(vhds.baothanhhoa.vn) - Được Thủ tướng ký Quyết định thành lập năm 2006, đến nay Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn Thanh Hóa cơ bản đã trở thành khu đô thị công nghiệp mang vóc dáng hiện đại với hạ tầng, lọc hóa dầu, dịch vụ cảng biển, logistics, công nghiệp công nghệ cao... đóng góp một phần to lớn trong tăng thu ngân sách tỉnh. Từ đó, giúp Thanh Hóa hướng tới tự chủ, cân đối thu chi, không phụ thuộc vào ngân sách Trung ương. Trong thành quả chung đó, điểm nhấn từ KKT Nghi Sơn không thể không nhắc tới vai trò, đóng góp của dự án then chốt mang tên Lọc hóa dầu trị giá hơn 9 tỷ USD, lớn nhất cả nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Động lực Nghi Sơn

Được Thủ tướng ký Quyết định thành lập năm 2006, đến nay Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn Thanh Hóa cơ bản đã trở thành khu đô thị công nghiệp mang vóc dáng hiện đại với hạ tầng, lọc hóa dầu, dịch vụ cảng biển, logistics, công nghiệp công nghệ cao... đóng góp một phần to lớn trong tăng thu ngân sách tỉnh. Từ đó, giúp Thanh Hóa hướng tới tự chủ, cân đối thu chi, không phụ thuộc vào ngân sách Trung ương. Trong thành quả chung đó, điểm nhấn từ KKT Nghi Sơn không thể không nhắc tới vai trò, đóng góp của dự án then chốt mang tên Lọc hóa dầu trị giá hơn 9 tỷ USD, lớn nhất cả nước.

Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn đóng góp to lớn trong tăng thu ngân sách tỉnh Thanh Hóa cũng như thu hút đầu tư.

Diện sắc mới

Vào KKT Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia) và tìm đến với đại dự án liên hợp lọc hóa dầu những ngày chạm tết Canh Tý 2020 cho tôi nhiều cảm nhận mới lạ. Đó là sự đổi thay, là diện sắc mới của một khu công nghiệp hiện đại bậc nhất, nhì cả nước. Hiện đại từ những đại dự án quy mô tỷ đô, cho tới hệ thống giao thông, hạ tầng kinh tế, xã hội được đầu tư đồng bộ. Một sự đổi thay nhanh, nói không quá là “chóng mặt” nếu đặt trong hệ quy chiếu của những năm về trước. Một Nghi Sơn nghèo khó nhất nhì xứ Thanh, một Nghi Sơn trũng thấp với đầm lầy của những sú, vẹt... mênh mang, heo hút.

Nay, những nơi tôi qua, người dân các xã phụ cận khu công nghiệp, phụ cận lọc hóa dầu như Tĩnh Hải, Hải Yến, Nghi Sơn... đã không còn độc cái nghề nông, nghề biển đầy rủi ro như trước. Thay vào đó, những quán xá, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn... mọc lên san sát. Những mái nhà tranh tre năm nào nay đã mái ngói, mái tầng khang trang, đời sống của người dân nâng lên rõ rệt!

“Không lạ, dễ hiểu! Đó là nhờ vào lọc hóa dầu, nhà máy nhiệt điện, xi măng...”, ông Nguyễn Ngọc Thương - Bí thư, Chủ tịch UBND xã đảo Nghi Sơn khẳng định. Cũng theo ông thì mỗi gia đình trong xã có ít nhiều 1 vài lao động được thụ lợi làm việc trong khu kinh tế với mức lương cao. Con em nào được học hành, đào tạo kỹ thuật thì được tạo điều kiện làm việc khối óc. Đối với những bần nông không còn đất, còn ruộng thì được nhận vào làm dọn vệ sinh, cắt cỏ, tỉa cây... thu nhập khá!

Rẽ vào một quán ăn sáng bất kỳ trong nhan nhản những quán xá ở Nghi Sơn, điều dễ nhận thấy là sự tấp nập của thực khách có mặt. Họ đa phần là cán bộ công nhân kỹ thuật của các nhà máy, xí nghiệp, của Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang nạp năng lượng cho một ngày làm việc mới. Phút rảnh tay, bà chủ quán tên Yến cho biết: “Gia đình nghèo lắm! Hai vợ chồng cũng chẳng học nhiều. Lấy nhau không thể sống được nhờ đồng ruộng mặn mòi đành phải vào Nam ra Bắc làm đủ nghề. Thế nhưng phiêu bạt mãi vẫn cứ nghèo. Giờ bữa ăn đã no, con cái được học hành cũng nhờ vào quán cháo lòng. Và quán cháo đông khách, ăn nên làm ra cũng nhờ có khu công nghiệp, có lọc hóa dầu!”.

