(vhds.baothanhhoa.vn) - Đồi hoang, đất trống, hàng chục hộ dân vốn lâu nay tất bật với cây mía, cây ngô, khoai, sắn, thì nay “bó gối” ngóng dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa (chủ đầu tư là Công ty TNHH hai thành viên Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ (địa chỉ đóng tại xã Yên Mỹ) được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận chủ trương tại Quyết định số 1630 ra ngày 17/5/2017. Chờ đợi mãi vẫn chỉ là những đồng đồi đất trống, bỏ cằn!...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Điêu đứng từ dự án bò sữa (Bài 1): Đất bỏ không, dân khóc ròng

Đồi hoang, đất trống, hàng chục hộ dân vốn lâu nay tất bật với cây mía, cây ngô, khoai, sắn, thì nay “bó gối” ngóng dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa (chủ đầu tư là Công ty TNHH hai thành viên Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ (địa chỉ đóng tại xã Yên Mỹ) được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận chủ trương tại Quyết định số 1630 ra ngày 17/5/2017. Chờ đợi mãi vẫn chỉ là những đồng đồi đất trống, bỏ cằn!...

“Nước mắt chảy ngược!”

Tờ mờ sáng, tôi sớm có mặt tại xã Công Bình, (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) sau những cú điện thoại phản ánh liên hồi từ phía người dân thôn Ổn Lâm 1, Ổn Lâm 2... Đón chúng tôi từ con đường mòn nhỏ dẫn thẳng lên đồi - lâu nay là diện tích đất canh tác 02 trồng mía, ngô, sắn, keo... cũng là “nguồn sống” duy nhất cho thu nhập của người dân nơi đây.

Gần 1 giờ đồng hồ cuốc bộ lên tới những khoảnh đồi đang bỏ trống cũng là lúc trời sáng rõ. Quang tầm mắt, những cánh đồi nơi trơ trọc, nơi lơ thơ những ngọn mía cây thấp, cây cao nghiêng ngả; những khoảnh keo sau thu hoạch để trống... một thực tại đầy xót xa.

Tôi hỏi: Dự án chưa triển khai sao không tiếp tục sản xuất?! Hộ ông Lê Sỹ Thành, thôn Ổn Lâm vì bất bình mà không kịp tường tận, bức xúc hỏi ngược: “Giờ chúng tôi phải làm gì?! Bảo thu hồi đất nhưng mãi chưa có hỗ trợ, đền bù? Bảo tiếp tục sản xuất, phía công ty họ có liên kết sản xuất, hỗ trợ đâu? Phó mặc trồng thì bán cho ai?!... muộn thời vụ mất rồi!”.

Kể từ khi UBND huyện Nông Cống ra quyết định thông báo thu hồi đất, tiến hành kiểm kê, tính giá trị di dời, đền bù, hộ ông Thành đã nghiêm chỉnh chấp hành dừng sản xuất, tính phương án di dời và làm ăn kinh tế ở nơi ở mới. Thế nhưng, đã hơn 3 tháng nay, gia đình ông không hề nhận được một khoản hỗ trợ, đền bù nào, trong khi toàn bộ diện tích trồng mía của gia đình ông Thành đãdừng canh tác.

Còn với hộ ông Lê Đức Lương, lâu nay kinh tế hộ gia đình khó khăn, phụ thuộc chính vào đất đồi, đấtruộng. Khi có thông báo kiểm kê, thu hồi đất, mặc dù đồi keo của gia đình còn non nhưng ông Lương cũng đành chấp nhận chặt bán để sớm bàn giao đất cho dự án. Ông Lương thở dài: “Thiết nghĩ, đây là dự án lớn đã được UBND tỉnh phê duyệt, thu hồi rồi sẽ có hỗ trợ, có đền bù, tính phương cách làm ăn khác. Tuy nhiên, sau khi keo đốn chặt, lúa đồng không cấy đã hơn 3 tháng nhưng vẫn không thấy có hỗ trợ, đền bù? Hỏi xã, xã bảo đang kiến nghị huyện!”.

