(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Chưa lúc nào giá thịt lợn hơi xuống thấp kỷ lục như thời điểm hiện tại khiến hàng nghìn hộ dân nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang bên bờ vực phá sản. Trong khi đó, các đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng lao đao, phải tính bài chuyển hướng kinh doanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giá lợn hơi xuống thấp, đại lý thức ăn chăn nuôi cũng lao đao

(VH&ĐS) Chưa lúc nào giá thịt lợn hơi xuống thấp kỷ lục như thời điểm hiện tại khiến hàng nghìn hộ dân nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang bên bờ vực phá sản. Trong khi đó, các đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng lao đao, phải tính bài chuyển hướng kinh doanh.

Tình trạng giá lợn hơi xuống dốc, không chỉ các hộ chăn nuôi gặp khó, các đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng đang lao đao vì không bán được hàng, không thu hồi được vốn.

Đại lý gia đình bà Tạ Thị Cảnh - thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa cho biết: Hiện đại lý đang rất khó khăn khi không thu hồi được vốn trong dân. Vì là đại lý nhỏ nên hàng bán ra chủ yếu đến các trang trại, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Nay các hộ không bán được lợn, thua lỗ, phá sản thì đồng nghĩa với việc nguồn vốn vay, vốn ứng từ trong dân không thể thu hồi ngay được.

“Làm kinh doanh mà nguồn vốn không có; khách hàng không mua thì biết bán cho ai?!” - bà Cảnh thở dài.

Mặc dù, thời gian gần đây, phía đại lý gia đình bà Cảnh đã linh động chuyển đổi một số mặt hàng thức ăn chăn nuôi dành cho gia súc sang thức ăn chăn nuôi dành cho gia cầm, thức ăn thủy sản... tuy nhiên do các hộ chăn nuôi gia cầm cũng đang lâm cảnh mất giá, đầu tư chăn nuôi không cho lãi nên lượng khách đến với đại lý chỉ tính nhẩm trên đầu ngón tay mỗi ngày.

Với các đại lý lớn như đại lý Tân Vân - Đại lý lớn cấp 1 tại huyện Hoằng Hóa cũng đang tính bài chuyển hướng kinh doanh. Với thâm niên gần 30 năm hoạt động, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thời điểm trước đây, mỗi tháng đại lý này nhập trên 100 tấn thức ăn, mỗi ngày thu lãi cả chục triệu đồng thì nay chỉ còn nhập cầm chừng 40 tấn thức ăn/tháng. Bà Vân - Chủ đại lý cho biết: Do giá lợn hơi tụt dốc, người chăn nuôi chuyển hình thức chăn nuôi cầm hơi, bằng các loại thức ăn khác, hoặc chuyển hình thức chăn nuôi, con nuôi nên lượng thức ăn đại lý nhập bán tụt giảm mạnh. Khó khăn hơn nữa, mặc dù giá lợn xuống thấp nhưng giá thức ăn chăn nuôi nhập vào gần như vẫn giữ nguyên.

Nhiều cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đìu hiu, vắng khách do giá lợn tụt dốc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Huy Cường - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoằng Hóa cho rằng: Việc rớt giá lợn xuống sâu khiến người chăn nuôi thất thu, phá sản là chuyện rất buồn với ngành nông nghiệp, cần sự chia sẻ với người nông dân. Với những hộ chăn nuôi lâu dài thì có thể chuyển hình thức chăn nuôi. Nhưng với những hộ mới chăn nuôi một vài lứa đầu thì hiện đang đứng trên bờ vực phá sản, phải cầm cố tài sản.

Theo ông Cường, nguyên nhân giá lợn tụt dốc có nhiều: Thứ nhất, những năm 2014, 2015 và đầu năm 2016 do giá lợn cao, người chăn nuôi có lãi, thậm chí có thời điểm mỗi con lợn xuất chuồng có lãi trên 1 triệu đồng. Thứ hai, là nguồn cung cấp đầu vào từ con giống đến thức ăn chăn nuôi phong phú, các đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi mọc lên như nấm.. Thứ ba là chính sách của trung ương (Quyết định số 50 hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ), chính sách của tỉnh khuyến khích, hỗ trợ phát triển mô hình trang trại. Thứ tư, thị trường tiêu thụ thời điểm bấy giờ khả quan... Đó là những nguyên nhân “ru ngủ” người nông dân chạy theo phong trào mở trang trại, gia trại chăn nuôi.

“Khi mà nguồn cung quá lớn, thị trường chủ yếu phụ thuộc phía Trung Quốc nên khi họ ngừng nhập khẩu thì dẫn đến hệ quả lợn rớt giá không phanh. Người nuôi lợn phá sản, đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi điêu đứng là hệ lụy tất yếu. Đây cũng là bài học cho các cấp ngành, cũng như người nông dân về chiến lược chăn nuôi. Cần có sự linh động, phát triển theo hợp đồng đảm bảo đầu ra ổn định, tránh chạy đua theo phòng trào... ” - Ông Cường nhấn mạnh.

Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]