(vhds.baothanhhoa.vn) - Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) không chỉ là tài sản để HTX huy động vốn, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao thu nhập mà còn tạo niềm tin để các đối tác yên tâm đầu tư, liên kết. Nhưng thực tế hiện nay, hầu hết các HTX trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa được sở hữu đất đai, tài sản của mình. Rào cản này khiến nhiều HTX đã khó lại càng khó hơn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Không được cấp trích lục, nhiều HTX lao đao

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) không chỉ là tài sản để HTX huy động vốn, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao thu nhập mà còn tạo niềm tin để các đối tác yên tâm đầu tư, liên kết. Nhưng thực tế hiện nay, hầu hết các HTX trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa được sở hữu đất đai, tài sản của mình. Rào cản này khiến nhiều HTX đã khó lại càng khó hơn.

Đủ đường khó khăn

Luật Đất đai 2013 đã mở ra cơ chế thông thoáng, thuận lợi hơn trong việc cấp GCN QSDĐ cho các HTX. Tuy nhiên, đến nay, số HTX được cấp GCNQSDĐ vẫn đạt thấp, nhất là các HTX nông nghiệp.

Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 992 HTX, trong đó có 605 HTX dịch vụ nông nghiệp, 91 HTX công nghiệp - TTCN, 40 HTX thươngmại - dịch vụ, 8 HTX thủy sản, 14 HTX xây dựng, 25 HTX giao thông vận tải, 67 quỹ tín dụng nhân dân, 48 HTX dịch vụ điện, 10 HTX môi trường, 2 HTX sản xuất muối và 13 HTX khác. Trong số đó mới chỉ có 142 HTX được giao đất không thu tiền sử dụng đất, 25 HTX được cho thuê đất.

HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Định Long (Yên Định) là một trong những điểm sáng trong khu vực kinh tế tập thể của huyện. Theo tìm hiểu, HTX chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới từ năm 2015, nhưng đến nay, trụ sở chưa được giao đất cũng như cấp GCNQSDĐ mà mới chỉ được UBND xã cho mượn tạm đất với diện tích 332m2.

Ông Phạm Ngọc Loát - Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Định Long, cho biết: Mặc dù HTX vẫn có trụ sở để hội họp, tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng hiện tại vẫn chưa có giấy thuê đất hoặc giấy CNQSDĐ. Điều này gây khó khăn cho HTX không chỉ về vay vốn vì chưa có tài sản để thế chấp, mà còn khiến cho HTX chưa thể yên tâm hoạt động. Hơn nữa, do chưa có giấy CNQSDĐ nên HTX muốn xây dựng hoặc mở rộng các công trình, cơ sở vật chất phục vụ cho mục đích kinh doanh cũng khó. Chính vì vậy, hiện tại trụ sở làm việc của HTX vẫn để chung với nhà kho chứa phân bón, vật tư nông nghiệp cũng như các loại lúa giống. HTX cũng đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương song cũng chỉ nhận được câu trả lời là xã chưa bố trí được quỹ đất.

HTX Dịch vụ Nông nghiệp Định Long (Yên Định) do chưa có quỹ đất riêng nên đang sử dụng chung trụ sở vừa để làm việc vừa để làm nhà kho.

Câu chuyện về HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phú Lộc (Hậu Lộc) thì lại hoàn toàn khác khi mà 5 năm nay các cán bộ, xã viên ở đây chạy đôn chạy đáo làm thủ tục xin được cấp GCNQSDĐ mà vẫn chưa được giải quyết. Theo ông Hoàng Văn Toàn, Phó Giám đốc HTX, khi muốn vay vốn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh thì lại không có tài sản thế chấp, buộc các xã viên phải mang giấy CNQSDĐ của nhà mình đi cầm cố. Năm 2014, HTX đã được UBND xã cấp cho lô đất 300m2 để xây kho chứa sản phẩm phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng đến nay vẫn chưa được huyện cấp GCNQSDĐ.

Thực tế, những năm qua số HTX hoạt động có hiệu quả chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết khó khăn, bế tắc, đặc biệt là các HTX nông nghiệp. Cái khó khăn lớn nhất của các HTX theo chúng tôi được biết là không được sở hữu mặt bằng, tài sản. Đây là rào cản lớn nhất làm cho các HTX khó mở rộng phát triển sản xuất. Tài sản, đất đai của các HTX vẫn do UBND xã quản lý. Vì vậy, khả năng tài sản, đất đai của HTX bị trưng dụng, bố trí vào việc khác là khó tránh khỏi.

