(vhds.baothanhhoa.vn) - Các hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp đang được khuyến khích, định hướng mở rộng lĩnh vực hoạt động từ cung ứng các dịch vụ công ích sang dịch vụ cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn về vốn, chính sách về đất đai, nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng khiến nhiều HTX lúng túng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hợp tác xã nông nghiệp khó tiếp cận chính sách ưu đãi

Các hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp đang được khuyến khích, định hướng mở rộng lĩnh vực hoạt động từ cung ứng các dịch vụ công ích sang dịch vụ cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn về vốn, chính sách về đất đai, nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng khiến nhiều HTX lúng túng.

Việc tiếp cận vốn, và chính sách về đất đai hiện đang là cái khó đối với nhiều HTX nông nghiệp ở Thanh Hóa.

Khó nhất là tiếp cận nguồn vốn

Sau khi Luật HTX có hiệu lực, đã có nhiều chính sách hỗ trợ các HTX nông nghiệp. Trong đó, các chính sách hỗ trợ chung cho HTX gồm có: Bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới, thành lập mới, tổ chức lại hoạt động của HTX. Riêng đối với các HTX nông, lâm, ngư, diêm nghiệp còn được hưởng các chính sách: Hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ chế biến sản phẩm; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Thực tế cho thấy, kết quả thực hiện các chính sách còn nhiều hạn chế. Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, mới chỉ có 42/993 (4,2%) HTX tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Nguyên nhân là do các HTX không có tài sản thế chấp bảo đảm các khoản vay. Do đó, nhiều HTX nông nghiệp đang thực sự “khát vốn” đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất. Trong khi đó, Nghị định số 55/2015/NÐ-CP của Chính phủ quy định HTX có thể vay không cần tài sản bảo đảm với số tiền tối đa lên tới hai tỷ đồng. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi từ nguồn quỹ phát triển HTX quy mô còn khá nhỏ bé. 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 12 HTX ở Thanh Hóa tiếp cận được nguồn vốn này với dư nợ 5 tỷ đồng.

Hầu hết các HTX mà chúng tôi tiếp xúc đều đang rất “khát vốn” để mở rộng sản xuất, nhưng không thể tiếp cận được chính sách hỗ trợ vay vốn từ các tổ chức tín dụng, do không có tài sản thế chấp. HTX DVNN xã Công Liêm (Nông Cống), là một ví dụ. Trao đổi với chúng tôi, ông Mạch Xuân Hồng - Giám đốc HTX DVNN xã Công Liêm cho biết: HTX hiện đang hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực, như: Liên kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho bà con, xây dựng cơ sở sấy khô bảo quản lúa sau thu hoạch... Tuy nhiên, HTX hiện đang thực sự rất “khát vốn” để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như văn phòng, trụ sở làm việc, nhà kho, hệ thống nhà lạnh, nhà sơ chế để bảo quản sản phẩm sau thu hoạch... Mặc dù, chúng tôi đã làm hồ sơ vay vốn nhưng vẫn chưa thể tiếp cận được với vốn tín dụng do tài sản nhà xưởng, máy móc của chúng tôi chưa đủ điều kiện để thế chấp".

Thêm một khó khăn khác là trong quá trình triển khai, thi hành Luật HTX năm 2012, quy định về tỉ lệ góp vốn tối đa của thành viên HTX bằng 20% vốn điều lệ là không phù hợp, nhất là ở các HTX sản xuất hàng hóa quy mô lớn, xuất khẩu, cần nguồn vốn nhiều. Quy định tỉ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng không phải là thành viên HTX không quá 32% là bất cập.

Khó tiếp cận ưu đãi về đất đai

Cùng với vốn, chính sách về đất đai cũng được nhiều HTX phản ánh là còn "chơi vơi" khi thực tế, rất ít HTX thụ hưởng được các chính sách ưu đãi, hỗ trợ này. Theo Nghị định 46/2014/NĐ-CP và Nghị định 135/2016/NĐ-CP của Chính phủ, các HTX, liên hiệp HTX trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp sẽ được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước cho toàn bộ thời gian thuê đối với HTX nông nghiệp dùng đất làm mặt bằng xây dựng trụ sở, nhà kho và các dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và làm muối. Đồng thời, miễn tiền thuê đất đến hết năm 2020 cho diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức đối với thành viên HTX nông nghiệp nhận giao khoán của doanh nghiệp; giảm 50% tiền thuê đất cho HTX thuê đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh... Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 67 dự án với diện tích 31,2 ha thuộc lĩnh vực kinh tế tập thể được tiếp cận với nguồn lực đất đai, trong đó có 4 dự án được giao đất không thu tiền sử dụng đất với diện tích 0,4 ha và 63 dự án cho thuê đất, diện tích gần 31 ha.

Thực tế này đang diễn ra tại HTX rau quả an toàn xã Nguyên Bình (Tĩnh Gia). Tìm hiểu sâu, chúng tôi được biết: Năm 2017, trên cơ sở đấu thầu lại của xã 4 ha đất sản xuất, cộng thêm 1ha đất sẵn có, HTX này đã đầu tư trồng thanh long ruột đỏ kết hợp trang trại và ao nuôi cá. Thực hiện mô hình này, mỗi năm trừ chi phí, HTX Nguyên Bình thu về được trên 300 triệu đồng. Mặc dù rất muốn mở rộng thêm diện tích đất sản xuất để xây dựng một khâu hoàn chỉnh các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, nhưng việc tích tụ đất đai là điều không hề dễ dàng.

Ông Mai Xuân Châu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tĩnh Gia, cho biết: Việc tích tụ ruộng đất để mở rộng sản xuất trên địa bàn huyện không tránh khỏi việc bị “vướng” từ những rào cản lớn từ chính sách đất đai hiện nay. Đó là quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích theo quy định tại Điều 132 Luật Đất đai 2013, nếu chưa sử dụng vào mục đích xây dựng công trình công cộng thì UBND cấp xã cho hộ gia đình, cá nhân (không áp dụng đối với các tổ chức, HTX nông nghiệp) thuê với thời hạn không quá 5 năm để sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, đất trên địa bàn huyện chủ yếu là đất manh mún, nhỏ lẻ, do đó việc tích tụ để hình thành vùng sản xuất lớn là điều không dễ dàng.

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa: Từ khi triển khai thực hiện Luật HTX năm 2012, đến nay, về cơ bản các HTX hoạt động theo luật mới đúng nguyên tắc, mang lại hiệu quả, tăng thu nhập và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, đã nảy sinh nhiều điểm bất hợp lý, vướng mắc khiến một số HTX lúng túng, nhất là việc các HTX tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, còn thấp.

Để khắc phục những khó này, có ý kiến cho rằng, các huyện, thành phố cần chú trọng phát triển các mô hình sản xuất, tạo việc làm, quan tâm hình thành thêm nhiều HTX và coi các HTX này như những doanh nghiệp thực sự. Mặt khác, cần thấy rõ vai trò của HTX trong phát triển KT-XH địa phương; thường xuyên kiểm tra, xử lý và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách. Vai trò của đội ngũ cán bộ phải thực sự tâm huyết, năng nổ để đưa chính sách đến với người dân, đến với HTX; từ thực tiễn hoạt động của địa phương, đơn vị cần đề xuất những cách làm phù hợp, tạo điều kiện phát triển cho các HTX.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]