(vhds.baothanhhoa.vn) - Cũng trong chặng đường một thập kỷ đã qua, nhiều khó khăn, vướng mắc được ghi nhận trong quá trình triển khai dự án tỷ đô Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Tuy nhiên, giống như “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, để đi đến ngày dòng dầu mang thương hiệu Việt chảy ra lần đầu tiên trên mảnh đất Thanh Hóa, có sự nỗ lực, đồng tâm của rất nhiều người dân, chính quyền các cấp và các bên liên doanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn - động lực và phát triển (Kỳ 2): Khó khăn nhân lên quyết tâm

Cũng trong chặng đường một thập kỷ đã qua, nhiều khó khăn, vướng mắc được ghi nhận trong quá trình triển khai dự án tỷ đô Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Tuy nhiên, giống như “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, để đi đến ngày dòng dầu mang thương hiệu Việt chảy ra lần đầu tiên trên mảnh đất Thanh Hóa, có sự nỗ lực, đồng tâm của rất nhiều người dân, chính quyền các cấp và các bên liên doanh.

Khó khăn như một lẽ đương nhiên

Với dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, có thể nói khó khăn tỷ lệ thuận với quy mô. Trong đó, GPMB được xem là khó khăn lớn nhất đối với đại dự án này. Dự án được xây dựng trên địa bàn các xã: Mai Lâm, Tĩnh Hải, Hải Yến với 5.031 hộ bị ảnh hưởng. Xã Hải Yến bị ảnh hưởng và phải di dời hầu như toàn bộ. Tổng diện tích được thu hồi phục vụ dự án và các hạng mục, công trình có liên quan là 918,47 ha mặt đất bao gồm cả các khu tái định cư và 913 ha mặt biển. Dù bắt tay vào triển khai các bước điều tra và lập phương án GPMB từ năm 2007, song công tác này với khối lượng lớn công việc và các hộ dân cần di dời đã kéo dài trong nhiều năm.

Điều khó tránh khỏi là tình trạng khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường GPMB ở một bộ phận nhỏ người dân đã gây mất ổn định trật tự an toàn xã hội và dư luận không tốt trong nhân dân. Một số hộ cố tình không chấp hành bàn giao mặt bằng dẫn đến phải tổ chức tuyên truyền, vận động nhiều lần, đồng thời thực hiện các quy trình để cưỡng chế thu hồi đất làm mất nhiều thời gian. Từ tháng 11/2016 đến 8/2017 cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã điều tra vụ án hình sự Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ diễn ra tại xã Hải Yến, dự án khu C - Lọc hóa dầu Nghi Sơn, bên cạnh yếu tố tích cực góp phần răn đe, tuyên truyền về việc chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật đến người dân, cấp ủy chính quyền cũng chịu chi phối thời gian qua quá trình điều tra.

Thẳng thắn nhìn nhận lại công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác GPMB, chính quyền huyện Tĩnh Gia đánh giá có lúc còn chưa tập trung, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở. Do trước đó công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai không chặt chẽ, hồ sơ lưu trữ không đầy đủ đã gây khó khăn cho việc xác định nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng đất.

Ngoài khó khăn trong GPMB, ảnh hưởng tới tiến độ của dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn còn có những lỗi kỹ thuật phát sinh ngay trước thời điểm nhà máy đi vào vận hành thử. Được biết có tới hơn 1.000 lỗi kỹ thuật khiến cho nhà máy đi vào hoạt động chậm hơn dự kiến. Các chuyên gia, kỹ sư và công nhân đã phải làm việc không quản ngày đêm, thậm chí làm việc xuyên tết để khắc phục từng lỗi gặp phải này.

Tuy nhiên, sau tất cả, vấn đề được đặt song song với sự thành công của dự án là việc giải quyết việc làm, phục hồi sinh kế cho người dân sau thu hồi đất vẫn còn nhiều điều đáng lưu tâm. Sau khi di chuyển lên các khu tái định cư, đời sống một bộ phận nhân dân còn gặp khó khăn bởi đại đa số người dân tại đây làm nông nghiệp và đánh bắt thủy hải sản, khi không còn tư liệu sản xuất việc chuyển đổi nghề nghiệp giống như một bài toán khó. Trong thời gian đợi kế hoạch phục hồi sinh kế Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt 11/2015 đi vào triển khai, những lớp học nghề ngắn hạn vẫn chưa phát huy tác dụng trong việc định hướng và giải quyết việc làm cho người dân nơi đây.