Quả vậy, như lời lãnh đạo huyện Tĩnh Gia thì kể từ những ngày đầu khi dự án lọc hóa dầu đặt chân vào vùng Nam Thanh khi đó chính sách lao động của công ty này là khá rõ ràng cho bà con. Công ty sẽ tuyển dụng lao động dựa trên ba tiêu chí, người lao động có đất trên chính dự án, người lao động liên quan đến khu vực dự án kể cả khu vực đất liên quan tới tái định cư và cuối cùng là người lao động ở vùng ven dự án. Vì vậy, toàn bộ các gia đình có đất đai sử dụng trong dự án cũng như khu vực liên quan đều có người được nhận vào làm việc tại Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, từ lao động kỹ thuật cho đến lao động phổ thông như làm vệ sinh, cảnh quan khuôn viên nhà máy, phục vụ nấu ăn... Và thực tế, người dân đang được thụ hưởng chính sách lao động từ những dự án như lọc hóa dầu...

Đem những con số so sánh, một lãnh đạo huyện thống kê, rằng thời điểm khởi công, Nghi Sơn có tới 80.000 dân. Trong đó, khoảng 43.000 người trong độ tuổi lao động và chủ yếu là lao động nông nghiệp (chiếm đến trên 70%). Đến nay, chỉ tính riêng lọc hóa dầu kể từ khi đi vào vận hành, dự án có 1.327 lao động, lực lượng lao động này chủ yếu là các kỹ sư, chuyên gia, lao động có tay nghề kỹ thuật cao, với mức lương bình quân đạt 36,745 triệu đồng. Toàn bộ lao động được bố trí phòng ở tại khu nhà dành cho chuyên gia và cán bộ, công nhân viên. Thu nhập bình quân của công nhân làm việc cho các nhà thầu khoảng 8-10 triệu đồng/ tháng.

Bên cạnh việc tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương tại KKT cũng như lọc hóa dầu thì cũng kéo theo những ngành nghề dịch vụ khác phát triển như nhà hàng, khách sạn, quán xá, trường học, bệnh viện... Và từ đây lại tạo thêm những công ăn việc làm mới, góp phần giúp Nghi Sơn có một diện mạo mới!

2.910 tỷ đồng

Những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa luôn là tâm điểm của cả nước với những thành tựu nổi bật. Tốc độ kinh tế tăng trưởng cao nhất tới nay, GDP bình quân đầu người vượt kế hoạch, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu ngân sách Nhà nước không ngừng tăng. Trong đó, đóng góp lớn nhất cho sự phát triển kinh tế đặc biệt là giá trị sản xuất công nghiệp từ “điểm nhấn” Nghi Sơn với những đóng góp từ dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chính thức đi vào vận hành thương mại (tháng 11/2018). Lọc hóa dầu Nghi Sơn chính là nhân tố thúc đẩy thu hút số lượng doanh nghiệp về đây. Đến nay, có khoảng hơn 800 doanh nghiệp, dự án đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn với 175 dự án đầu tư trong nước (tổng vốn 113.379 tỷ đồng) và 19 dự án FDI (tổng vốn 12.860 triệu USD). Nhiều dự án đã được khởi công xây dựng và đi vào hoạt động như: Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 - tổng vốn đầu tư 2,793 tỷ USD, Liên hợp Luyện cán thép Nghi Sơn - công suất 7 triệu tấn/năm; các Nhà máy chế biến dầu ăn Musimax (Singapore); Nhà máy bao bì Đại Dương, Xi măng Công Thanh, Anora...

