(vhds.baothanhhoa.vn) - Là một trong những địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn, trong những năm qua, huyện Lang Chánh đã có nhiều giải pháp đưa kinh tế lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều xã trong huyện đổi thay từng ngày nhờ phát triển kinh tế đồi rừng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khởi sắc kinh tế lâm nghiệp ở Lang Chánh

Là một trong những địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn, trong những năm qua, huyện Lang Chánh đã có nhiều giải pháp đưa kinh tế lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều xã trong huyện đổi thay từng ngày nhờ phát triển kinh tế đồi rừng.

Thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với chế biến” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lang Chánh lần thứ XXII (giai đoạn 2015 - 2020) đề ra, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong huyện đã thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp, như triển khai phong trào trồng rừng, bảo vệ rừng; cải tạo rừng, khai thác, chế biến lâm sản; thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ, chăm sóc bảo vệ và phát triển rừng... đã góp phần tăng độ che phủ rừng, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có trên 20.000 ha rừng trồng, trong đó có 14.000 ha luồng, trên 6.000 ha keo.

Ngoài ra, huyện đã trồng mới được 94.000 cây phân tán, gần 1.500 ha rừng tập trung; khoanh nuôi, tái sinh được gần 18 ha; chăm sóc 14.230 ha rừng; bảo vệ trên 45.000 ha rừng. Tiếp tục bón phân phục tráng năm thứ hai 500 ha rừng luồng, nâng tổng số rừng luồng được phục tráng lên 1.350 ha; khoanh nuôi, tái sinh thêm 1.000 ha luồng, nâng tổng số diện tích rừng luồng được khoanh nuôi, tái sinh lên 2.000 ha; công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng được quan tâm; tỷ lệ che phủ rừng đạt 80,61% (đứng thứ 3 toàn tỉnh).

Thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến lâm sản trên địa bàn tạo nên sự phát triển bền vững kinh tế lâm nghiệp của Lang Chánh.

Bên cạnh đó, để kinh tế lâm nghiệp phát triển bền vững, huyện đã có chính sách để kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư để gắn sản xuất với chế biến. Đến nay, huyện Lang Chánh đã thu hút được 6 doanh nghiệp chế biến lâm sản vào hoạt động ở Cụm Công nghiệp Bãi Bùi, xã Quang Hiến, góp phần giải quyết nguồn nguyên liệu tại chỗ, tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Trước đây, xã biên giới Yên Khương đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, trong khi đó lợi thế để phát triển kinh tế lâm nghiệp là rất lớn. Để phát huy hết tiềm năng này, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm phát triển sản xuất cho người dân, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai xây dựng các mô hình sinh kế hỗ trợ, cải thiện đời sống người dân, giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững, trong đó có mô hình thâm canh cây vầu đắng với quy mô 21 ha thu hút 25 hộ dân tham gia. Theo đánh giá của cán bộ khuyến nông huyện, sau một thời gian triển khai, hiện nay cây vầu đang phát triển và sinh trưởng tốt, có tỷ lệ sống trên 90%, ít bị sâu bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương.

Ông Lương Văn Chon - bản Giàng, xã Yên Khương, cho biết, khi mô hình được triển khai trên địa bàn ông được hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật trồng và quyết định bỏ 1 ha luồng để trồng vầu. Nhờ sự hỗ trợ của trạm khuyến nông về cây giống, vốn và kỹ thuật chăm sóc, cùng với sự kiên trì chịu khó của gia đình, cây vầu ngày một phát triển, hứa hẹn sẽ cho thu nhập cao trong thời gian tới.

Từ thực tế đó, việc trồng mới rừng vầu và phát triển rừng vầu từ các chương trình dự án trên địa bàn xã Yên Khương, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương là việc làm cần thiết, nhằm phát huy lợi thế về lâm nghiệp tại địa phương. Theo dự kiến sau quá trình tập trung chăm sóc, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, thì sau 2 năm trồng bà con đã bắt đầu tỉa những cây già để bán cho thương lái. Mỗi ha vầu đắng hàng năm cho thu nhập từ60 - 80 triệu đồng/ha/năm, cao hơn các loại cây trồng khác trên đất rừng.

Tại xã Tân Phúc, phong trào phát triển kinh tế rừng cũng có bước phát triển mạnh mẽ, nhiều hộ dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế rừng kết hợp chăn nuôi và đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Ví như mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp trồng rừng của gia đình anh Vi Văn Bình, mỗi năm, trừ chi phí thu lãi từ 120 - 150 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hồng - Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, cho biết: Để phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững, huyện Lang Chánh tiếp tục vận động nhân dân trồng, chăm sóc bảo vệ rừng theo hướng áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp; đồng thời đưa cây vầu vào trồng thí điểm ở một số xã có ít rừng luồng; tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng, kêu gọi, thu hút doanh nghiệp liên kết đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp cho người dân. Bên cạnh đó, chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện tuyên truyền phổ biến lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án của Nhà nước thực hiện trên địa bàn, hướng dẫn người dân thâm canh các cây trồng phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Có thể nói, phát triển kinh tế lâm nghiệp không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho các hộ dân trên địa bàn huyện Lang Chánh mà còn góp phần phòng, chống lũ, điều tiết nước; tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, từ đó đưa công cuộc xóa đói, giảm nghèo của huyện ngày càng khởi sắc.

Xuân Anh


Xuân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]