Không chỉ hộ ông Thành, ông Lương mà hàng chục hộ dân khác với gần 100ha đất trong diện thu hồi cũng đang lâm cảnh điêu đứng, cuộc sống bị đảo lộn, ảnh hưởng to lớn đến kinh tế. Hiện tại, tiền đền bù, hỗ trợ, tạo công ăn việc làm từ dự án mới chỉ là lời hứa, trong khi ruộng đồng bỏ hoang!...

Người dân khóc ròng trên những đồi mía nay bỏ hoang để nhường đất cho dự án bò sữa!

Cần sớm một câu trả lời?!

Ông Lê Sỹ Thành và nhiều hộ dân lo lắng khi mới đây ông nghe đồn đoán rằng dự án bò sữa dừng triển khai. “Nếu đúng như vậy thì người dân chúng tôi thất thiệt quá! Đa phần các hộ dân sau khi bị thu hồi đất đã không còn tâm lý canh tác, đồng ruộng bỏ bê. Bây chừ mà bắt đầu canh tác thì cũng muộn thời vụ mất vài ba tháng. Chưa kể, phần lớn diện tích bị thu hồi là đất trồng mía, lâu nay liên kết sản xuất với phía nhà máy mía đường họ hỗ trợ giống, phân bón. Họ đã dừng liên kết từ khi có quyết định thu hồi đất, giờ có sản xuất cũng không có nơi để bán!” - ông Thành lo lắng.

Để rõ hơn vấn đề, chúng tôi tìm đến UBND xã Công Bình. Ông Đinh Xuân Dùng - Chủ tịch UBND xã không giấu được nỗi hoang mang, lo lắng cho biết: Sau khi dự án được phê duyệt, tổng diện tích của xã trong trong dự án bị lấy đi là gần 100ha, chủ yếu là đất 02 của 3 thôn, Ổn Lâm 1, Ổn Lâm 2 và thôn Ná của gần 40 hộ dân bị ảnh hưởng từ dự án. Hiện tại các hộ dân đang rất hoang mang không rõ dự án có tiếp tục triển khai hay không? Nếu không triển khai thì phải sớm có câu trả lời để người dân tiếp tục canh tác, ổn định sản xuất, đồng thời huyện, tỉnh cũng cần có chỉ đạo phía công ty mía đường Nông Cống tiếp tục liên kết sản xuất, hỗ trợ giống, phân bón cho bà con như trước khi có dự án.

Ông Dùng cho biết thêm: Với mong muốn dự án về triển khai sẽ hứa hẹn thay đổi diện mạo cho xã, tạo công ăn việc làm, đẩy mạnh phát triển kinh tế,văn hóa, xã hội, dịch vụ việc làm, đồng thời làm thay đổi nhận thức, tác phong sản xuất cho bà con khi được tiếp cận với hình thức sản xuất bằng công nghệ, khoa học kỹ thật... Bởi thế, ngay khi dự án bắt đầu, UBND xã Công Bình đã nhanh chóng vào cuộc.Đẩy mạnh công tác vận động, tư tưởng cho bà con bất kể thời gian, cả ngày nghỉ. Thậm chí, để bà con hiểu, xã còn phải giải thích đây là dự án lớn đã được tỉnh phê duyệt, là điều kiện để xã nghèo có cơ hội đổi mới về thu hút việc làm, thúc đẩy phát triển dịch vụ...

“Cũng nhờ sự vận động nỗ lực mà công tác giải phóng mặt bằng sớm được người dân đồng thuận. Vui hơn, khi biết kế hoạch của công ty đầu tư dự án sẽ giải ngân vốn trước tết Nguyên đán 2018. Song, “gáo nước lạnh” như dội vào đầu người dân xã Công Bình khi vốn giải ngân chỉ có xã Yên Mỹ?!”, ông Đinh Xuân Dùng - Chủ tịch UBND xã Công Bình khó hiểu.

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]