(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Mặc dù đã được cấp phép từ nhiều năm trước, thế nhưng đến nay hàng loạt dự án đầu tư trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, công nghiệp khai thác khoáng sản... trên địa bàn tỉnh vẫn trong tình trạng bỏ hoang hoặc triển khai dở dang, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai và để lại nhiều hệ lụy khiến người dân hết sức bức xúc...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giải pháp nào cho các dự án chậm tiến độ?

(VH&ĐS) Mặc dù đã được cấp phép từ nhiều năm trước, thế nhưng đến nay hàng loạt dự án đầu tư trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, công nghiệp khai thác khoáng sản... trên địa bàn tỉnh vẫn trong tình trạng bỏ hoang hoặc triển khai dở dang, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai và để lại nhiều hệ lụy khiến người dân hết sức bức xúc...

Trong các dự án triển khai chậm tiến độ, điển hình phải kể đến bãi đỗ xe và dịch vụ kết hợp khuôn viên cây xanh tại phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa, được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 1/8/2013 đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Nhà máy xử lý rác thải tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 1/9/2003, hiện dự án mới xây dựng một số công trình phụ trợ, chưa xây dựng công trình chính và UBND tỉnh yêu cầu triển khai xây dựng trong tháng 12/2015 (tại Thông báo số 108/TB-UBND ngày 10-7-2015) nhưng hiện dự án đang tạm dừng thực hiện. Dự án khu đô thị mới Trúc Lâm, Khu Kinh tế Nghi Sơn, được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 16/8/2010, nhưng đến nay dự án vẫn chưa triển khai thực hiện và chậm tiến độ kéo dài...

Để làm rõ vấn đề này chúng tôi tìm đến cụm Công nghiệp Thiệu Dương (xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa). Theo tìm hiểu được biết: cụm công nghiệp có tổng diện tích gần 82.500m2. Năm 2009, huyện Thiệu Hóa đã tiến hành giao đất cho 5 doanh nghiệp (DN) để thực hiện dự án. Tuy nhiên, việc huyện giao đất cho các DN là trái thẩm quyền. Do đó, tỉnh đã yêu cầu các DN lập lại hồ sơ trình UBND tỉnh cho thuê đất. Đến nay, có 3 DN đã được tỉnh cho thuê đất, trong đó có 2 DN triển khai dự án là DN tư nhân Hùng Mạnh triển khai dự án Nhà máy Cơ khí Thiệu Dương và Công ty CP Tập đoàn quốc tế ABC triển khai dự án xưởng thêu ren và chế tác đá mỹ nghệ. Song, các dự án này cũng mới triển khai trên một phần diện tích đất được thuê, còn trên 26.500m2 đất mà trước đây huyện Thiệu Hóa đã giao cho các công ty khác thì được xây tường rào kiên cố nhưng bên trong là cỏ mọc, là bãi chứa đồ của DN và thậm chí là để cho người dân tự ý đào ao thả cá, chăn nuôi...

Dự án cụm làng nghề Hồng Đô sau 3 năm triển khai vẫn chỉ là nơi chăn thả gia súc của người dân.

Còn tại Dự án làng nghề Hồng Đô được UBND tỉnh Thanh Hoá quy hoạch khu làng nghề tập trung trên diện tích 25.000m2 từ nguồn kinh phí của UBND tỉnh, huyện Thiệu Hóa và xã Thiệu Đô vào tháng 8 năm 2014, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2015. Tuy nhiên, đến nay đã gần 3 năm triển khai, dự án hiện vẫn đang trong tình trạng đắp chiếu để đó. Được biết hiện nay, làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô có 28 cơ sở và một công ty chuyên về ươm tơ và dệt nhiễu. Hiệu quả mà các cơ sở này đem lại từ việc ươm tơ, dệt nhiễu mang về vào khoảng hơn 10 tỷ đồng mỗi năm và giải quyết việc làm cho gần 200 lao động của địa phương. Tuy nhiên, tất cả các cơ sở sản xuất và công ty này đều có diện tích nhỏ hẹp, xen kẽ trong khu dân cư khiến cho môi trường ở đây luôn ở trong tình trạng báo động. Và thực tế là trong khi người dân đang phải ngày ngày sống chung với tình trạng ô nhiễm, các hộ sản xuất ngày ngày trông đợi cụm làng nghề đi vào hoạt động, thì dự án xây dựng cụm làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô lại vẫn nằm “đắp chiếu”...

