(vhds.baothanhhoa.vn) - Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 24 cụm công nghiệp (CCN) được đầu tư hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh và đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều dự án hạ tầng tại các cụm công nghiệp triển khai chậm tiến độ, gây bức xúc cho người dân và ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của địa phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khó chồng khó, nhiều cụm công nghiệp dang dở

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 24 cụm công nghiệp (CCN) được đầu tư hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh và đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều dự án hạ tầng tại các cụm công nghiệp triển khai chậm tiến độ, gây bức xúc cho người dân và ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của địa phương.

Nhiều dự án kéo dài

Ông Nguyễn Hoàng Ngọc - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng, huyện Như Thanh, chia sẻ: Huyện Như Thanh được quy hoạch 3 CCN là: CCN Xuân Khang, CCN Hải Long và CCN Xuân Du. Năm 2018 hạ tầng CCN Hải Long (diện tích 24,5 ha, tổng mức đầu tư 196 tỷ đồng) do Công ty CP Đầu tư hạ tầng Hợp Lực làm chủ đầu tư. Dự án được chia làm 3 giai đoạn. Quý I/2018: Hoàn thiện các thủ tục pháp lý như đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy, lập quy hoạch chi tiết 1/500. Quý II/2018: Hoàn thiện các thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), san lấp mặt bằng. Quý III/2018: Tiến hành ban giao cho các đơn vị có nhu cầu thuê mặt bằng. Tuy nhiên, sau 3 năm được chấp thuận chủ trương, dự án vẫn chưa được GPMB để triển khai các hạng mục tiếp theo. Điều này, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút đầu tư các dự án công nghiệp chế biến của huyện.

Cụm công nghiệp Thái - Thắng (Hoằng Hóa), cũng là một trong số những dự án hạ tầng CCN đang chậm tiến độ. Theo tìm hiểu chúng tôi được biết: Mặc dù có đủ năng lực tài chính và tích cực trong công tác GPMB, tuy nhiên, chủ đầu tư CCN Thái - Thắng (Hoằng Hóa) vẫn chưa triển khai đầu tư kịp tiến độ do vướng mắc trong công tác GPMB. Theo Quyết định số 1187/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 5/4/2018, CCN này có tổng diện tích 30,71 ha và sau khi đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho khoảng 1.180 lao động. Các dự án được ưu tiên thu hút đầu tư, là: sản xuất thực phẩm, đồ uống chất lượng cao; sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, hàng thủ công mỹ nghệ; dệt lưới, dệt bạt, da giầy; dịch vụ sửa chữa cơ khí; các dịch vụ ngành nông nghiệp. Tại xã Hoằng Thắng, có 444 thửa đất nông nghiệp nằm trong mặt bằng CCN Thái - Thắng với tổng diện tích trong diện cần thu hồi là 21,71 ha của 359 hộ dân. Ngay từ cuối năm 2018, đầu năm 2019, khi chính quyền địa phương tiến hành tuyên truyền, triển khai thực hiện công tác bồi thường và GPMB, nhưng đến nay vẫn còn 45 hộ chưa đồng thuận giao đất, làm chậm tiến độ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án.

Cụm công nghiệp Thái - Thắng (Hoằng Hóa), chậm tiến độ do vướng GPMB.

Theo thông tin từ Sở Công thương Thanh Hóa, ngoài nguyên nhân chậm trễ do nhà đầu tư yếu về năng lực tài chính và những vướng mắc trong công tác GPMB, thì việc quy hoạch một số CCN hiện đang bị chồng chéo với các quy hoạch khác hoặc được quy hoạch trên diện tích đất lúa nên vẫn đang trong quá trình chờ đợi, chưa đủ điều kiện để triển khai. Điển hình như CCN Cống Trúc (Quảng Xương) vướng quy hoạch phát triển đô thị; CCN Vạn Hà (Thiệu Hóa), CCN Vĩnh Minh (Vĩnh Lộc) chậm tiến độ do đang chờ xin ý kiến của Chính phủ về chuyển đổi đất lúa; CCN Phúc Thịnh (Ngọc Lặc) vướng mắc do phải xác định lại nguồn gốc đất thu hồi...

