Năm 2018, nền kinh tế Việt Nam đã vận hành rất tốt, với tốc độ tăng trưởng thực tế đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ tăng trưởng mạnh mẽ nhất trên toàn cầu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Năm 2018, Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ tăng trưởng mạnh mẽ nhất trên toàn cầu

Năm 2018, nền kinh tế Việt Nam đã vận hành rất tốt, với tốc độ tăng trưởng thực tế đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ tăng trưởng mạnh mẽ nhất trên toàn cầu.

Trưởng Đại diện thường trú của Văn phòng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, ông Jonathan Dunn.

Điều này đã được Trưởng Đại diện thường trú của Văn phòng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, ông Jonathan Dunn chia sẻ trong cuộc trả lời phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp đón Xuân mới Kỷ Hợi 2019.

PV:Là người đứng đầu một tổ chức tài chính quốc tế tại Việt Nam, ông có thể đưa ra đánh giá về hiện trạng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 và triển vọng trong năm 2019?

Ông Jonathan Dunn: Nền kinh tế Việt Nam đã vận hành rất tốt trong năm 2018, với tốc độ tăng trưởng thực tế đạt 7,1% - mức cao nhất trong nhiều năm trở lai đây. Đây cũng là một trong những tỷ lệ tăng trưởng mạnh mẽ nhất trên toàn cầu và đã phản ánh sự tăng trưởng bền vững liên tục trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, cũng như nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ. Trong năm 2018, các chính sách tiền tệ và tài khóa tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng và sự lưu tâm chặt chẽ của chính phủ đến ổn định kinh tế vĩ mô đã bảo đảm duy trì lạm phát ở mức thấp. Cũng trong năm 2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã một lần nữa tận dụng được những cơ hội từ luồng vốn vào mạnh mẽ để tăng dự trữ ngoại hối lên một mức kỷ lục mới.

Đối với năm 2019, đà tăng trưởng của Việt Nam có thể sẽ được duy trì khi dòng vốn đầu tư chảy vào tiếp tục mạnh mẽ và các nền tảng cơ bản vững chắc để đưa thị trường này trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn...

PV:Dự báo trong năm 2019, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục có nhiều biến động. Ông muốn đưa ra những tư vấn, hỗ trợ thiết thực gì cho Việt Nam trong mục tiêu phát triển kinh tế, đặc biệt là triển khai các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2018 - 2020?

Ông Jonathan Dunn: Năm Kỷ Hợi đang đến, nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những bất ổn ngày càng lan rộng. Trong bối cảnh trên, IMF khuyến nghị Việt Nam nên tiếp tục thiết lập các đệm tài chính để có nhiều không gian chính sách hơn nhằm ứng phó với một môi trường toàn cầu kém thuận lợi hơn, đồng thời để cho các nhà đầu tư cùng các đối tượng khác có thể tiếp tục được chứng kiến những nỗ lực tăng cường sức mạnh trong nền kinh tế và các thể chế của nền kinh tế, gồm cả việc thông qua việc tạo dựng một sân chơi bình đẳng hơn cho khu vực tư nhân trong nước.

Trong phạm vi chính sách kinh tế vĩ mô, điều này có nghĩa là tiếp tục củng cố tài khóa để giảm thâm hụt tài khóa và đưa nợ công vào mức bền vữngtrong dài hạn, tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối và chuyển dần sang các công cụ chính sách tiền tệ dựa trên thị trường để có thể phân bổ tín dụng hiệu quả hơn trong nền kinh tế.

Để tăng cường chuyển đổi lĩnh vực tài chính và đưa lĩnh vực này trở thành một nền tảng vững mạnh hơn phục vụ tăng trưởng kinh tế thì việc cải cách cả thị trường vốn và ngân hàng là điều cần thiết. Tất cả các ngân hàng - gồm cả các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước, phải bảo đảm đáp ứng được các yêu cầu về vốn tối thiểu và tiếp tục cải thiện năng lực quản lý rủi ro để có thể ngăn ngừa được được nguy cơ tăng nợ xấu mới.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải tự chuẩn bị tâm thế để đáp ứng các yêu cầu cao hơn của Basel II sẽ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020 tại Việt Nam. Các thị trường vốn phát triển mạnh hơn và sâu rộng hơn - đóng vai trò là một bước đệm tài chính khác của nền kinh tế, sẽ phụ thuộc vào sự thực thi và phát triển nhanh hơn của cấu trúc thể chế và pháp lý nhằm hỗ trợ xây dựng nên các thị trường năng động hơn cho trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp, mà rồi điều này lại phụ thuộc vào việc phát triển thị trường bảo hiểm và hưu trí.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước, thì việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước là một bước đi đáng hoan nghênh trong việc làm rõ vai trò của nhà nước về quyền sở hữu và tiết chế nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn. Chính phủ nên tiếp tục thực hiện chính sách thoái vốn trong các doanh nghiệp nhà nước lớn để tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển quyền sở hữu sang cho khu vực tư nhân, phù hợp với định hướng tập trung của chính phủ vào sự tăng trưởng do lĩnh vực tư nhân dẫn dắt.

PV:Việc Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) phát huy hiệu lực trong năm 2019 sẽ mang lại những cơ hội và thách thức gì cho Việt Nam thưa ông?

Ông Jonathan Dunn: Cho tới nay, CPTPP đã phát huy hiệu lực và mở ra những cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc mở rộng xuất khẩu của nhiều loại hàng hóa sang các thị trường lớn. Hiệp định này còn khích lệ chính phủ và các công ty Việt Nam trở nên cạnh tranh và cởi mở hơn trong nhiều lĩnh vực của hoạt động quản lý kinh tế. Trong khi đó, các công ty của Việt Nam trong một số lĩnh vực (như nông nghiệp) cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn từ phía các công ty hoạt động hiệu quả hơn trong ngành nghề tương tự ở các nước đối tác tham gia CPTPP.

Mặc dù sự cạnh tranh gay gắt hơn có thể trở thành một thách thức, song cũng mở ra cơ hội để các doanh nghiệp nội địa Việt Nam nâng cao năng lực điều hành, các dịch vụ hậu cần và một số yếu tố khác để tạo ra năng suất cao hơn. Cuối cùng, sự tham gia của Việt Nam vào CPTPP và một số thỏa thuận tự do thương mại (FTA) khác đã phát đi lời cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với một hệ thống thương mại quốc tế được vận hành dựa trên các quy định, công bằng và cởi mở.

PV:Với tư cách là Trưởng đại diện của IMF tại Việt Nam, ông có thể cho biết ông sẽ có những đóng góp gì trong vai trò là cầu nối giúp thúc đẩy quan hệ Việt Nam - IMF trong thời gian tới?

Ông Jonathan Dunn: Trong năm 2018, IMF rất vui mừng hỗ trợ Việt Nam thông qua cơ chế đối thoại chính sách thường xuyên với chính phủ và các hoạt động trợ giúp kỹ thuật sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm hiện đại hóa khung chính sách tiền tệ, quản lý đầu tư công và tăng cường năng lực con người.

Sang năm 2019, chúng tôi mong muốn tiếp tục đối thoại chặt chẽ với chính phủ về các chính sách kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh môi trường toàn cầu đang trở nên kém ổn định; đồng thời hợp tác với nhiều cơ quan chính phủ nhằm tăng cường các khuôn khổ chính sách tiền tệ và tài khóa, quản lý tài chính công và thống kê kinh tế.

Theo dangcongsan.vn


Theo dangcongsan.vn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]