(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống thưa người, phần lớn gắn bó với nghề là những người già. Trong khi đó, những người trong độ tuổi lao động thì bỏ nghề để đi làm công nhân trong các doanh nghiệp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làng nghề còn hay mất?

(VH&ĐS) Nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống thưa người, phần lớn gắn bó với nghề là những người già. Trong khi đó, những người trong độ tuổi lao động thì bỏ nghề để đi làm công nhân trong các doanh nghiệp.

Khi làng nghề vắng lao động trẻ

Đó được xem là một thực trạng chung mà nhiều làng nghề đang phải đối mặt. Câu chuyện ở làng nghề mây tre đan Hoằng Thịnh là một ví dụ. Nhớ lại giai đoạn “vang bóng một thời” của mây tre đan Hoằng Thịnh là nhớ đến một làng nghề truyền thống nức tiếng với nhiều sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp, phong phú như đèn lồng, rổ, rá, sọt đựng hoa quả, được xuất sang các thị trường chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...

Những năm 2000, được xem là thời kỳ hoàng kim nhất của làng nghề truyền thống này khi có tới 1.450/1.700 hộ làm nghề mây, tre đan với tổng số lao động là 1.973/3.978, chiếm khoảng 50% dân số toàn xã. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, số người làm nghề đang bị thu hẹp lại, chỉ còn khoảng vài trăm người dẫn đến việc hoạt động của làng nghề bị cầm chừng mà người ở lại là những người ngoài độ tuổi lao động, chủ yếu là người già (chiếm khoảng 95%). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó ảnh hưởng lớn nhất là sự xuất hiện của các doanh nghiệp. Tại Hoằng Thịnh, đã có gần 1.500 người trong độ tuổi lao động đi làm tại các doanh nghiệp giày da, may mặc...

Vậy nên mới có chuyện, nếu trước đây trong một hộ có nhiều người theo nghề thì việc hoàn thành một sản phẩm rất nhanh nhưng khi số người làm nghề ít thì sản phẩm bị bóc tách ra, hộ thì đan, hộ khác lại lận, lại nức. Gia đình ông Bùi Khắc Hân (63 tuổi) ở thôn Đoan Vỹ 3, trước đây có 5 người làm nhưng sau này do giá trị sản phẩm thấp đi nên 3 người con đã rời nghề để vào các doanh nghiệp làm việc. Ông Hân cho biết: “Mấy năm nay, hai vợ chồng chỉ nhận công đoạn đan thôi. Nếu cứ ngồi “lì” để làm thì 1 ngày cũng được 70-80 nghìn. Với người già, vậy cũng tạm ổn rồi”.

Làng mây tre đan Hoằng Thịnh phần lớn chỉ còn người già gắn bó.

Còn tại làng nghề đan nón xã Xuân Lộc (Triệu Sơn), 3-4 năm nay, người dân cũng đã không còn mặn mà với làm nón. Thời phát triển mạnh, làng nghề có gần 3.000 người tham gia, chủ yếu là phụ nữ thì nay ở 9 thôn trong xã chỉ còn khoảng 200 người theo nghề, chủ yếu vẫn là người già. Nguyên nhân chính vẫn là do giá sản phẩm thấp, xã lại chưa xây dựng được thương hiệu, trong khi đó các doanh nghiệp như Công ty Giày Hong Fu, Công ty May Hàn Quốc đóng trên địa bàn 2 xã Thọ Dân, Thọ Vực đã thu hút một lực lượng lớn lao động ở Xuân Lộc. Nếu so với cách đây 5-6 năm, chị em phụ nữ tập trung lại để đan nón và tìm thấy được nhiều những thanh niên trẻ thì giờ người nào ở nhà người ấy để đan và chỉ còn là những người trung tuổi và người già. Người trong độ tuổi lao động thì đi làm công nhân, người ngoài độ tuổi lao động thì ở nhà gắn bó với nghề.

Làng nghề vẫn còn?

Thanh Hóa là 1 trong 5 tỉnh có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước. Toàn tỉnh hiện có 155 làng nghề, đến năm 2015 đã công nhận 20 làng nghề và 47 nghề truyền thống. Tỉnh cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống như Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; quy hoạch cụm công nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2010 - 2015... Tuy nhiên, cùng với công tác bảo tồn và phát triển vẫn không thể tránh được việc sẽ có những làng nghề bị mai một hoặc hoạt động cầm chừng vì... doanh nghiệp. Ngay ở huyện Hoằng Hóa, từ đầu năm 2011, một số doanh nghiệp lớn đã đến đầu tư trên địa bàn và mở rộng quy mô sản xuất nên lao động thuộc các làng nghề đã chuyển một phần sang các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp. Ông Hoàng Văn Hiến, Chủ tịch xã Hoằng Thịnh cho rằng: “Tôi tin là làng nghề mây tre đan của chúng tôi dù ít đi lao động nhưng làng nghề sẽ không mất, sẽ luôn tồn tại. Tôi chắc chắn điều đó. Lao động đi vào các công ty đấy là để họ phát huy sức trẻ, nếu họ không thay đổi tư duy là sẽ lạc hậu. Và đến một thời điểm nào đấy khi họ hết tuổi lao động thì họ lại về với làng nghề. Ngay cả đến giờ khi họ đi làm về, họ vẫn tranh thủ với nghề, đấy không phải là tranh thủ kịp thời mà là tranh thủ bền vững”. Còn theo ông Lê Đình Luyến (Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lộc (Triệu Sơn): “Làng nghề ít người gắn bó nhưng bù lại đời sống văn hóa, kinh tế của người dân được nâng lên rất nhiều khi đi vào làm việc tại các doanh nghiệp. Dù không có nhiều hy vọng cho việc củng cố làng nghề nhưng tay nghề của người làng nghề sẽ tồn tại mãi chứ không bao giờ mất”.

Nghề làm miến giúp nhiều hộ dân ở làng Xăm, xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) thoát nghèo, làm giàu. (Ảnh: T.N)

Dù là sự chuyển dịch tích cực trong nội bộ ngành từ khu vực có năng suất lao động thấp sang khu vực sản xuất công nghiệp có năng suất lao động và thu nhập cao nhưng cũng đã làm cho lực lượng lao động ngành nghề trong các làng nghề sụt giảm và có những khó khăn nhất định.

Thiện Nhân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]