(vhds.baothanhhoa.vn) - Sự sụt giảm giá, môi trường cạnh tranh cao, thị trường xuất khẩu khó tính đang là một trong rất nhiều khó khăn ngành tôm gặp phải. Và để đưa ngành này trở thành ngành sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, có tính cạnh tranh cao, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng tầm nhìn cho tương lai.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngành tôm trước những khó khăn

Sự sụt giảm giá, môi trường cạnh tranh cao, thị trường xuất khẩu khó tính đang là một trong rất nhiều khó khăn ngành tôm gặp phải. Và để đưa ngành này trở thành ngành sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, có tính cạnh tranh cao, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng tầm nhìn cho tương lai.

4 nghìn ha và sản lượng 4 nghìn tấn

Với những chính sách nhằm phát triển ngành tôm được thực hiện trong những năm qua, nghề nuôi tôm ở Thanh Hóa có những chuyển biến tích cực. Năm 2017, diện tích nuôi tôm toàn tỉnh đạt trên 4.070 ha với sản lượng khoảng 4 nghìn tấn, giá trị sản xuất 610 tỷ đồng. Trong số này, tôm sú chiếm phần lớn diện tích song tôm chân trắng lại mang lại sản lượng và hiệu quả kinh tế cao. Tôm thẻ chân trắng sớm thích ứng với điều kiện nuôi ở các địa phương, thể hiện được những ưu thế vượt trội như: tốc độ tăng trưởng nhanh, có thể nuôi với mật độ rất cao 50 - 200 con/m2; chu kỳ nuôi ngắn (2,5 - 3 tháng); thu hoạch dễ, tỷ lệ thịt gia công cao...

Tại 5 khu nuôi tôm công nghiệp của toàn tỉnh gồm các xã: Nga Tân (Nga Sơn), Đa Lộc (Hậu Lộc), Hoằng Phụ (Hoằng Hóa), Thanh Thủy (Tĩnh Gia), Trường Giang (Nông Cống), hình thức nuôi xen canh, luân canh, phá thế độc canh con tôm sú được triển khai. Hình thức nuôi này đã cải thiện được môi trường ao nuôi, tăng thêm thu nhập đồng thời giảm thiểu nguy cơ xuất hiện bệnh dịch trên tôm. Trong giai đoạn 2016 - 2018, 2 vùng nuôi tôm Nga Tân (Nga Sơn) và Thanh Thủy (Tĩnh Gia) đã được Nhà nước đầu tư, nâng cấp đảm bảo điều kiện nuôi tôm chân trắng thâm canh với tổng diện tích 106 ha.

Phát triển ngành tôm bền vững là mục tiêu chung hiện nay.

Đối mặt với nhiều khó khăn

Dù có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển song nghề nuôi tôm đặc biệt là tôm chân trắng tại Thanh Hóa còn gặp nhiều khó khăn. Chưa có một quy hoạch tổng thể, quy mô diện tích nuôi nhỏ lẻ, phân tán, năng suất và hiệu quả kinh tế chưa ổn định. Đặc biệt, công tác quản lý chất lượng tôm giống còn nhiều hạn chế gây ảnh hưởng tới chất lượng, sản lượng tôm. Hiện nay việc lây nhiễm kháng sinh và tạp chất đang là 2 vấn đề khiến cộng đồng doanh nghiệp phải gia tăng kiểm soát, kiểm nghiệm khiến chi phí sản xuất tăng cao. Nguồn tôm giống sản xuất tại chỗ chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, chủ yếu được nhập từ Nghệ An, Quảng Nam và Bình Thuận...

Trong giai đoạn hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc sụt giảm giá bán đã tác động mạnh đến kim ngạch xuất khẩu tôm của các doanh nghiệp trên cả nước. Thị trường cạnh tranh mạnh mẽ cũng là vấn đề đặt ra đối với ngành tôm, đòi hỏi cần có sự điều chỉnh sản lượng, giá bán nhằm hạn chế thua lỗ. Chị Mai Thị Liên (Quảng Xương), một hộ kinh doanh tôm cho biết: Không chỉ nguồn cung giống phần đa được nhập từ tỉnh ngoài mà ngay cả tôm thương phẩm cũng được các hộ kinh doanh như gia đình chị thu mua từ Nghệ An và các tỉnh lân cận. Nguyên nhân của tình trạng này theo chị Liên một phần do vấn đề giá cả và sản lượng.

Định hướng phát triển

Đối với tỉnh Thanh Hóa, để phát triển ngành tôm, trên cơ sở định hướng chung của cả nước, UBND tỉnh mới đây đã xây dựng kế hoạch về việc hành động phát triển ngành tôm tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025. Theo đó, mục tiêu trong giai đoạn 2018 - 2020 tăng tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt trên 4.100 ha, gồm tôm thẻ chân trắng thâm canh và tôm sú nuôi sinh thái; đến năm 2020, phấn đấu tổng sản lượng tôm nuôi đạt 7.220 tấn, đạt giá trị sản xuất trên 1 nghìn tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021 - 2025, nuôi tôm công nghệ cao được hình thành ở các vùng sản xuất trọng điểm, vùng nuôi tôm hữu cơ được áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Mục tiêu, tăng tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 4.717 ha, tổng sản lượng tôm nuôi đạt 10.700 tấn, đạt giá trị sản xuất trên 1.500 tỷ đồng. Ngoài ra, các giải pháp nhằm phát triển công nghiệp chế biến và hình thành chuỗi giá trị trong tiêu thụ sản phẩm tôm; thích ứng với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường cũng được đề cập tới.

Tất cả những điều đó nhằm xây dựng một ngành tôm phát triển bền vững.

Nguyên Mai


Nguyên Mai

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]