(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhằm hướng dẫn cho bà con miền núi, vùng sâu, vùng xa phân biệt hàng thật, hàng giả, để tránh mua phải những loại hàng hóa kém chất lượng. Tại thị trấn Bến Sung (Như Thanh), Đội Quản lý Thị trường số 13 (Chi cục Quản lý Thị trường Thanh Hóa) tổ chức gian hàng tuyên truyền hàng thật - hàng giả tại chợ thị trấn Bến Sung.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hiệu quả gian hàng thật - giả

Nhằm hướng dẫn cho bà con miền núi, vùng sâu, vùng xa phân biệt hàng thật, hàng giả, để tránh mua phải những loại hàng hóa kém chất lượng. Tại thị trấn Bến Sung (Như Thanh), Đội Quản lý Thị trường số 13 (Chi cục Quản lý Thị trường Thanh Hóa) tổ chức gian hàng tuyên truyền hàng thật - hàng giả tại chợ thị trấn Bến Sung.

Các mẫu hàng thật - hàng giả được trưng bày tại các địa điểm tuyên truyền khá phong phú, từ các mặt hàng tiêu dùng như: Bột giặt, bột ngọt, dầu gội đến thiết bị vệ sinh, bóng đèn, mũ bảo hiểm... Đội Quản lý Thị trường số 13 bố trí cán bộ trực tiếp đến hướng dẫn người xem cách phân biệt hàng giả, hàng thật trên những dấu hiệu trực quan, đơn giản, dễ hiểu nhất.

Chị Phan Thị Thảo xã Yên Thọ (Như Thanh), chia sẻ: “Người dân miền núi chúng tôi rất ít có cơ hội tiếp cận thông tin. Nay được cán bộ hướng dẫn cho cách phân biệt các loại hàng thật - giả, chúng tôi thấy rất bổ ích, vì bên cạnh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, còn được đối chứng, hướng dẫn cách phân biệt các mặt hàng khác phục vụ đời sống”.

Tại thị trấn Hậu Lộc, Đội Quản lý Thị trường số 3 tổ chức gian hàng tuyên truyền hàng thật - hàng giả tại chợ Chiều. Anh Bùi Văn Long (thị trấn Hậu Lộc) cho biết: “Nhìn một lượt qua các mặt hàng, chúng tôi phải thừa nhận rằng các loại hàng giả, hàng nhái được làm rất tinh vi, và thực sự nếu chỉ bằng cảm quan thông thường, người tiêu dùng rất khó để có thể phân biệt đâu là hàng thật đâu là hàng giả. Bởi chúng rất giống nhau từ kiểu dáng, đến màu sắc, nhãn hiệu... nên người dân nhầm lẫn cũng là lẽ thường tình”.

Theo một số cán bộ quản lý thị trường thì trên thực tế, hễ sản phẩm nào tung ra thị trường, từ cây kim sợi chỉ cho đến phụ tùng xe ô tô, hàng điện tử điện máy... thì ngay lập tức bị làm giả. Hàng giả ngày càng được làm nhái một cách tinh vi khiến cho người tiêu dùng gặp rất nhiều khó khăn trong mua bán. Ngạc nhiên hơn, mặt hàng chính hãng thường chỉ có một vài mẫu sản phẩm thì các loại hàng nhái có rất nhiều loại. Nhiều người dân dù rất cẩn thận khi đi mua hàng, xem nhãn mác, bao bì, thông số in cụ thể trên nhãn, mác nhưng quả thực trước một “ma trận” hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng như hiện nay thì rất khó tránh khỏi việc mua phải hàng dởm.

Đội Quản lý Thị trường số 3 và công an hướng dẫn người xem cách phân biệt hàng giả, hàng thật.

Ông Lê Hữu Cảnh, Đội trưởng Đội Quản lý Thị trường số 3, cho biết: Đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý thị trường địa bàn huyện Hậu Lộc và huyện Hoằng Hóa. Bên cạnh hoạt động tuyên truyền, Đội Quản lý Thị trường số 3 sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm; các hành vi gian lận thương mại, góp phần bình ổn thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất, bảo vệ quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính và người tiêu dùng.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Chi cục Quản lý Thị trường Thanh Hóa đã triển khai mô hình gian hàng thật - giả trên địa bàn 10/27 huyện, thị xã, thành phố. Theo kế hoạch, đơn vị sẽ triển khai mô hình này đến tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh. Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh khuyến cáo, người tiêu dùng khi mua hàng nên đọc kỹ thông tin trên nhãn hàng hóa và yêu cầu người bán hàng cung cấp hóa đơn mua hàng, trên đó ghi rõ tên, địa chỉ người bán. Để nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh chống hàng giả, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức trong việc phối hợp với các lực lượng chức năng. Nếu mua phải hàng giả, người tiêu dùng nên giữ nguyên hiện trạng hàng hóa và các chứng cứ có liên quan để liên hệ với người bán yêu cầu đổi hàng hoặc hoàn trả, bồi thường. Đồng thời, thông báo cho cơ quan quản lý thị trường hoặc cơ quan công an nơi gần nhất để yêu cầu xử lý.

Có thể thấy tình trạng hàng giả, hàng nhái đã và đang trở thành một vấn nạn khiến người tiêu dùng gặp khó trong việc lựa chọn hàng hoá. Bên cạnh công tác tuyên truyền bằng hình thức phổ biến kiến thức pháp luật, tuyên truyền trực quan qua các gian hàng thật - hàng giả đã và đang thể hiện được những hiệu quả rõ nét.

Hoàng Lan


Hoàng Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]