói không sai, nhưng mới chỉ diễn tả được phần nổi của tảng băng chìm.

Đỗ Đức



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]