(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Từ cuối năm 2016 đến nay, giá lợn hơi liên tục xuống thấp, có thời điểm giá chỉ 28.000 đồng/kg. Nhiều nông dân nuôi lợn trên địa bàn tỉnh đứng trước tình trạng thua lỗ, thậm chí trắng chuồng khi không đủ chi phí chăn nuôi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giá lợn hơi xuống thấp: Nhiều hộ dân trắng chuồng

(VH&ĐS) Từ cuối năm 2016 đến nay, giá lợn hơi liên tục xuống thấp, có thời điểm giá chỉ 28.000 đồng/kg. Nhiều nông dân nuôi lợn trên địa bàn tỉnh đứng trước tình trạng thua lỗ, thậm chí trắng chuồng khi không đủ chi phí chăn nuôi.

Người nuôi lợn lỗ 1 triệu đồng/con

Gia đình anh Đào Duy Do, thôn Phong Lượng, xã Quảng Phong, (Quảng Xương) đầu tư chăn nuôi lợn nái, lợn thương phẩm từ năm 2013 với số vốn đầu tư ban đầu gần 800 triệu đồng với quy mô 3 dãy chuồng trại diện tích 5.300m2. Có thời điểm giá lợn tăng cao, gia đình anh nuôi hơn 200 lợn thịt siêu nạc và 25 lợn nái. Tuy nhiên, bắt đầu từ giữa năm 2016, giá lợn bắt đầu tụt giảm, anh cũng như nhiều hộ nuôi khác cứ nghĩ Tết Đinh Dậu 2017 giá sẽ nhỉnh lên, nhưng thực tế cho đến thời điểm hiện tại giá vẫn chỉ từ 28 - 33.000 đồng/kg. Chưa có năm nào, giá lợn hơi xuống thấp như năm nay. Để cắt giảm chi phí chăn nuôi anh đã phải giảm dần số lượng lợn thịt. Với mức giá như hiện nay, trừ tiền thức ăn, thuốc thú y, điện nước, công chăm sóc, bình quân 1 con lợn khoảng 1 tạ thì gia đình lỗ 1 triệu đồng/con. 3 dãy chuồng trại gia đình anh, giờ chỉ còn duy trì 1 và chỉ vài ô có lợn thịt và lợn nái.

Sát vách chuồng trại gia đình anh Do là dãy chuồng trại gia đình bà Lê Thị Bền hiện tại cũng trắng chuồng, im ắng. Anh Do cho biết, gia đình bà Bền trước đây có nuôi 10 lợn nái và hơn100 lợn thịt siêu nạc, nhưng do giá lợn xuống quá thấp, không có khả năng duy trì, bà Bền đã bán hết số lợn thịt lẫn lợn nái để vào miền Nam kiếm sống.

Toàn xã Quảng Phong có 14 trang trại chăn nuôi lợn tập trung và hơn 180 hộ nuôi nhỏ lẻ. Giá lợn hơi xuống thấp hơn 4 tháng nay đã ảnh hưởng đến tình hình chăn nuôi lợn trên địa bàn xã. Năm 2016 toàn xã có tổng đàn lợn 5.000 con thì hiện nay còn 3.000 con, khoảng30 - 40 hộ dừng nuôi (trắng chuồng).

Do giá cả lợn hơi xuống thấp, nhiều hộ chăn nuôi ở xã Quảng Phong đã phải bỏ trắng chuồng.

Xã Quý Lộc, huyện Yên Định là một trong những địa phương có số đàn lợn cao nhất toàn huyện, với 23 khu trang trại chăn nuôi lợn tập trung. Năm 2016 tổng đàn lợn toàn xã gần 7.000 con thì đến đầu năm 2017 chỉ còn 5.000 con. Nhiều hộ phải bỏ trắng chuồng hoặc giảm số lượng đàn lợn như gia đình anh Lưu Đình Phú (thôn 2), Trịnh Đình Tiến (thôn 3).

Chủ tịch UBND xã Quý Lộc Trịnh Đình Khoa chia sẻ: Giá lợn hơi xuống thấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình chăn nuôi lợn trên địa bàn toàn xã. Nhiều hộ chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ đang chịu cảnh lao đao bởi phụ thuộc giá cả thị trường, bị thương lái ép giá. Khi giá cả xuống thấp, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị ảnh hưởng đầu tiên. Nhiều hộ thua lỗ, phá sản và không có khả năng tái đàn. Chính quyền địa phương cũng chỉ biết động viên, khuyến khích người dân tiếp tục duy trì đàn lợn, đồng thời chuyển đổi hình thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, liên kết với các công ty để đảm bảo từ đầu vào lẫn đầu ra sản phẩm.

Người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn giá cao

Trong khi người nuôi đang “khóc dở mếu dở” với giá lợn hơi xuống thấp thì có một nghịch lý đang tồn tại là người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn với giá cao từ 70.000 - 120.000 đồng/kg.

Chị Nguyễn Thị Thủy, phố Nguyễn Tuân, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa cho biết, chị vừa mua 1kg chân giò với giá 75.000 đồng; thịt vai sấn 80.000 đồng/kg. Mặc dù biết giá lợn hơi giảm mạnh, nhưng vẫn không thấy giá bán lẻ thịt lợn trên thị trường thay đổi.

Theo các ngành chức năng đánh giá, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến giá lợn hơi xuống thấp. Phần lớn thịt lợn xuất sang các nước lân cận theo đường tiểu ngạch và khi nguồn cầu bị thu hẹp dẫn đến nguồn cung bị ứ đọng. Người nông dân chăn nuôi quy mô vừa, nhỏ chịu ảnh hưởng đầu tiên do không thể cạnh tranh với trang trại quy mô lớn, do sự đầu tư chưa đồng bộ vào trang thiết bị, con giống, thức ăn... tất cả chi phí đầu vào đội lên khi giá trị trường xuống thấp thì người dân chịu thiệt.

Cần sự quy mô

Từ thực trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, đã đến lúc, người chăn nuôi cần đầu tư có hệ thống, đồng bộ, bài bản từ khâu chọn giống, quy mô, nâng dần số lượng đàn, hệ thống trang thiết bị chuồng trại kèm theo hệ thống thức ăn.

Nhằm phát triển đàn lợn đảm bảo kế hoạch, theo hướng chăn nuôi tập trung quy mô lớn, Thanh Hóa khuyến khích thực hiện tốt chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp về phát triển khu trang trại chăn nuôi theo Quyết định 5643 ngày 31/12/2015 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, không quá chú trọng phát triển chăn nuôi lợn công nghiệp mà ưu tiên cho mô hình chăn nuôi lợn bán công nghiệp gắn với chăn nuôi truyền thống, chăn nuôi hữu cơ, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường; chuyển hướng nhanh sang thay đổi cơ cấu giống, khuyến khích phát triển các giống cao sản và giống đặc sản phục vụ các loại hình chăn nuôi theo nhu cầu thị trường. UBND các huyện, thị xã, thành phố cần rà soát quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường chung và tiềm năng của từng địa phương. Khuyến khích các doanh nghiệp cùng nông dân hình thành liên minh, liên kết để xây dựng chuỗi chăn nuôi khép kín từ khâu chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần làm tăng giá trị chăn nuôi lợn và ổn định thị trường; đồng thời tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý. Ngoài ra cần quan tâm đến công tác nghiên cứu dự tính, dự báo thị trường; tổ chức thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và tham gia xuất khẩu. Hình thành tổ chức hiệp hội trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngành chăn nuôi.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]