Dự án LHD Nghi Sơn từng gặp những khó khăn trong công tác GPMB, kỹ thuật... song đã được khắc phục từng bước.

Trao đổi với Bí thư Đảng ủy xã Hải Yến Cao Văn Tĩnh được biết, tính đến cuối năm 2017 trên tổng dân số 5.014 người hiện địa phương này chỉ có 987 người có công việc ổn định còn lại là lao động thời vụ, người không có việc làm hoặc người không nằm trong độ tuổi lao động... Là một xã nằm trong diện di dời tái định cư hầu như toàn bộ để phục vụ dự án, xã Hải Yến nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành kể cả các nhà đầu tư trong việc ổn định đời sống nhân dân song vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình “an cư lập nghiệp” từ năm 2010 đến nay.

Song song, còn nhiều những khó khăn, vướng mắc khác ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai dự án. Tuy nhiên, sau tất cả, mẻ dầu đầu tiên đã được sản xuất trên mảnh đất Nghi Sơn, Thanh Hóa. Nơi trước kia là nhà cửa, đồng ruộng của nhân dân, nay đã trở thành nhà máy hiện đại bậc nhất cả nước. Niềm vui Nghi Sơn hôm nay bắt đầu từ những hy sinh, sự chung sức, đồng lòng, tinh thần quyết tâm của rất nhiều con người...

Đằng sau những khó khăn

Nhận thức được rằng khó khăn là điều không tránh khỏi, những công việc ở Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã được các cấp chính quyền, các bên liên doanh và người dân địa phương nỗ lực giải quyết. Điều khó nhất là GPMB cuối cùng cũng hoàn tất khi từng hộ dân đã đồng thuận và di dời khỏi mảnh đất từng gắn bó bao thế hệ, nơi lưu giữ tình yêu, nét truyền thống lịch sử, văn hóa của làng xã, quê hương. Trong cuộc trao đổi với Bí thư Đảng ủy xã Hải Yến chúng tôi được biết về cách làm của địa phương trong công tác GPMB: lấy cán bộ, đảng viên làm gương để quần chúng nhân dân noi theo từ đó tạo nên phản ứng dây chuyền tích cực. Những người đi đầu tiên phong dời đến khu tái định cư chính là những cán bộ xã, cán bộ thôn của địa phương. Ngoài ra còn phải kể đến 50 con người làm việc tại Ban GPMB huyện Tĩnh Gia, những người trực tiếp tiếp xúc, tuyên truyền, vận động người dân trong công tác GPMB. Những cán bộ ở đây đã chia sẻ một vài kỷ niệm không phải ai cũng biết khi họ thực hiện công tác này. Việc ngồi ở nhà dân nói chuyện, vận động qua trưa hay tới 1-2 giờ sáng; việc những hộ dân tình nguyện di dời những nấm mồ mới còn chưa xanh cỏ dành đất cho dự án... Và theo họ: “Sẽ không làm được gì nếu không có sự đồng thuận của người dân!”.

Về cơ sở chúng tôi còn được gặp một cán bộ phụ nữ xã đầy nhiệt huyết như bà Lê Thị Hiền (Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hải Yến) đang ngày đêm tìm hiểu đưa ngành nghề mới về đào tạo và giải quyết việc làm cho phụ nữ địa phương, đặc biệt là phụ nữ lứa tuổi trên 40 khó tiếp cận các công ty nước ngoài.

Và còn rất nhiều những con người, người là cán bộ, người là ngư dân... đều đã và đang góp phần giải quyết những vướng mắc đối với dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Rõ ràng, khó khăn nhiều nhưng quyết tâm cũng cao, hẳn đó là nguyên nhân đưa tới thành công bước đầu của Lọc hóa dầu Nghi Sơn tại thời điểm hiện tại.

Nguyên Mai


Nguyên Mai

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]