(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Dẫu rằng muối "mặn và chát", song diêm dân vẫn phải làm. Để nghề muối tồn tại và phát triển, đời sống diêm dân được cải thiện, nghề làm muối phải được đối xử bình đẳng như các nghề khác của nhà nông trong việc tiếp cận các cơ chế hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, thiết bị kĩ thuật, vốn...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Duy trì sản xuất ở các vùng muối và đời sống diêm dân (Bài cuối): Cái khó ở đầu ra

(VH&ĐS) Dẫu rằng muối "mặn và chát", song diêm dân vẫn phải làm. Để nghề muối tồn tại và phát triển, đời sống diêm dân được cải thiện, nghề làm muối phải được đối xử bình đẳng như các nghề khác của nhà nông trong việc tiếp cận các cơ chế hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, thiết bị kĩ thuật, vốn...

Những cánh đồng muối bị bỏ hoang ngày càng nhiều.

Cháy xém thịt da mới ra hạt muối

Mùa hè, thời gian sản xuất chính của diêm dân. Trên các cánh đồng muối ở Hậu Lộc, Tĩnh Gia, người diêm dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, xém cháy thịt da mới ra hạt muối. Với họ, nghề muối là nghề "3 nhất": vất vả nhất, giá thành thấp nhất, nghề yếu thế nhất.

Thực tế sản xuất muối phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện thời tiết, mỗi năm chỉ sản xuất được từ 4 - 5 tháng và cũng chỉ làm vào những ngày nắng trong điều kiện lao động thủ công vất vả nặng nhọc. Sản xuất đã khó khăn, tiêu thụ sản phẩm lại càng khó khăn hơn.

Theo khảo sát của Sở NN&PTNT Thanh Hóa thì sản xuất muối diện tích ngày càng thu hẹp (chỉ chiếm khoảng 10 -16% tổng diện tích đất nông nghiệp ở từng xã). Giá trị sản xuất chỉ chiếm khoảng từ 2 - 3% tổng GDP toàn xã và chiếm khoảng 0,1 - 0,5% cơ cấu trong lĩnh vực thủy sản, diêm nghiệp; trong khi đó lực lượng sản xuất lại đông (chiếm từ 25 - 28% lao động ở xã) và trên 40% là hộ nghèo.

Những ngày đầu tháng 6, nắng nóng, gió mạnh, độ ẩm thấp là điều kiện thuận lợi để sản xuất muối. Tuy nhiên, thực tế trên ruộng muối thì không thuận lợi như vậy. Ông Nguyễn Văn Tùng - xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: “Mấy năm trước, với diện tích 2.000m2 ruộng muối, gia đình có thu nhập trên dưới 3 triệu đồng/tháng. Còn năm nay, tuy mới đầu vụ sản xuất nhưng giá muối cứ rơi tự do nên càng làm càng thua lỗ”.

Một ngày trải nghiệm nghề làm muối với diêm dân, chúng tôi mới thực sự thấm thía nỗi nhọc nhằn của diêm dân. Từ 5 - 6h sáng, họ đã bắt đầu ra đồng muối lấy nước mặn vào ruộng qua những bể chứa nhỏ, sau đó phơi nắng. Đến buổi chiều, khoảng 13h, dưới cái nắng cháy da cháy thịt, diêm dân đóng nước để giang thành các ô muối.

Sau thời gian nắng nóng, hơi nước muối bốc lên, tầm khoảng 2 tiếng đồng hồ, muối bắt đầu kết tinh, lúc này diêm dân tiến hành cào muối tấp thành từng đống và chờ tiêu thụ.

Khắc khoải chờ đầu ra

Khó khăn trong khâu sản xuất là một lẽ, nhưng để tiêu thụ được muối với giá thành hợp lý lại là cả một câu chuyện khó.Theo diêm dân, mỗi ngày giá muối lại được các thương lái mua với giá khác nhau, khi được hỏi lý do vì sao giá muối không ổn định thì được trả lời: Kinh doanh phải tính toán lỗ lãi, chúng tôi bán ra thị trường có lãi, mới mua giá cao, bán ế thì mua giá thấp"".

Có một thực tế đáng buồn là muối dù có rẻ đến mấy thì họ cũng phải bán. Nguyên nhân chính vẫn là không có nhiều doanh nghiệp đến thu mua.

Giá cả và tiêu thụ sản phẩm là hai yếu tố quan trọng đang làm ảnh hưởng đến tương lai nghề muối của tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay, 90% sản lượng muối tiêu thụ được là nhờ cácthương lái.

Trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp chế biến muối, nhưng theo thông tin chúng tôi được biết, trong vài năm trở lại đây, sản lượng muối do các doanh nghiệp trong tỉnh thu mua chỉ chiếm 10% tổng sản lượng muối trong tỉnh hằng năm.

Trong thời gian qua mặc dù đã có nhiều chính sách và dự án từ Trung ương đến địa phương hỗ trợ diêm dân trong tỉnh tháo gỡ khó khăn, song hiện nay ít có doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến muối. Diêm dân vẫn khắc khoải đợi chờ đầu ra cho sản phẩm của mình. Nhiều cánh đồng muối bị bỏ hoang cũng có một phần nguyên nhân từ muối làm ra không bán được.

Dường như chưa khi nào người diêm dân yên tâm với nghề muối, với hạt muối mặn chát mồ hôi của họ. Nghề muối vẫn trong cái vòng luẩn quẩn, năng suất thấp, chất lượng giảm, doanh nghiệp ít thu mua, thương lái ép giá.

Để vực dậy được nghề muối, nhiều ý kiến cho rằng, cần có những cơ chế, chính sách của Nhà nước phù hợp nhằm phát huy vai trò liên kết giữa chính quyền, doanh nghiệp và người làm muối để khi muối làm ra được tiêu thụ thông qua hợp đồng, tránh tình trạng ép giá gây thiệt hại cho diêm dân.

Đồng thời áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất muối để tăng năng suất và chất lượng... Có như vậy, diêm dân mới bám đồng và yên tâm đầu tư phát triển nghề muối truyền thống.

Huy Hoàng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]