(vhds.baothanhhoa.vn) - Huyện Hà Trung đang biến những vùng đất sâu trũng, lầy thụt khó canh tác lâu nay trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế trang trại (KTTT), tích cực góp phần đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hiệu quả từ mô hình kinh tế trang trại ở Hà Trung

Huyện Hà Trung đang biến những vùng đất sâu trũng, lầy thụt khó canh tác lâu nay trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế trang trại (KTTT), tích cực góp phần đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao...

Năm 2008, gia đình anh Lê Ngọc Vy ở thôn Trang Các xã Hà Phong (Hà Trung) đã quy hoạch 3 ha vùng lầy để làm trang trại tổng hợp VAC. Tổng đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng cho mô hình này là trên 7 tỷ đồng. Tại trang trại này, anh Vy đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để trồng cây, thả cá, nuôi lợn. Nhiều giống cây ăn quả đã được anh đưa vào gieo trồng như mít thái, nhãn Hưng Yên, xoài cát Hoà Lộc, bưởi diễn, ổi đỏ...

Hiện anh đang tập trung nhiều hơn vào ổi đỏ và bưởi vì hai loại cây này cho giá trị kinh tế cao hơn. Riêng về chăn nuôi lợn, đang có hơn 400 con lợn thịt, thời điểm nhiều nhất trong chuồng có hơn 1.000 con. Anh Vy cho biết: Doanh thu của trang trại đạt trên 2 tỷ đồng/năm, nếu trừ chi phí thì mỗi năm trang trại cho thu nhập khoảng trên 600 triệu đồng.

Hiện trên địa bàn xã Hà Phong có 27 trang trại tổng hợp với diện tích 50 ha, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã Hà Phong: Do mật độ chăn nuôi cao nên khó khăn nhất hiện nay đối với các trang trại này vẫn là nguồn nước. Trong thời gian tới, xã sẽ xử lý hệ thống mương để có nguồn nước mạnh hơn, đảm bảo tốt hơn việc chăn nuôi của người dân.

Trang trại của ông Lê Ngọc Vy ở xã Hà Phong cho doanh thu trên 2 tỷ đồng/năm.

Cùng với Hà Phong thì các xã Hà Ngọc, Hà Đông, Hà Sơn, Hà Vân..., cũng là những xã có số lượng và diện tích làm KTTT lớn của Hà Trung. Hiện trên địa bàn huyện có 1.019 mô hình KTTT với tổng diện tích 1.529,087 ha, trong đó nhiều nhất vẫn là trang trại tổng hợp với 706 trang trại. Các trang trại trên địa bàn huyện đã từng bước đi vào sản xuất hàng hoá tập trung theo hướng đầu tư thâm canh quy mô lớn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ mới, chú trọng các sản phẩm đặc sản, từng bước khẳng định sản phẩm trên thị trường như ổi tứ quý, bưởi diễn, dưa kim hoàng hậu...

Về giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích của các trang trại cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa thông thường. Những năm gần đây, một số con giống đặc sản có giá trị kinh tế cao cũng đã được các trang trại đưa vào sản xuất như lợn mán, gà chín cựa, tôm thẻ, cá vược..., cho doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm/trang trại.

Để hỗ trợ khuyến khích các trang trại phát triển, hiện huyện Hà Trung cũng đã có các cơ chế, chính sách cụ thể đó là thời gian giao đất cho các hộ là 50 năm (trước đây là 20 năm) và huyện ký hợp đồng cho thuê đất chứ không phải các xã. Và nếu trước giao không quá 2 ha trên/hộ thì giờ không giới hạn diện tích...

Ông Nguyễn Văn Thịnh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hà Trung cho biết: Phát triển KTTT đã góp phần khai thác và sử dụng nguồn đất kém hiệu quả, từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất tự cung, tự cấp chuyển sang sản xuất hàng hoá theo cơ chế thị trường, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, cho đến nay đầu ra của các trang trại chủ yếu là thị trường tự do trên địa bàn huyện và một số vùng lân cận, chưa có sự liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm.

Cũng theo ông Thịnh, vấn đề khó khăn nhất hiện nay của các trang trại là nguồn vốn đầu tư. Đa số các trang trại sản xuất theo hình thức lấy ngắn nuôi dài. Vốn đầu tư ban đầu cho các trang trại tương đối lớn nhưng nguồn vốn vay từ các ngân hàng lại rất hạn chế. Do đó, cần phải có cơ chế chính sách thiết thực hơn, tạo điều kiện cho các hộ làm trang trại được vay vốn của các tổ chức tín dụng, giúp đỡ thành lập các quỹ tín dụng trong nhân dân phục vụ cho vay làm KTTT... Đồng thời xây dựng và phát triển hệ thống thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong đó chú trọng đến khâu bảo quản sau thu hoạch, mở rộng thị trường tìm mối liên kết với các nhà máy chế biến nhằm cung cấp các nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy và cơ sở sản xuất chế biến trong và ngoài địa bàn...

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]