(vhds.baothanhhoa.vn) - Với tư tưởng phải nắm lấy “bờ xôi ruộng mật” quê hương mình, thanh niên nhiều địa phương đã không còn tư tưởng “ly hương” mà mạnh dạn đầu tư vốn xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học theo quy mô trang trại vừa tận dụng được lợi thế đất đai, lại có thể giúp bản thân và gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hướng đi mới của kinh tế trang trại

Với tư tưởng phải nắm lấy “bờ xôi ruộng mật” quê hương mình, thanh niên nhiều địa phương đã không còn tư tưởng “ly hương” mà mạnh dạn đầu tư vốn xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học theo quy mô trang trại vừa tận dụng được lợi thế đất đai, lại có thể giúp bản thân và gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

9x sở hữu trang trạirộng 8 ha

Về vùng đất Mậu Lâm, huyện Như Thanh, hỏi Quách Văn Bộ, không ai là không biết chàng thanh niên 9x này đã trở thành một “siêu nông dân” với những dự án nông nghiệp quy mô, hiện đại. Tốt nghiệp Trường đại học Tài nguyên & Môi trường, Quách Văn Bộ nhanh chóng tìm được công việc ổn định tại thủ đô với mức lương cao, khi quyết định từ bỏ tất cả để về quê nghèo Mậu Lâm khởi nghiệp thì bạn bè và gia đình hết sức ngăn cản. “Mình luôn khao khát cống hiến cho quê hương, mong muốn tìm một hướng sản xuất mới thay thế lối sản xuất cũ truyền thống xưa nay”, với suy nghĩ đó Bộ rời Hà Nội không chút luyến tiếc.

Tuy nhiên, con đường khởi nghiệp nơi đất khó không bao giờ dễ dàng, anh tâm sự: “Khó khăn lớn nhất của mình lúc đó là không biết khởi nghiệp bằng nuôi con gì, trồng cây gì và chăn nuôi bằng hình thức gì. Bởi thực tế chăn nuôi theo hình thức cũ có rất nhiều hạn chế, như môi trường chăn nuôi kém vệ sinh, dễ phát sinh dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt cao, chi phí nhiều cho thuốc thú y, chất lượng gia súc, gia cầm không cao... và điều quan trọng là phải làm sao để tận dụng và phát huy được hiệu quả vùng đất canh tác rộng lớn ở địa phương mình”. Sau đó, anh đã tham gia chương trình khởi nghiệp nông nghiệp của kênh VTC16 và được sự tư vấn, hướng dẫn về chăn nuôi của GS Phạm Ngọc Thạch. Theo đó, chương trình đã về tận gia đình để khảo sát, đánh giá và hướng dẫn kỹ thuật, giúp anh xây dựng hệ thống chuồng trại đạt chuẩn và tập huấn kỹ thuật để anh chăn nuôi gà thương phẩm theo hướng an toàn sinh học.

Qua hơn 2 năm chăn nuôi, đến nay đàn gà của anh Bộ đã phát triển lên đến hơn 2 nghìn con. Đàn gà được chăn nuôi trong môi trường thoáng đãng, sạch sẽ, không ô nhiễm môi trường, chuồng nuôi luôn đảm bảo sạch, thức ăn có nguồn gốc tự nhiên; gà được tiêm ngừa vắc - xin nghiêm ngặt theo từng giai đoạn phát triển, hạn chế tối đa dịch bệnh phát sinh, đảm bảo tăng trưởng khỏe mạnh.Khi xuất chuồng sẽ là sản phẩm chăn nuôi an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng. Không những thế, anh Bộ còn phát triển trang trại của mình lên đến hơn 8 ha với nhiều cây trồng, vật nuôi thương phẩm mang tính kinh tế cao như: Sim, cá trắm, đà điểu, nấm... điểm chung là tất cả những sản phẩm này đều được trồng, chăm sóc theo hướng an toàn sinh học, không sử dụng thuốc bảo quản thực vật. Thu nhập hàng năm đạt 800 triệu đồng.

Trang trại chăn nuôi an toàn sinh học của anh Quách Văn Bộ, xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh.

Được biết, nhiều ông chủ trẻ xứ Thanh đã khởi nghiệp thành công với mô hình chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng trang trại như: Trang trại nuôi gà ri lai thương phẩm của anh Lương Văn Dương (Lang Chánh); trang trại tổng hợp rộng 12 ha của anh Phạm Văn Châu (Ngọc Lặc) với thu nhập 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 10 lao động... Bởi đây đã và đang là hình thức chăn nuôi hữu hiệu nhất để đối phó với các dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, đồng thời duy trì hiệu quả kinh tế cao, đầu ra sản phẩm được thị trường ủng hộ.

Nâng cao nhận thức cho người dân về chăn nuôi

Chi phí cho chăn nuôi an toàn sinh học cao hơn so với chăn nuôi truyền thống, hơn nữa, nông dân vẫn giữ thói quen “nhớ đâu làm đó” hoặc dựa vào kinh nghiệm, trong khi chuyển sang chăn nuôi an toàn sinh học phải đầu tư bài bản từ chuồng trại, con giống, tiêm vắc-xin, nguồn thức ăn được kiểm soát... Tuy nhiên, trước dịch bệnh bùng phát như hiện nay nhưng những trang trại chăn nuôi an toàn sinh học vẫn đứng vững và phát triển tốt đã tác động không nhỏ đến nhận thức của nhân dân.

Theo ông Quách Văn Hoàng - Chủ tịch UBND xã Mậu Lâm (huyện Như Thanh) thì “Sự thành công của mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của hộ gia đình anh Bộ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún của bà con nông dân sang hình thức nuôi trang trại tập trung, khép kín, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường do chất thải, mang tính bền vững trong chăn nuôi. Mô hình đã tạo được lòng tin nhất định của bà con nông dân trong xã”. Theo đó, anh Bộ đã sáng lập CLB thanh niên khởi nghiệp xã Mậu Lâm, đồng thời tư vấn, hướng dẫn cho thanh niên trong CLB cũng như hộ gia đình trong xã, huyện có nhu cầu về chăn nuôi an toàn sinh học.

Theo các chuyên gia, lợi ích của chăn nuôi an toàn sinh học là chủ động được trong phòng chống dịch bệnh động vật, nhất là trong bối cảnh hiện nay do diễn biến dịch bệnh phức tạp. Mặt khác, khi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học thì sức đề kháng của gia súc, gia cầm với các mầm bệnh truyền nhiễm sẽ cao hơn, khỏe mạnh hơn, sức tăng trưởng, tăng trọng tốt hơn. Và trên thực tế, trong thời gian qua, kể từ khi xảy ra bệnh long móng lở mồm, cúm gà H5N1, dịch tả lợn châu Phi... trên địa bàn tỉnh, hầu hết hộ/cơ sở chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học đều không bị nhiễm bệnh dịch, phát triển ổn định.

V.A


V.A

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]