Nói về điều này, đa phần Giám đốc HTX ở các huyện đều cho rằng: Để mở rộng hoạt động sản xuất, HTX cần đất để làm nhà kho. Không chỉ có các HTX không được cấp đất mà ngay cả những HTX được cấp đất hay tự bỏ tiền ra mua đất với hy vọng có tài sản riêng của mình để thế chấp vay vốn nhưng khi làm thủ tục lên thì mãi không được giải quyết. Và HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phú Lộc (Hậu Lộc),HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thăng Long (Nông Cống), là những điển hình của thực trạng này. Có lẽ cũng vì vậy, nhiều HTX không dám đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khi chưa có GCNQSDĐ đang sử dụng. Câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó khi mà nhiều HTX cũng than phiền rằng rất nhiều HTX có hướng phát triển sản xuất lớn nhưng ngại đầu tư cơ sở vật chất khi chưa có giấy GCNQSDĐ.

Đối với một số HTX trong lĩnh vực thương mại, thủy sản, vận tải... hiện cũng hoạt động cầm chừng. Bên cạnh việc một số HTX thiếu quỹ đất, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất thì vốn đầu tư lớn nên việc không được cấp giấy CNQSDĐ gây khó khăn rất nhiều cho hoạt động.

Đâu là nguyên nhân?

Lý giải về vấn đề này, ông Vũ Huy Cần, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Hậu Lộc, cho biết: Nguyên nhân khiến số HTX được cấp giấy CNQSDĐ còn thấp là do nhiều HTX có sử dụng đất, nhưng lại không quan tâm đến việc lập thủ tục kê khai đăng ký để được cấp GCNQSDĐ, đặc biệt là các HTX nông nghiệp. Thậm chí, có nhiều HTX đủ điều kiện còn thiếu sự chủ động, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc làm hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ. Hơn nữa, phần lớn diện tích đất các HTX đang sử dụng là do thành viên đóng góp, hoặc do UBND xã, phường, thị trấn cấp nên thường không có giấy tờ hợp lệ liên quan đến nguồn gốc sử dụng đất gây khó khăn cho việc xác minh, kiểm tra nguồn gốc sử dụng đất và làm thủ tục xin cấp giấy CNQSDĐ; một số HTX sử dụng đất không nằm trong quy hoạch chung của tỉnh hoặc vẫn xảy ra tranh chấp chưa được giải quyết. Bên cạnh đó, một số xã do sợ mất quỹ đất còn gây khó khăn trong việc xác lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho các HTX...

Còn theo ông Hà Duyên Lục, Trưởng phòng TNMT huyện Yên Định, cho rằng: Đa phần HTX đều chưa có GCNQSDĐ là do các HTX, đặc biệt là các HTX nông nghiệp có trụ sở nằm chung hoặc ngay sát với UBND xã, phường, thị trấn lại chịu sự chỉ đạo trực tiếp của UBND xã, phường, thị trấn nên còn rụt rè trong việc xin cấp đất. Ngoài ra, theo quy định tại Luật Đất đai 2013, các HTX nông nghiệp được miễn phí thuê đất, tuy nhiên, hiện nay nhiều HTX nông nghiệp vẫn chưa nắm được và cho rằng để được cấp GCNQSDĐ phải đóng rất nhiều loại phí nên không mấy mặn mà với việc làm hồ sơ.

Trao đổi về vấn đề này với ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch Liên minh HTX Thanh Hóa, được biết: Việc cấp giấy GCNQSDĐ cho các HTX trên địa bàn tỉnh còn thấp có nguyên nhân từ nhiều phía. Bản thân các HTX tiềm lực còn hạn chế, thiếu khả năng tiếp cận các tổ chức trong quá trình xin cấp giấy GCNQSDĐ, trong khi thủ tục về xin cấp, giao đất khá phức tạp, bao gồm quy trình từ cấp xã, phường đến cấp huyện và thành phố. Bên cạnh đó, ở một số địa phương, lãnh đạo chưa thật sự quan tâm, đánh giá đúng yêu cầu phát triển HTX để tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, cơ sở vật chất cho các HTX; chưa cân nhắc kỹ lưỡng thiệt, hơn khi dành lợi ích, quyền lợi chính đáng của HTX cho các công việc khác...

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]