(vhds.baothanhhoa.vn) - Do tác động của dịch Covid-19, các làng nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ nhân lực, nguyên liệu cho đến đầu ra sản phẩm... không ít làng nghề buộc phải thu hẹp 70-80% quy mô sản xuất, kéo theo đó là khoảng 45% số lao động trong ngành mất việc làm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làng nghề lao đao do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Do tác động của dịch Covid-19, các làng nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ nhân lực, nguyên liệu cho đến đầu ra sản phẩm... không ít làng nghề buộc phải thu hẹp 70-80% quy mô sản xuất, kéo theo đó là khoảng 45% số lao động trong ngành mất việc làm.

Nếu như trước kia, nghề rèn xã Tiến Lộc (Hậu Lộc), hoạt động sôi động ngày đêm với các đơn hàng phục vụ trong nước, xuất khẩu thì nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát, làng nghề rơi vào tình trạng sản xuất đình trệ. Các đối tác ngừng nhập hàng, hàng sản xuất ra phải lưu kho, nên đa phần các cơ sở sản xuất phải tạm đóng cửa.

Theo tìm hiểu chúng tôi được biết: Xã Tiến Lộc có 3/5 làng có nghề rèn truyền thống gồm làng Ngọ, làng Sơn và làng Bùi. Hiện nay, nghề rèn cũng đã phát triển rộng ra hai làng còn lại là làng Xuân Hội và làng Thị Trang, với hơn 1.500/2.700 hộ tham gia, chiếm hơn 50% số hộ trong xã. Hiện, nghề rèn đã trở thành một trong những nghề chủ lực của địa phương không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn mà còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài xã. Tuy nhiên, từ Tết Nguyên đán đến nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên hiện tại hầu hết các cơ sở sản xuất trên địa bàn xã đều không hoạt động, hàng hóa làm ra còn tồn tại các xưởng, trong khi tiền vốn vay ngân hàng để sản xuất vẫn phải trả hàng tháng.

Trao đổi với hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Dũng ở làng nghề rèn cơ khí Tiến Lộc đã hoạt động được 30 năm nay, ông cho biết: Gia đình ông chủ yếu sản xuất cày, bừa, bánh lồng phục vụ nông nghiệp tại địa phương, các xã lân cận và xuất đi các tỉnh phía Bắc. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện xưởng của gia đình ông gần như đóng cửa hoàn toàn. Trước đây gia đình ông thuê khoảng 5-7 lao động nhưng nay do hàng hóa làm ra không xuất đi được nên ông đành phải cho lao động nghỉ việc.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa rơi vào khó khăn.

Cơ sở sản xuất Phương Thiết (xã Tiến Lộc) do chị Kiều Thị Phương làm giám đốc còn khó khăn hơn, bởi so với trước khi có dịch cơ sở này sản xuất có ngày hàng chục nghìn con dao, thuê hàng trăm lao động cả làm tại xưởng và mang về làm tại gia đình, nhưng hiện nay hàng hóa làm ra không xuất bán được, đơn hàng mới cũng không có.

Đây cũng là thực trạng chung của các làng nghề trên địa bàn tỉnh trong thời điểm hiện nay. Với 132 làng nghề trong đó nhiều làng nghề tham gia xuất khẩu hàng hóa khi đại dịch Covid-19 xảy ra không chỉ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, doanh thu, mà còn ảnh hưởng đến việc làm của hàng trăm nghìn lao động nông thôn.

Làng nghề bánh gai tứ trụ xã Thọ Diên (Thọ Xuân), cũng chung tình cảnh tương tự, khi hiện nay hầu hết các cơ sở sản xuất trên địa bàn xã đã ngừng hoạt động. Theo tìm hiểu chúng tôi được biết toàn xã có hơn 100 hộ chuyên sản xuất bánh gai. Ngoài ra còn có các hộ chuyên thu gom và đi xé lá chuối khô, lá gai, mật mía và trồng lúa, đậu... để có nguyên liệu phục vụ sản xuất bánh gai. Thu nhập của các hộ làm nghề bánh gai truyền thống bình quân đầu người khoảng 24 triệu đồng/ người/ năm. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các cơ sở sản xuất trên địa bàn xã đều đã đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hộ nhỏ lẻ chuyển sang làm những công việc khác. Chẳng hạn như hộ gia đình ông Lê Hữu Lâm, vốn là gia đình theo nghề làm bánh gai từ rất lâu đời, cơ sở sản xuất của ông ngày thường trước khi chưa có dịch sản xuất một ngày hơn 2.000 bánh gai, tạo việc làm cho hàng chục lao động, nhưng hiện tại cũng chỉ hoạt động cầm chừng ngày làm từ vài chục đến vài trăm, do không có đơn hàng, lao động đều phải nghỉ việc.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, anh Bùi Hữu Quyết - Phó phòng Kinh tế hạ tầng huyện Thọ Xuân, cho biết: Khó khăn lớn nhất của các làng nghề hiện nay là việc ngừng xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc và các nước châu Âu đã khiến cho hàng hóa bị tồn kho, dẫn đến nợ đọng vốn. Lượng tiêu thụ sản phẩm làng nghề ở trong nước cũng giảm mạnh do người dân thắt chặt chi tiêu, hạn chế tham quan, mua sắm ở nơi đông người... Nhiều hộ gia đình đã vay khá nhiều vốn để phục vụ cho sản xuất từ trước khi dịch bệnh. Nay sản xuất đình trệ, các doanh nghiệp, hộ gia đình đều mong muốn được giãn nợ, giảm lãi suất vốn vay. Đại diện các làng nghề đều bày tỏ mong muốn, ngoài chính sách chung của Nhà nước, chính quyền nên có các gói hỗ trợ đặc thù, đồng thời có những biện pháp hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh khối làng nghề...

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]