(vhds.baothanhhoa.vn) - Quản lý tốt vật tư nông nghiệp (VTNN) có vai trò rất quan trọng để bảo đảm phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Với thị trường phong phú, nhiều mẫu mã, chủng loại như hiện nay, việc tăng cường quản lý chất lượng các sản phẩm VTNN là một yêu cầu bức thiết.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làm "sạch" thị trường vật tư nông nghiệp

Quản lý tốt vật tư nông nghiệp (VTNN) có vai trò rất quan trọng để bảo đảm phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Với thị trường phong phú, nhiều mẫu mã, chủng loại như hiện nay, việc tăng cường quản lý chất lượng các sản phẩm VTNN là một yêu cầu bức thiết.

Phát hiện hàng nghìn tấn phân bón giả

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 2.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN. Đây là thị trường kinh doanh có tác động to lớn đến sản xuất nông nghiệp, đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng, sự nghiêm túc thực hiện các điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất, cung ứng và ý thức tiêu dùng của người dân. Để ổn định thị trường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng VTNN trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, kiểm soát.

Theo đó, Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành: Công thương, KH&CN, Công an tỉnh, UBND huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh và chất lượng VTNN; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm. Qua đó đã phát hiện, xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm. Năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019, Sở Công thương, các lực lượng chức năng thực hiện 526 vụ thanh, kiểm tra, xử lý 381 vụ trong sản xuất, kinh doanh phân bón; phạt tiền gần 2,5 tỷ đồng; tịch thu, tiêu hủy 50.800 kg phân bón giả... Điển hình như tháng 7/2018, Đội Quản lý Thị trường số 9, Cục Quản lý Thị trường đã phối hợp với Phòng PC46, Công an tỉnh Thanh Hóa kiểm tra hoạt động kinh doanh phân bón tại Công ty CP Công nông nghiệp Vạn Thắng, xã Vạn Thắng (Nông Cống), phát hiện 1.750 kg phân bón giả không có giá trị sử dụng.

Quản lý vật tư nông nghiệp vẫn đang là bài toán khó.

Thanh Hóa với cơ cấu trồng trọt chiếm khoảng 70% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, nhu cầu sử dụng phân bón là khá lớn. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 30 cơ sở sản xuất phân bón, trong đó có 21 cơ sở sản xuất phân bón vô cơ cùng hệ thống phân phối hơn 1.000 đại lý. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thị trường kinh doanh phân bón còn có biểu hiện “nhập nhèm”, “vàng thau lẫn lộn". Trong khi đó, phần lớn người tiêu dùng khó có thể phân biệt được phân bón thật, giả hoặc kém chất lượng. Việc lựa chọn, sử dụng phân bón chủ yếu là qua tư vấn, giới thiệu của các đại lý. Thậm chí, một số đại lý cung ứng phân bón cũng rất khó khăn trong việc phân biệt chất lượng sản phẩm và vô tình tiếp tay cho các hành vi sản xuất phân bón giả, kém chất lượng.

Tăng cường quản lý

Hiện nay, các xã kiểm soát chất lượng VTNN thông qua hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp. Các hợp tác xã này có trách nhiệm thực hiện đấu mối, ký cam kết cung ứng các loại VTNN với các doanh nghiệp có uy tín. Việc làm này đã phần nào hạn chế được tình trạng người dân sử dụng các loại VTNN kém chất lượng ngoài những danh mục đang lưu thông trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Thiệu Phúc (Thiệu Hóa) cho biết: “Hiện nay, có nhiều chủng loại, thương hiệu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lưu thông trên thị trường mà loại nào cũng quảng cáo là tốt, hiệu quả. Để cung cấp những sản phẩm chất lượng tới bà con nông dân, hợp tác xã thường chọn nhập sản phẩm của các công ty uy tín trên thị trường, chất lượng đã được khẳng định, kiên quyết không nhập hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ”.

Huyện Hoằng Hóa là một trong những địa phương làm tốt công tác quản lý VTNN. Trên địa bàn hiện huyện có hơn 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN. UBND huyện đã tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra và tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về sản xuất, kinh doanh VTNN. Trong năm 2018, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Hoằng Hóa đã tiến hành kiểm tra 37 cơ sở kinh doanh VTNN tại 20 xã, kết quả phát hiện 7 cơ sở vi phạm. Ngoài ra, huyện đã kiểm tra, đánh giá, phân loại theo quy định tại Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 3/12/2014 của Bộ NN&PTNT. Trong đó có 22 cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN xếp loại C. Đối với những cơ sở xếp loại C, huyện đã yêu cầu tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm, tạm đình chỉ kinh doanh và giao cho UBND xã giám sát, quản lý.

Được biết, các sai phạm chủ yếu là buôn bán VTNN chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, người bán hàng không có bảo hộ lao động; bảo quản hàng hóa không đúng quy định làm ảnh hưởng đến chất lượng, không có hóa đơn bán hàng; không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, bán hàng sai quy định ghi nhãn mác hàng hóa và kinh doanh sản phẩm ngoài danh mục, quá hạn sử dụng; kết hợp kinh doanh, sắp xếp VTNN với nhóm hàng hóa là thực phẩm...

Đáng chú ý, tình trạng kinh doanh “lướt sóng”, tranh thủ lúc mùa vụ cao điểm, một số hộ dân có vốn đầu tư tích trữ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để bán kiếm lời trong thời gian ngắn. Những trường hợp này không được trang bị kiến thức liên quan và các điều kiện kinh doanh đúng quy định, việc bảo quản VTNN, tư vấn hướng dẫn sử dụng cho khách hàng đều được thực hiện theo kinh nghiệm. Do việc kinh doanh chỉ thực hiện trong thời gian ngắn nên khó khăn trong kiểm soát ngăn chặn, tiềm ẩn nguy cơ trà trộn lưu thông hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái.

Để công tác quản lý việc kinh VTNN hiệu quả, cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm. Đồng thời, người dân cần mua VTNN có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại các cơ sở kinh doanh có uy tín.

Đông Hoàng


Đông Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]