Khó thu hút đầu tư

Bức tranh CCN dang dở không chỉ ở việc khó triển khai mà còn gặp phải tình trạng còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư dự án. Theo đánh giá của Sở Công Thương, hiện, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển CCN chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư hạ tầng, cũng như đầu tư sản xuất, kinh doanh. Cụ thể HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 8/12/2016 về một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại. Theo đó, các doanh nghiệp, liên hiệp HTX, HTX khi thuê đất đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng CCN thuộc quy hoạch phát triển CCN được UBND tỉnh phê duyệt ngoài địa bàn TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, TX Bỉm Sơn, chưa được hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từ ngân sách Trung ương, chỉ được hỗ trợ thêm một phần kinh phí để đầu tư các hạng mục, như: san lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống đường nội bộ, hệ thống cấp nước, thoát nước; xử lý nước thải, chất thải; cấp điện, chiếu sáng công cộng; thông tin liên lạc nội bộ; nhà điều hành; nhà bảo vệ phục vụ cho hoạt động của CCN. Mức hỗ trợ được quy định cụ thể, như: Hỗ trợ 1,5 tỷ đồng/ha đối với CCN thuộc địa bàn các huyện 30a; riêng CCN thị trấn Mường Lát được hỗ trợ 2,3 tỷ đồng/ha; mức hỗ trợ tối đa không quá 40 tỷ đồng/CCN. Hỗ trợ 1 tỷ đồng/ha đối với CCN thuộc các huyện miền núi còn lại, mức hỗ trợ tối đa không quá 28 tỷ đồng/CCN...

Tuy nhiên, chính sách chỉ được thực hiện khi tỷ lệ lấp đầy các CCN đạt 30% trở lên, trong khi năng lực tài chính của các doanh nghiệp có hạn. Việc chậm thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng tại các CCN là nguyên nhân khiến công tác đầu tư các cơ sở công nghiệp tại khu vực này còn kém hiệu quả. Các doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất sản xuất, kinh doanh phải tự thực hiện san lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống đường, điện, khiến tăng chi phí đầu tư. Không những vậy, việc các doanh nghiệp tự thực hiện đầu tư các hạ tầng kỹ thuật, công trình xử lý nước thải cũng khiến mặt bằng CCN bị cắt xẻ, việc đầu tư chồng chéo, thiếu đồng bộ và không bảo đảm quy chuẩn. Đó cũng là nguyên nhân khiến một số doanh nghiệp thuê đất sản xuất tại các CCN như Xuân Phú (Quan Hóa), CCN Bãi Bùi (Lang Chánh) không ít lần bị xử phạt với tình trạng ô nhiễm môi trường.

Nghị định 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN quy định tỷ lệ lấp đầy để được bổ sung thành lập CCN cũng rất khó thực hiện, nhiều địa phương cũng đang lúng túng không biết tính tỷ lệ này như thế nào. Doanh nghiệp đã hoàn thành đầy đủ các thủ tục, kể cả quy hoạch chi tiết CCN tỷ lệ 1/500 nhưng do không GPMB được nên không thể triển khai xây dựng hạ tầng cụm. Nhiều địa phương cho rằng, về lâu dài cần có quỹ để GPMB. Nhà nước bỏ ngân sách GPMB sau đó đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng thì sẽ đẩy nhanh đáng kể tốc độ hoàn thành hạ tầng CCN.

Như vậy, khó khăn nhất hiện nay đối với phát triển CCN là thu hút các nhà đầu tư hạ tầng. Để giải quyết khó khăn này, Sở Công thương đang được tỉnh giao chủ trì xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển CCN, trong đó tập trung vào việc xây dựng các cơ chế hỗ trợ từ việc chuẩn bị đầu tư, GPMB đến xây dựng hạ tầng trong CCN. Cùng với đó, vận dụng linh hoạt các nguồn vốn khuyến công quốc gia để hỗ trợ các địa phương thực hiện lập quy hoạch chi tiết CCN. Về phía các địa phương đã và đang đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào CCN; đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn...

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]