Nói thêm về dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, đây là công trình dầu khí phức hợp được đầu tư lớn nhất trong lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam với hơn 9 tỷ USD. Dự án là tổ hợp hóa dầu chế biến sâu tầm cỡ quốc tế, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới. Sau 1 năm đi vào hoạt động, nhà máy đã xử lý hơn 7,1 triệu tấn dầu thô từ Kuwait để sản xuất khoảng 4,6 triệu tấn sản phẩm xăng dầu chất lượng cao. Ước tính, Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đáp ứng khoảng 33% nhu cầu ngày càng tăng của Việt Nam về nhiên liệu trong nước, giúp giảm đáng kể sự phụ thuộc vào xăng dầu nhập khẩu.

Qua đó góp phần tăng thu đáng kể cho ngân sách tỉnh Thanh Hóa. Thông tin từ Cục thuế Thanh Hóa cho biết, tổng thu cân đối ngân sách năm 2019 ước thu đạt 18.200 tỷ đồng, đạt 126,9% dự toán Bộ Tài chính giao; 117,1% dự toán UBND tỉnh giao, bằng 113,2% so với cùng kỳ năm 2018. Nếu tính cả nguồn thu nội địa và xuất nhập khẩu, thu ngân sách năm 2019 ước thực hiện 27.900 tỷ đồng. Đây là kết quả cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn KKT Nghi Sơn là 4.738 tỷ đồng, chiếm 26% tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Nếu loại trừ thu tiền sử dụng đất, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn KKT Nghi Sơn chiếm tỷ lệ 38,3% tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Riêng dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn sau khi đi vào vận hành thương mại tháng 11/2018, sản phẩm tiêu thụ năm 2019 đạt 6,3 triệu tấn sản phẩm các loại đã đóng góp vào thu ngân sách Nhà nước đạt 2.910 tỷ đồng bằng 143,4% so với cùng kỳ năm 2018... Đây là con số đóng góp đáng kể trong tổng thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh năm 2019 cũng như những năm tiếp theo.

Động lực mới...

Đầu năm 2019, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Thanh Hoá đã công bố điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng KKT Nghi Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là sự kiện quan trọng không chỉ đối với nhiệm vụ xây dựng phát triển KKT Nghi Sơn mà còn ảnh hưởng lớn đến chiến lược, định hướng phát triển KT-XH của tỉnh Thanh Hóa và khu vực trong giai đoạn tiếp theo.

Với tổng diện tích quy hoạch 106.000 ha (tăng gần 10 lần so với ban đầu), trong đó có 66.497,57 ha đất liền, hải đảo và 39.502,43 ha mặt nước biển. Sau khi điều chỉnh, KKT Nghi Sơn sẽ là KKT biển đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, gắn liền với xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Nghi Sơn.Vận hành theo cơ chế ưu đãi đặc biệt, là động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc miền Trung. KKT Nghi Sơn cũng là đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ giao lưu, trao đổi hàng hóa kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế thông qua hệ thống đường bộ và cảng biển Nghi Sơn.

Đây là động lực để Nghi Sơn tiếp tục phát triển!

NHỮNG CON SỐ

1. Phát triển KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 là một trong 5 Chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

2. Giai đoạn 2016 - 2019, tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí cho các dự án đầu tư phát triển hạ tầng trong KKT Nghi Sơn là 2.650 tỷ đồng, đầu tư 15 dự án chuyển tiếp và 12 dự án khởi công mới, đã hoàn thành 14 dự án, đưa tổng số dự án đã hoàn thành và đi vào khai thác kể cả giai đoạn trước là 57 dự án.

3. Từ năm 2016 đến nay, KKT Nghi Sơn cũng đã thu hút được 12 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật từ nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 11.037 tỷ đồng nâng tổng số dự án đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội tại KKT Nghi Sơn này lên 33 dự án với tổng vốn đăng ký 24.703 tỷ đồng, vốn thực hiện đạt 13.216 tỷ đồng.

4. 98 dự án mới đầu tư vào KKT Nghi Sơn từ năm 2016 đến nay. Trong đó 86 dự án đầu tư trong nước và 12 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư 36.925 tỷ đồng và 3.036,3 triệu USD.

5. Lũy kế đến hết tháng 9/2019, KKT Nghi Sơn thu hút 218 dự án đầu tư trong nước tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 120.293 tỷ đồng và 18 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 12,679 tỷ USD. Riêng 9 tháng đầu năm, KKT Nghi Sơn đã thu hút 31 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 9.489,452 tỷ đồng.

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]