(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa hiện có hơn 200 doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc, giày da, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Nhờ kinh nghiệm từ giai đoạn đầu ứng phó với đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày đã chủ động tháo gỡ vượt khó khăn, xoay chuyển kế hoạch, nỗ lực tìm kiếm thị trường mới...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, tìm kiếm thị trường mới

Thanh Hóa hiện có hơn 200 doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc, giày da, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Nhờ kinh nghiệm từ giai đoạn đầu ứng phó với đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày đã chủ động tháo gỡ vượt khó khăn, xoay chuyển kế hoạch, nỗ lực tìm kiếm thị trường mới...

Những tháng đầu năm 2020, hầu hết các doanh nghiệp may mặc, giày da đều gặp khó khăn do phụ thuộc nguyên phụ liệu từ các đối tác Trung Quốc, nước chịu ảnh hưởng đầu tiên của dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp đã phải sản xuất cầm chừng, cho người lao động làm việc luân phiên. Trước khó khăn, thách thức này, Hiệp hội dệt may Thanh Hóa đã lên phương án, xây dựng kịch bản dự phòng, chủ động tìm nguồn cung thay thế từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Bangladesh, Brazil... nhưng có chi phí cao hơn hoặc đẩy mạnh sản xuất những mặt hàng mà Việt Nam có thể chủ động được về nguyên liệu. Đồng thời linh hoạt đa dạng hóa thị trường, giảm bớt phụ thuộc, do vậy đây cũng là cơ hội và thách thức cho nhiều doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế, giảm phụ thuộc nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc.

Năm 2020, Thanh Hóa đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 4 tỷ USD, tăng trưởng 7,4% so với năm 2019. Trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, ngành may mặc và giày da chiếm tới 70% tổng giá trị. Trong khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã thay đổi quy trình sản xuất, chuyển từ các mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh. Chẳng hạn, khi gặp khó đơn hàng với mặt hàng veston, sơ mi cao cấp, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang sản xuất đồ dệt kim, hàng thời trang hoặc khẩu trang, đồ bảo hộ để xuất khẩu. 8 tháng năm 2020, Thanh Hóa đã xuất khẩu được 154 triệu sản phẩm may mặc, chỉ giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu giày da tuy phục hồi chậm hơn nhưng tốc độ sụt giảm cũng chậm lại.

Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang và các mặt hàng phục vụ thị trường nội địa.

Theo số liệu từ Sở Công thương Thanh Hóa, từ tháng 6/2020, xuất khẩu hàng hóa may mặc, giày da đã có tín hiệu phục hồi. Trong tháng 6, xuất khẩu hàng hóa may mặc đã tăng 27,9% so với tháng 5. Đến tháng 8, hàng may mặc xuất khẩu đã đạt 22,4 triệu sản phẩm, tăng 0,7% so với tháng 7 và tăng 13,1% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng, toàn tỉnh đã xuất khẩu được 154,3 triệu sản phẩm may mặc và chỉ giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu giày dép tuy phục hồi chậm hơn nhưng cũng được kéo gần khoảng cách sụt giảm so với những tháng đầu năm. Hiện nay, nguồn cung nguyên liệu đã được khôi phục trở lại, nhưng các thị trường xuất khẩu may mặc lớn của Việt Nam là Mỹ, EU vẫn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Một số đơn hàng vẫn tiếp tục có thông tin về giãn, lùi tiến độ giao hàng. Đơn giá sản phẩm năm nay cũng thấp hơn nên các doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực thêm một thời gian nữa chờ tình hình khởi sắc hơn.

Hiện nay, ngành giày da là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19, cả về cung nguyên liệu và cầu sản phẩm. Hiện nay, một số ngành sản xuất xuất khẩu khác có dư địa lớn về tiêu thụ nội địa đã có dấu hiệu ổn định trở lại. Ngành may mặc, giày da chủ yếu thực hiện may gia công xuất khẩu, tuy nhiên, do thị trường đối tác chủ yếu là Mỹ và EU chưa khôi phục được hoạt động thương mại nên các đơn hàng sản xuất trong quý III, quý IV hiện bị cắt giảm khá lớn. Vì vậy, ngành may mặc đang gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, cũng như bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.

Linh hoạt trong kế hoạch kinh doanh, tiết giảm chi phí, khai thác những mặt hàng mới mang tính mùa vụ và đẩy mạnh kết nối thị trường, khai thác thị trường nội địa... là những giải pháp mà doanh nghiệp dệt may, da giầy Thanh Hóa hướng tới để duy trì hoạt động, giữ vững sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh hiện nay.

Ông Trịnh Xuân Lâm - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Tiên Sơn, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dệt may tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Hiện nay, để tạm thời khắc phục khó khăn, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang và các mặt hàng phục vụ thị trường nội địa, như: túi xách, chăn, ga, đệm... Để tạo thuận lợi cho sản phẩm mới của các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiếp tục thực hiện cải cách mạnh mẽ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục công bố hợp quy sản phẩm. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; đơn giản tối đa các thủ tục hành chính liên quan trong quá trình sản xuất, kinh doanh”.

Đông Hoàng


Đông Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]