Đây hầu như đều là những dự án lớn không chỉ bởi diện tích đất được quy hoạch rộng lên đến hàng chục ha mà còn bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều hộ dân đang sinh sống trong khu vực. Trao đổi với chúng tôi, một số hộ dân sống gần khu vực các dự án đều có chung ý kiến: “Chúng tôi rất mong muốn các ngành chức năng sớm đẩy nhanh tiến độ các dự án này. Kéo dài như vậy, người dân không có đất để sản xuất, còn đất trong dự án bỏ hoang rất lãng phí. Dự án không khả thi đề nghị trả lại đất cho người dân sản xuất, phát triển kinh tế. Nếu cứ dùng dằng thế này, cuộc sống của người dân rất khó khăn”.

Theo Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2013 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2014 quy định về việc thu hồi các dự án chậm tiến độ quá 24 tháng, tuy nhiên hiện đang có không ítdự án chậm tiến độ đã lâu nhưng vẫn chưa bị thu hồi khiến cho nguồn tài nguyên đất đai bị lãng phí.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một số dự án chậm tiến độ chẳng hạn ngoài việc các văn bản hướng dẫn, ban hành chậm, nhiều thay đổi, nội dung khó triển khai trong thực tiễn (Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư) còn có nguyên nhân do tình hình kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, nguồn vốn đầu tư giảm, dẫn đến nhiều dự án chậm triển khai hoặc kéo dài thời gian thực hiện. Ngoài ra, khâu giải phóng mặt bằng tại nhiều nơi kéo dàiphức tạp.

Do vậy, một số dự án sau khi nhận bàn giao đất, DN xin thay đổi mục đích kinh doanh hoặc trong khi chờ đợi mặt bằng đã đầu tư vốn vàothị trường khác nên khi có mặt bằng DN không còn vốn để đầu tư. Thêm nữa là việc một số chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính thực hiện dự án nhưng vẫn tìm mọi cách để được chấp thuận đầu tư nhằm chuyển nhượng kiếm lời trên danh nghĩa liên doanh, liên kết. Mặt khác, không ít địa phương vẫn còn tâm lý dự án của cấp nào thì cấp đó phải có trách nhiệm quản lý mà vô tình sao lãng trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương đối với các dự án...

Phải thừa nhận một thực tế là trong cơn sốt đất đai trước đây, một số nhà đầu tư đã lập dự án để kinh doanh đất lấy vốn xây dựng công trình. Thị trường bất động sản “đóng băng”, các nhà đầu tư phải “ôm” đất dự án chờ thời cơ. Đây là nguyên nhân sâu xa làm cho nhiều dự án chậm tiến độ, không triển khai, đất bỏ hoang lãng phí nhiều năm. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải tìm các giải pháp có tính khả thi cao nhằm giúp các nhà đầu tư thực hiện dự án có hiệu quả. Cơ quan tham mưu cấp phép phải khảo sát thị trường để tính toán lại nhu cầu thực tế của từng dự án, căn cứ năng lực tài chính của từng nhà đầu tư để quyết định dự án nào được tiếp tục triển khai. Những dự án không có tính khả thi, nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính thì phải kiên quyết thu hồi.

Dự án chậm tiến độ không chỉ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế mà còn ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, bởi vậy, sau khi kiểm tra xác định những dự án chậm tiến độ, không phát huy được hiệu quả sử dụng đất các cấp, các ngành của tỉnh cần sớm xem xét có hướng giải quyết dứt điểm.

Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]